Việc thành lập khu thương mại tự do Cái Mép Hạ là cơ hội lớn để tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khai thác tối đa các tiềm năng từ cảng biển.
Hình thành các cảng xanh
Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có khả năng tiếp nhận tàu siêu trọng tải từ 80-250.000 tấn, vận chuyển hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước. Lâu nay cụm cảng này cũng đã trở thành đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện nay các đơn vị đang chuyển hướng phát triển cảng xanh, bền vững nhằm đáp ứng yêu cầu của các hãng tàu quốc tế. Với chiến lược đầu tư bài bản và tiềm năng lớn, Bà Rịa-Vũng Tàu đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực và quốc gia.
Theo ông Phạm Hoài Trung, Trưởng ban Vận động Net to Zero 2050, trong bối cảnh toàn cầu hóa và nhu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường, các cảng đáp ứng tiêu chuẩn xanh sẽ thu hút được các hãng tàu lớn, duy trì và mở rộng kết nối thương mại quốc tế.
Cảng xanh sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững, giúp các quốc gia và doanh nghiệp duy trì sự phát triển lâu dài trong ngành logistics. Với tầm nhìn xa, nhiều cảng tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã dần chuyển hướng, đầu tư công nghệ để xanh hóa dây chuyền, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thu Thảo, Trưởng Phòng Quan hệ Công chúng Công ty CP Gemadept – chủ đầu tư cảng Gemalink cho rằng cảng xanh không chỉ bảo vệ môi trường mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của cảng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chuyển đổi sang cảng xanh giúp đơn vị tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí và tiết kiệm năng lượng. Bằng công nghệ số và thiết bị điện thay diesel, Gemalink đã giảm phát thải khí nhà kính và tiết kiệm chi phí vận hành.
Theo bà Thảo, 95% thiết bị khai thác tại Gemalink hoạt động bằng điện, thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giúp giảm đáng kể lượng phát thải.
Còn ông Rolf Habben Jansen, Tổng Giám đốc điều hành hãng tàu Hapag-Lloyd cho biết, tổ chức Hàng hải Quốc tế đã đưa ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050 và hãng cam kết thực hiện.
“Chúng tôi hợp tác với các cảng biển và nhà cung cấp để xây dựng chuỗi logistics bền vững, trong đó mỗi khâu đều cam kết bảo vệ môi trường. Do đó những cảng và nhà cung cấp không tham gia vào lộ trình chuyển đổi xanh sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, khó bắt nhịp xu thế chung”, ông Rolf Habben Jansen nói.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép, cho biết các hãng tàu lớn đã thông báo rõ ràng về các mục tiêu và mốc thời gian cụ thể để đạt phát thải bằng 0, có thể sớm hơn so với cam kết toàn cầu. Nhiều hãng tàu yêu cầu các cảng cung cấp “tín dụng xanh” mới được tham gia đấu thầu, đây cũng là bước chuyển mình lớn trong ngành vận tải.
Còn tại cảng TCIT, đơn vị này cũng cho biết sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cấp thiết bị để xây dựng cảng xanh. TCIT đang nghiên cứu mua sắm thiết bị lọc nước sử dụng công nghệ lọc từ không khí kết hợp với năng lượng mặt trời.
Theo các chuyên gia, để tạo ra hành lang vận tải xanh đồng bộ và hiệu quả cần quy định rõ ràng về chuyển đổi xanh để tất cả các cảng biển cùng thực hiện đồng loạt. Bên cạnh đó cũng cần cơ chế hỗ trợ như miễn, giảm hoặc giãn thuế cho các dự án chuyển đổi xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư…
Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ động lực phát triển cho toàn vùng Đông Nam Bộ
Song song với việc phát triển cảng xanh, Bà Rịa – Vũng Tàu đang tập trung hình thành khu thương mại tự do tại Cái Mép Hạ. Đây là một chủ trương quan trọng trong Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng khu thương mại tự do không chỉ là cơ chế ưu đãi cho Bà Rịa – Vũng Tàu mà còn là động lực phát triển cho toàn vùng Đông Nam Bộ, Khu thương mại này sẽ giúp Việt Nam cạnh tranh hiệu quả trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh công nghiệp hóa.
Việc lựa chọn Cái Mép Hạ là vị trí hình thành khu thương mại tự do căn cứ vào những lợi thế tự nhiên nổi bật. Nơi đây với cảng biển Cái Mép – Thị Vải một trong 21 cảng lớn nhất thế giới, có thể tiếp nhận các siêu tàu container và kết nối trực tiếp với châu Mỹ, châu Âu, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của khu thương mại này.
Thời gian qua, Bà Rịa – Vũng Tàu đã chủ động triển khai một số công việc cần thiết như: cập nhật chủ trương phát triển khu thương mại tự do vào quy hoạch tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh tổ chức lập quy hoạch trung tâm logistics Cái Mép Hạ với diện tích 1.686,73ha, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tỉnh cũng đã triển khai đầu tư các công trình giao thông kết nối liên cảng và liên vùng, phối hợp với Trung ương và các địa phương trong vùng thúc đẩy triển khai các dự án giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ. Đặc biệt là kết nối hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải với sân bay Long Thành, Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM các trung tâm công nghiệp, đô thị trong vùng.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/cang-xanh-va-khu-thuong-mai-tu-do-mat-xich-tang-truong-kinh-te-ba-ria-vung-tau-192241129200134668.htm