‘Chúng tôi đến đây với niềm tiếc thương vô hạn. Những việc bác đã làm cho đất nước, dân tộc luôn trong tâm trí chúng tôi’, người dân bày tỏ khi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM).
Dòng người chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, chiều 25-7 – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội, người dân sẽ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 18h hôm nay 25-7. Khi đến viếng, người dân mang theo thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử hoặc điện thoại di động cài đặt VNeID mức độ 2 để quét mã QR.
Tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, người dân vào viếng từ 13h.
Tại quê nhà Lại Đà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thuộc xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội), người dân vào viếng theo hướng dẫn của Ban tổ chức.
Gần 16h tại ngã tư Lò Đúc – Yecxanh, đoàn người dân lần lượt xếp hàng đợi vào viếng Tổng Bí thư.
Bạn Lê Nguyên Hà (19 tuổi, Trường cao đẳng Y tế Hà Nội) xếp hàng từ sớm, rất đông người đợi vào viếng nên Hà cố gắng hòa vào đoàn người.
Trong trái tim cô gái trẻ cảm nhận Tổng Bí thư đã đóng góp rất nhiều công sức cho đất nước, một đời vì nước vì dân nên rất hâm mộ Tổng Bí thư. Vì thế cô cố gắng đến khu vực Nhà tang lễ Quốc gia, đợi giờ ban tổ chức cho người dân vào viếng.
“Tôi còn trẻ, mọi người đợi được tôi sẽ đợi được để viếng. Là người trẻ tôi sẽ luôn luôn cố gắng làm được những điều mà Tổng Bí thư kỳ vọng” – Hà chia sẻ.
Người dân đến viếng Tổng Bí thư ngày càng đông
25/07/2024 15:48 GMT+7
Càng về chiều, người dân xếp hàng vào Hội trường Thống Nhất càng đông hơn. Thiếu tá Phạm Hùng Cường (quân Khu 7) liên tục hướng dẫn các đoàn trật tự trước khi kiểm tra an ninh.
Hòa trong dòng người là gia đình 6 người của chị Nguyễn Thị Hương. Cả nhà đi xe hơn 2 tiếng đồng từ Hóc Môn vào trung tâm TP để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bế con nhỏ mới 7 tháng tuổi dưới trời lất phất mưa chờ ở cổng Hội trường Thống Nhất, chị Hương không khỏi bồi hồi, xúc động vì dòng người hòa chung cảm xúc như mình đông không đếm xuể. Con của chị mắt tròn xoe nhìn cô chú xung quanh có người vội lau đi nước mắt.
Chị Hương cho biết chỉ biết đến Tổng Bí thư qua báo chí, tin tức thời sự nhưng rất quý trọng đức tính giản dị, liêm khiết, trọn đời vì đất nước, nhân dân của Tổng Bí thư. Khi biết thông tin TP.HCM tổ chức nơi viếng ông, mọi người nóng lòng, cùng hẹn nhau đến thắp nén hương. “80 năm tuổi đời không một giờ nghỉ hưu, gia đình tôi ai cũng buồn thương khi hay tin bác Trọng mất. Những phẩm chất đạo đức cũng như công lao của Tổng Bí thư sẽ mãi in sâu trong lòng người dân Việt Nam”, chị Hương nói.
Chị Nguyễn Thị Hương bế con mới 7 tháng tuổi, xếp hàng hơn 30 phút chờ viếng Tổng Bí thư – Ảnh: CẨM NƯƠNG
Giám đốc Công an TP Hà Nội kiểm tra công tác đảm bảo an ninh trật tự tại thôn Lại Đà
25/07/2024 15:34 GMT+7
Chiều 25-7, đoàn Công an TP Hà Nội do trung tướng Nguyễn Hải Trung, giám đốc Công an TP, dẫn đầu vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trước đó, ông Trung đã đi kiểm tra công tác đảm bảo an ninh, trật tự của các lực lượng làm nhiệm vụ tại khu vực này.
Đoàn Công an TP Hà Nội do trung tướng Nguyễn Hải Trung, giám đốc Công an TP, dẫn đầu vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: HỒNG QUANG
Vượt hàng trăm km lên TP.HCM viếng Tổng Bí thư
Nhóm bạn lần đầu gặp nhau, đến từ các tỉnh Bình Phước, Vĩnh Long, Cần Thơ… viếng Tổng Bí thư ở Hội trường Thống Nhất – Ảnh: PHƯƠNG NHI
Đúng 13h, nhóm bạn trẻ gần 20 người xếp hàng trước cổng Hội trường Thống Nhất đợi vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chị Thu Hà (30 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) cho biết gọi là “nhóm bạn” nhưng đây là lần đầu tiên họ gặp nhau. Họ đến từ các tỉnh thành khác nhau, công việc khác nhau, kết nối với nhau bởi lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc vị lãnh đạo.
Chị Hà kể qua các phương tiện truyền thông, chị biết hôm nay người dân có thể viếng bác tại Hội trường Thống Nhất. Trên mạng xã hội, có nhiều bạn trẻ ở khắp các tỉnh thành cũng rất muốn đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối. Do đó, chị đã lập nhóm, kết nối các bạn và hẹn nhau trước cổng Hội trường. Nhiều người trong nhóm đã xin nghỉ phép, vượt quãng đường hàng chục, hàng trăm km từ các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long… để đến TP.HCM.
Trong nhóm chị Hà có bạn Lương Trí Hùng (20 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long). Hùng chia sẻ với bạn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương đạo đức sáng ngời. Suốt khoảng thời gian vào thắp nén hương, viếng bác, bạn tràn ngập xúc động và không không kìm được nước mắt.
Giây phút ra về, Hùng kể mình vẫn cố gắng ngoái đầu lại nhìn di ảnh bác thêm lần nữa, ngập ngừng không muốn rời đi trong lòng tiếc thương vô hạn.
Dòng người đông đúc tiếp tục hướng về thôn Lại Đà
25/07/2024 14:52 GMT+7
Đầu giờ chiều, dòng người đông đúc tiếp tục đổ dồn về điểm viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Trời nổi gió, kèm theo mưa lất phất khiến dòng người đi chậm lại, một số người mở ô dù tránh ướt. Nhiều đoàn viên thanh niên nhanh chân mang các túi áo mưa ra phát cho người cần tại các điểm phát nước miễn phí.
Tuy nhiên, sau 14h chiều, trời hửng nắng và thời tiết trở nên mát mẻ.
“Không nén được xúc động khi nhìn di ảnh bác”
TP.HCM mưa lớn, dòng người vẫn đổ về Hội trường Thống Nhất
Dù trời đổ mưa to, đoàn người chờ viếng Tổng Bí thư Tổng Phú Trọng vẫn kéo dài đến tận cổng di tích lịch sử Dinh Độc Lập – Ảnh: CẨM NƯƠNG
“Cả tuần ngóng nghe tin tức về bác, vừa nghe vừa khóc”
Tại vườn hoa Yersin cạnh Nhà tang lễ Quốc gia (Hà Nội), một số người dân đã vào từ sáng sớm, ngồi trật tự đợi tới 18h vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Họ trò chuyện với nhau về người lãnh đạo đất nước mà họ tôn kính và về đoạn đường xa họ đã đi để được vào viếng Tổng Bí thư.
Ông Phạm Văn Tiến (61 tuổi, bán hàng tạp hóa tại thôn Hoàng Xá, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, Hà Nội) thuê taxi từ Thường Tín về Nhà tang lễ Quốc gia để được kính viếng nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước.
Mắt sưng đỏ, ông Tiến cho biết cả tuần qua khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, hai vợ chồng ông ngày ngày ngóng nghe tin tức về bác, nghe cả các bài hát viết về bác, vừa nghe vừa khóc.
Còn ở làng ông, cả làng treo cờ rủ, người dân ngừng mọi hoạt động vui chơi giải trí. Câu chuyện giữa xóm giềng đều là những chuyện về vị lãnh đạo suốt đời liêm khiết, cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho dân, cho nước.
“Bác là đảng viên mẫu mực, làm việc tới hơi thở cuối cùng cho đất nước, người dân ai cũng thương tiếc”, ông Tiến nói.
Bà Lê Thị Nhung (Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, 81 tuổi) thì mang theo những tờ báo ra hôm nay với trang nhất về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến viếng ông.
Giọng nghẹn ngào, bà Nhung nói người dân ai cũng thương tiếc một vị hiền tài của quốc gia như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong lòng bà, Tổng Bí thư chính là “Bao Công của Việt Nam”.
Hàng ngàn người chờ vào viếng Tổng Bí thư
Từ Canada về Việt Nam thăm gia đình, chị Nguyễn Thị Hương dời chuyến du lịch để tranh thủ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối. “Tôi mang theo hoa vào viếng bác, vị lãnh đạo suốt đời vì dân vì nước”, chị Hương chia sẻ – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Người dân tiến vào Hội trường Thống Nhất để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chiều 25-7 – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Nhiều người dân ở thành phố xúc động khi đến kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: HỮU HẠNH
“Thương quý bác quá không diễn tả được”
Cô Nguyễn Thị Bé (Củ Chi) ngồi chờ phía bên ngoài Hội trường Thống Nhất từ 5h sáng để chờ vào viếng.
“Không biết chiều nay có kịp vào hay không nhưng tôi sẽ vẫn chờ ở đây. Thương quý bác quá không diễn tả được, chỉ mong một lần được cúi đầu trước di ảnh của bác” – cô chia sẻ.
Trong khi đó anh Nguyễn Phú Huỳnh (ngụ xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với bức tranh khảm trai cẩn ốc xà cừ hình ảnh Tổng Bí thư được làm từ 8 tháng trước.
Anh Huỳnh cho biết xuất phát từ sự kính trọng đối với người lãnh đạo tài tình, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh đã dành 2 tháng liền để làm bức chân dung này.
Theo anh Huỳnh, tác phẩm này là một trong các sản phẩm từ làng nghề thủ công truyền thống quê anh (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội).
“Tôi đến đây với niềm tiếc thương vô hạn, rất kính trọng bác. Những việc bác đã làm cho đất nước, dân tộc ta, những điều đó luôn trong tâm trí tôi. Là một nghệ nhân, tôi rất muốn thể hiện những gì thuộc về nghề của mình với bậc vĩ nhân như vậy. Tôi sẽ cố gắng học tập làm theo những lời bác dạy và sẽ luôn phát huy giá trị làng nghề của mình, góp phần phát triển văn hóa nước mình”, anh Huỳnh chia sẻ.
“Di sản mà Tổng Bí thư để lại sẽ còn mãi với dân tộc”
Trong lúc chờ được vào bên trong hội trường Thống Nhất, ông Nguyễn Đình Bật (CLB Bộ đội Trường Sơn Hồ Chí Minh) xúc động khi tưởng nhớ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Không có điều kiện để ra Hà Nội, tôi có mặt ở Dinh Thống Nhất từ sớm để chờ được vào viếng, di sản mà Tổng Bí thư để lại sẽ còn mãi với dân tộc”, ông nói.