Căng thẳng tại Sudan chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi giao tranh giữa quân đội Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) vẫn tiếp diễn tại thủ đô Khartoum và khu vực Darfur.
Theo AFP, một nhân viên y tế cho biết, ngày 25-6, ít nhất 12 người đã thiệt mạng do giao tranh giữa hai lực lượng trên tại Nyala, thủ phủ của bang Nam Darfur. Nguồn tin này nói rõ việc cấp cứu và điều trị các nạn nhân bị thương gặp nhiều khó khăn do giao tranh ác liệt cản trở việc đi lại. Trước đó một ngày, các cuộc tấn công bằng đạn pháo đã nổ ra tại Nyala. Trong khi đó, tại thủ đô Khartoum, chiến trường chính của cuộc giao tranh, SAF và RSF đã tăng cường các cuộc không kích sau khi thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Saudi Arabia kết thúc từ ngày 21-6.
Khu vực Darfur đã phải chứng kiến tình trạng bạo lực đẫm máu nhất trong cuộc chiến giành quyền lực giữa SAF và RSF. Liên hợp quốc (LHQ) đã cảnh báo về tội ác chống lại loài người có thể xảy ra tại đây, đồng thời cho rằng cuộc xung đột đã mang “chiều hướng sắc tộc”. Ngày 24-6, LHQ kêu gọi “hành động ngay lập tức” để ngăn chặn các vụ giết hại những người chạy trốn khỏi El Geneina, thủ phủ bang Tây Darfur, do các dân quân Arab được RSF hỗ trợ. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, có tới 1.100 người đã thiệt mạng ở El Geneina. Bộ Ngoại giao Sudan ra tuyên bố kêu gọi các tổ chức quốc tế và địa phương gây sức ép đối với RSF thông qua việc lên án lực lượng này vi phạm các cam kết chống lại người dân Sudan.
Khói bốc lên trên các tòa nhà ở thủ đô Khartoum, Sudan khi cuộc giao tranh giữa SAF và RSF nổ ra. Ảnh: AP |
Những diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh Mỹ đã thông báo đình chỉ các cuộc đàm phán về xung đột ở Sudan do định dạng hiện nay không mang lại thành công theo cách mà Washington mong muốn.
Tình hình nhân đạo ở Sudan hiện rất nghiêm trọng khi toàn bộ các quận ở thủ đô Khartoum đã không còn nước sạch và chỉ có điện vài giờ trong tuần. Các cơ sở cứu trợ cũng thường xuyên bị cướp bóc. Theo LHQ, viện trợ hiện đã đến tay ít nhất 2,8 triệu người ở Sudan. Tuy nhiên, các cơ quan nhân đạo báo cáo rằng họ gặp nhiều trở ngại trong hoạt động cung cấp viện trợ, từ thị thực cho các nhà nhân đạo nước ngoài đến việc bảo đảm hành lang vận chuyển an toàn. Tổ chức tư vấn Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) cho rằng SAF không muốn viện trợ vào thủ đô do lo sợ rằng các gói hàng sẽ rơi vào tay RSF như đã từng xảy ra trước đây.
Theo số liệu mới nhất từ Dự án dữ liệu sự kiện và vị trí xung đột vũ trang, gần 2.800 người đã thiệt mạng ở Sudan kể từ khi cuộc giao tranh giữa SAF và RSF nổ ra hồi giữa tháng 4 năm nay. Trong khi đó, theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), gần 2 triệu người khác đã phải rời bỏ nhà cửa đến các khu vực an ninh hơn trong nước và khoảng 600.000 người đã chạy trốn qua biên giới của Sudan. Tổ chức lương thực và nông nghiệp LHQ (FAO) cảnh báo cuộc giao tranh hiện nay đã làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực vốn đã nghiêm trọng ở Sudan với nạn đói có thể lan rộng đáng kể trên khắp đất nước.
Các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết viện trợ 1,5 tỷ USD cho Sudan tại một hội nghị ở Geneva (Thụy Sĩ) hồi tuần trước. Tuy nhiên, con số này mới đáp ứng được 50% nhu cầu cần thiết của Sudan. LHQ ước tính cần khoảng 3 tỷ USD trong năm nay để cứu trợ nhân đạo cho người dân ở Sudan cũng như những người đã tị nạn ở nước ngoài.
LÂM ANH