(Dân trí) – Một chiêu lừa đã cũ, từng xuất hiện từ cách đây khá lâu, nhưng nhiều người dùng mạng xã hội tại Việt Nam vẫn đang bị mắc bẫy khiến tài khoản Facebook của họ bị kẻ xấu chiếm đoạt.
Chiêu lừa nhờ tham gia bình chọn các cuộc thi trên Internet để lấy cắp tài khoản Facebook
Ngày càng nhiều cuộc thi trực tuyến mà kết quả dựa vào số lượng bình chọn và chia sẻ của người dùng Facebook. Nhiều kẻ lừa đảo cũng đã lợi dụng điều này để tạo ra các trang web bình chọn trực tuyến giả mạo nhằm lấy cắp tài khoản Facebook.
Theo phản ánh của nhiều độc giả Dân trí và nhiều người dùng mạng xã hội Facebook, thời gian gần đây họ nhận được lời đề nghị từ bạn bè và người thân, nhờ tham gia bình chọn cho những cuộc thi trực tuyến, chủ yếu là các cuộc thi ảnh hoặc các tác phẩm nghệ thuật trên mạng xã hội, kèm theo một đường link trang web.
Tuy nhiên, đây là trang web giả mạo cuộc thi do tin tặc lập ra nhằm chiếm đoạt tài khoản Facebook của người dùng.
Khi truy cập vào trang web này, người dùng sẽ được yêu cầu đăng nhập vào tài khoản Facebook để có thể tham gia bình chọn cuộc thi. Nhiều người nhẹ dạ cả tin đã lập tức đăng nhập vào tài khoản Facebook mà không nghi ngờ gì. Tuy nhiên, ngay cả khi nhập đúng thông tin đăng nhập (tên tài khoản và mật khẩu), người dùng vẫn không thể đăng nhập được vào trang web.
Nhiều người tưởng rằng mình đã điền không đúng thông tin đăng nhập tài khoản Facebook nên sẽ nhấn vào tùy chọn “Quên mật khẩu” trên trang web. Tại bước này, trang web bình chọn sẽ yêu cầu người dùng điền địa chỉ email hoặc số điện thoại đã dùng để đăng ký tài khoản Facebook, đồng thời yêu cầu nhập mã OTP để xác nhận việc xin cấp lại mật khẩu.
Dựa vào những thông tin do người dùng cung cấp, tin tặc sẽ lập tức chiếm đoạt tài khoản của họ. Với chiêu trò này, tin tặc có thể chiếm đoạt tài khoản Facebook của người dùng ngay cả khi họ đã sử dụng tính năng bảo mật 2 lớp.
Các tài khoản bị chiếm đoạt này sau đó sẽ bị tin tặc sử dụng để tiếp tục phát tán trang web giả mạo để chiếm đoạt thêm nhiều tài khoản Facebook khác. Không dừng lại ở đó, kẻ xấu còn sử dụng các tài khoản Facebook bị chiếm đoạt để lừa đảo như mượn tiền, nhờ nạp thẻ điện thoại, hoặc thậm chí khai thác thông tin cá nhân của người dùng để tống tiền…
Tài khoản của bạn có bị chiếm đoạt sau khi nhấn vào trang web lừa đảo không?
Để tăng uy tín cho các trang web bình chọn giả mạo này, tin tặc sẽ lợi dụng tên của các doanh nghiệp, thương hiệu lớn… để đưa vào danh sách các nhà tài trợ. Tuy nhiên, trang web bình chọn lại sử dụng tên miền miễn phí, không cung cấp thông tin số điện thoại hay địa chỉ liên lạc của ban tổ chức…
Trong trường hợp bạn chỉ mới truy cập vào trang web được tin tặc gửi đến và chưa sử dụng tài khoản Facebook để đăng nhập vào trang web đó, thì tài khoản của bạn vẫn được an toàn.
Do vậy, bạn cần phải quan sát kỹ nội dung trang web trước khi quyết định khai báo bất kỳ thông tin cá nhân hoặc thông tin đăng nhập các tài khoản trực tuyến, tránh trở thành nạn nhân của tin tặc.
Trong trường hợp bạn đã sử dụng tài khoản Facebook để đăng nhập vào các trang web lừa đảo, thì ngay lập tức phải thay đổi mật khẩu để đề phòng tài khoản bị tin tặc chiếm đoạt.
Trên thực tế, hình thức lừa đảo để chiếm đoạt tài khoản Facebook thông qua các trang web bình chọn trực tuyến đã xuất hiện từ cách đây rất lâu, nhưng thời gian gần đây bắt đầu “nở rộ” trở lại, khiến nhiều người tại Việt Nam vẫn mắc bẫy.
Nguyên do dẫn đến điều này một phần vì sự mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dùng Internet tại Việt Nam, một phần vì nhiều người cả nể khi nhận được lời đề nghị nhờ giúp từ bạn bè và người thân nên không thể từ chối.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng Facebook, bạn luôn phải cảnh giác với những bài viết có nội dung hấp dẫn, gợi sự tò mò. Đặc biệt những trang web yêu cầu người dùng phải đăng nhập vào tài khoản Facebook hoặc Google mới có thể tiếp tục xem nội dung thì bạn nên lập tức bỏ qua, bởi nhiều khả năng đây là các trang web lừa đảo để chiếm đoạt tài khoản trực tuyến của người dùng.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/suc-manh-so/canh-bao-chieu-lua-chiem-tai-khoan-facebook-nhieu-nguoi-mac-tai-viet-nam-20241125233907046.htm