Luật mới về chính sách đối ngoại cho phép Trung Quốc đáp trả các hành động của Mỹ một cách mạnh mẽ hơn. Sẽ có thêm nhiều căng thẳng trong cuộc chiến kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mối quan hệ Mỹ-Trung đã xuống dốc trong một thời gian, với việc Washington phàn nàn về các hoạt động thương mại và tiền tệ của Bắc Kinh. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 28/6 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông qua một đạo luật mới về cơ bản cho phép nước này đáp trả ngày càng nhiều lệnh trừng phạt do Mỹ và các đồng minh áp đặt. Đạo luật về chính sách đối ngoại mới cung cấp một khuôn khổ pháp lý để Trung Quốc có hành động chống lại các công ty và quốc gia mà nước này cho là đang trừng phạt họ. Luật mới có hiệu lực từ ngày 1/7.
Global Times, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thông tin: “Cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc đã thông qua Luật Quan hệ đối ngoại vào ngày 28/6, đánh dấu một cột mốc quan trọng. Đây là luật quan hệ đối ngoại cơ bản và toàn diện đầu tiên nhằm khắc phục những kẽ hở trong chính sách đối ngoại.
Luật được ban hành trong bối cảnh có những thách thức mới trong quan hệ đối ngoại, đặc biệt là khi Trung Quốc thường xuyên phải đối mặt với sự can thiệp từ bên ngoài vào các vấn đề nội bộ với các biện pháp trừng phạt đơn phương từ phương Tây”.
Mỹ gia tăng trừng phạt
Không có gì bí mật khi mối quan hệ Mỹ-Trung đã xuống dốc trong một thời gian, với việc Washington phàn nàn về các hoạt động thương mại và tiền tệ của Bắc Kinh.
Chẳng hạn, Mỹ thường cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ – hành động giữ cho đồng NDT yếu đi – nhằm giành ưu thế trong thương mại. Thâm hụt thương mại với nền kinh tế số 1 châu Á là vấn đề then chốt mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Tương tự, Washington cũng lo ngại về việc Bắc Kinh đánh cắp bí mật công nghệ. Tháng 10/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một loạt lệnh cấm xuất khẩu sâu rộng. Theo đó, về cơ bản, các công ty Trung Quốc không thể mua vi mạch tiên tiến và thiết bị liên quan có xuất xứ từ Mỹ.
Việc Mỹ ngày càng xích lại gần Ấn Độ cũng được nhìn nhận theo cùng một khía cạnh rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hy vọng sử dụng quốc gia Nam Á làm đối trọng với sự trỗi dậy của quốc gia Đông Bắc Á.
Đại dịch Covid-19 đã chứng kiến nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ, ngày càng cố gắng đưa ra các chiến lược để giảm thiểu rủi ro khi can dự với Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều này nói thì dễ hơn làm.
Trên thực tế, trong ba thập niên qua, Trung Quốc đã trở thành công xưởng của thế giới. Việc di chuyển các nhà máy ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là việc không dễ dàng vì không thể có sự thay thế ngay lập tức.
Rất ít quốc gia có thể tự hào về cơ sở hạ tầng con người và vật chất như Trung Quốc. Việc rời bỏ công xưởng thế giới, thậm chí do những lo ngại về địa chính trị và chính sách đối ngoại, sẽ không phải là không có chi phí.
Phản ứng của Trung Quốc
Không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh đã nhiều lần chỉ trích các lệnh cấm và hạn chế của Washington, đồng thời bác bỏ các cáo buộc về hoạt động gián điệp của các công ty và hành vi bị cho là thao túng tiền tệ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tranh luận về một trật tự kinh tế toàn cầu cởi mở hơn.
Thái độ và hành động của Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết đoán, đặc biệt kể từ khi cuộc đối đầu kinh tế với Washington cũng lan sang các vấn đề liên quan vùng lãnh thổ như Hong Kong và Đài Loan của Trung Quốc.
Chẳng hạn, vào ngày 27/6, trong khi phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Thiên Tân – còn được gọi là Davos mùa Hè – Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã cảnh báo các cường quốc phương Tây rằng, nỗ lực “giảm thiểu rủi ro” từ nước này có thể dẫn đến sự phân mảnh của chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông nói, các chính phủ không nên “vượt quá giới hạn của mình” để tác động các công ty rời khỏi Trung Quốc.
Người đứng đầu chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh: “Chúng ta nên phản đối việc chính trị hóa các vấn đề kinh tế và cùng nhau hợp tác để giữ cho chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu ổn định, thông suốt và an toàn nhằm mang lại thành quả của toàn cầu hóa cho các quốc gia và nhóm người khác nhau theo cách công bằng hơn”.
Theo People’s Daily, luật mới ngụ ý rằng: “Trung Quốc có quyền thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết theo luật pháp đối với các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ quốc tế và gây nguy hiểm cho chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ xây dựng các luật, quy định hành chính, thiết lập các hệ thống và cơ chế làm việc tương ứng, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ phận, thiết lập và thực hiện các biện pháp đối phó và hạn chế có liên quan”.
Trả lời Global Times, Giáo sư Viện Luật pháp quốc tế của Đại học Vũ Hán Huang Huikang cho biết: “Lần đầu tiên luật nêu rõ mục đích, điều kiện và định hướng chính sách của việc áp dụng luật pháp Trung Quốc trong quan hệ đối ngoại, đồng thời quy định các nguyên tắc đối với các biện pháp chống lại và hạn chế đối với quốc gia, cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài”.
Bắc Kinh cũng đã và đang thực hiện các hành động như cấm các công ty nội địa mua sản phẩm của Micron Technology Inc, một nhà sản xuất chip của Mỹ.
Trung Quốc hy vọng sẽ vượt lên trên Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, một siêu cường công nghệ. Đồng thời, Bắc Kinh không thể từ bỏ quyền kiểm soát hiện có của mình với tư cách là trung tâm đầu não của sản xuất toàn cầu.
Đạo luật mới được kỳ vọng sẽ cho phép Trung Quốc đáp trả các hành động của Mỹ mạnh mẽ hơn nữa.