Mối đe dọa từ Wagner và những cuộc tập trận của Minsk gần yết hầu NATO đang làm leo thang căng thẳng dọc biên giới Ba Lan – Belarus.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak ngày 10/8 cho biết nước này sẽ điều thêm 10.000 lính tới biên giới với Belarus để hỗ trợ lực lượng biên phòng ngăn chặn những vụ tấn công tiềm tàng. Mười ngày trước, Warsaw cáo buộc hai trực thăng quân sự Belarus đã xâm phạm không phận, điều mà Minsk bác bỏ.
Ba Lan đã chứng kiến làn sóng người di cư từ Trung Đông và châu Phi vượt biên vào nước này gia tăng trong những tháng gần đây. Kể từ năm 2021, Warsaw đã nhiều lần tố Belarus tiếp nhận hàng nghìn người di cư, rồi khuyến khích họ vượt biên bất hợp pháp vào Ba Lan.
Việc hàng trăm tay súng Wagner đồn trú ở Belarus sau cuộc nổi loạn tại Nga hồi tháng 6 cũng khiến Ba Lan ngày càng lo lắng về an ninh biên giới. Trong khi đó, Belarus tuần này tiếp tục các cuộc tập trận gần biên giới và Tổng thống Alexander Lukashenko nhiều lần nói rằng ông đang cố kiềm chế các thành viên Wagner muốn tiến vào Ba Lan.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cảnh báo lực lượng Wagner có thể trà trộn vào dòng người di cư để xâm nhập Ba Lan, hoặc đóng giả lính biên phòng Belarus để hỗ trợ nhiều người vượt biên trái phép.
“Là lính đánh thuê, lực lượng này có thể tạo ra nhiều xáo trộn ở biên giới Ba Lan mà khó có thể quy trách nhiệm trực tiếp cho Nga hay Belarus”, tiến sĩ Barbara Yoxon, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Lancaster, nói.
Thủ tướng Ba Lan không loại trừ khả năng Wagner đang chuẩn bị tiến hành các hành động phá hoại Ba Lan và Litva. Quan chức Litva cho biết họ đã sẵn sàng ứng phó với tình huống bất ổn ở biên giới.
“Khả năng xảy ra khiêu khích ở biên giới của chúng tôi là có. Chúng tôi đang chuẩn bị cho điều này”, Rustamas Liubajevas, người đứng đầu lực lượng biên phòng Litva, nói đầu tuần này.
Khu vực tập trận của Belarus rất gần Hành lang Sulwaki, dải đất hẹp cắt ngang Ba Lan và Litva, còn được gọi là “yết hầu” của NATO. Hành lang này cũng là vị trí nhạy cảm chiến lược khi ngăn cách Belarus với vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga, nơi đặt sở chỉ huy Hạm đội Baltic.
Nhiều nhà phân tích quân sự coi Hành lang Suwalki là điểm nóng tiềm tàng nếu xảy ra xung đột giữa Nga và các nước thành viên NATO, trong đó có Ba Lan và Litva. Điều đáng lo ngại là nếu Nga cùng với Belarus sử dụng lực lượng quân sự kiểm soát hành lang này, họ có thể chia cắt ba nước Baltic là Litva, Latvia và Estonia khỏi các đồng minh NATO còn lại ở châu Âu.
“Đây là điểm nghẽn chí tử. Nga và Belarus sẽ dễ dàng ngăn NATO gửi quân tiếp viện để bảo vệ các quốc gia Baltic”, tiến sĩ Yoxon nói.
Rất ít nhà phân tích quân sự cho rằng Nga có kế hoạch tấn công các nước Baltic, song họ nhận định Wagner có thể là công cụ để Moskva kiểm tra phản ứng của NATO.
“Một phần cuộc tập trận của Nga và Belarus là thăm dò dư luận và cách các nước NATO phản ứng với cuộc xâm nhập lãnh thổ”, giáo sư Malcolm Chalmers, thành viên Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói.
Nga và Belarus đã ký một số thỏa thuận quân sự trong những năm gần đây. Minsk đã cho phép quân Nga dùng lãnh thổ làm bàn đạp tiến quân vào Ukraine và hiện cho Moskva triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ.
Tiến sĩ Anais Marin, nhà nghiên cứu tại tổ chức Chatham House, không loại trừ kịch bản các vụ trực thăng quân sự hoạt động gần không phận Ba Lan có thể là chủ ý của Nga để “đảm bảo rằng Belarus vẫn là đối thủ của Minsk và NATO, trong khi là đối tác vững chắc của Moskva”.
Lãnh đạo Nga từng cảnh báo phương Tây rằng “phát động cuộc tấn công chống Belarus đồng nghĩa là chống lại Liên bang Nga. Chúng tôi sẽ đáp trả điều đó với tất cả nguồn lực sẵn có”.
Cách phản ứng gay gắt này của Nga có thể kích hoạt NATO sử dụng Điều 5, quy tắc phòng thủ chung của liên minh. Nhiều nhà quan sát lo ngại căng thẳng khu vực đang leo thang tới mức có thể bùng phát thành xung đột quân sự.
Tuy nhiên, Anatol Lieven, giám đốc chương trình Á-Âu tại Viện Quincy, nhận định Ba Lan sẽ không khơi mào xung đột bởi “điều này sẽ không được lòng hầu hết các nước NATO khác”. Mỹ và nhiều đồng minh cho đến nay vẫn cố gắng tránh cuộc đụng độ quân sự trực tiếp với Nga.
Phần lớn giới quan sát cho rằng các động thái căng thẳng ở biên giới như điều động quân, tập trận của Ba Lan và Belarus có thể chỉ nhằm mục đích răn đe.
Geoffrey Roberts, giáo sư danh dự về lịch sử tại Đại học College Cork ở Ireland, cho rằng Ba Lan rất khó thực hiện bất cứ động thái quân sự nào khi không được Mỹ bật đèn xanh. “Động thái chống lại Belarus sẽ đồng nghĩa khơi mào chiến tranh với Nga và đó không phải là điều Warsaw cũng như phương Tây muốn”, Roberts nói.
Thanh Tâm (Theo BBC, FT, RS)