Áp lực vượt qua “cánh cửa hẹp”
Cuộc đua giành “suất” vào lớp 10 ở các trường THPT công lập tại những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chưa bao giờ bớt nóng. Năm nay, tình hình càng căng thẳng hơn khi “cánh cửa” vào lớp 10 thêm phần chật hẹp.
Năm học 2023-2024, Hà Nội có gần 130.000 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp THCS. Trong khi đó, chỉ tiêu dự kiến tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh, chỉ chiếm 55,7% – thấp hơn so với các năm trước. Như vậy, trung bình cứ 10 học sinh lớp 9 tại Hà Nội, chỉ có gần 6 em được học ở lớp 10 công lập.
Áp lực lớn từ kỳ thi vào lớp 10 khiến học sinh mệt mỏi, căng thẳng. |
Tại TP Hồ Chí Minh, theo kế hoạch phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS của ngành giáo dục, trong năm học này, chỉ có khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục vào học lớp 10 tại các trường THPT công lập; 30% còn lại phải lựa chọn các hình thức khác như: Học nghề; học trường tư thục…
Chính vì tỷ lệ “chọi” cao nên áp lực lên các học sinh là rất lớn. Để giành được một “suất” vào lớp 10 công lập, các học sinh cuối cấp lúc này đang phải “chạy đua” cho việc ôn luyện. Ngoài lịch học chính khóa ở trường, nhiều em còn kín mít lịch học thêm, ôn thi ngày đêm dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng.
Em Minh Châu (học sinh lớp 9 một trường THCS tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, khoảng 1 tháng nay, lịch học của em chật kín. Buổi sáng Châu học ở trường, trưa ăn uống qua loa rồi chiều “chạy sô” 2 lớp học thêm, tối làm bài tập và tự ôn luyện đến 1-2 giờ sáng. Thậm chí kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 dài ngày vừa qua, Châu không tham gia hoạt động vui chơi nào để dành thời gian cho việc học.
“Kỳ thi ngày càng cận kề, em rất lo vì học lực của mình chỉ ở mức khá, trong khi trường em muốn thi lại có tỷ lệ chọi cao. Nhiều khi đang ngủ em cũng giật mình tỉnh giấc vì mơ thấy mình thi trượt”, Châu kể.
Cách giải tỏa áp lực cho sĩ tử trước kỳ thi
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành) cho biết, trước một kỳ thi quan trọng có sự cạnh tranh cao, áp lực là không thể tránh khỏi, đặc biệt là những học sinh có nguyện vọng học trường chuyên, lớp chọn. Áp lực có thể đến từ chính bản thân các em hoặc từ cha mẹ, bạn bè, thầy cô… Các em đang trong độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý có nhiều biến đổi, cộng thêm áp lực thi cử nếu không được giải tỏa có thể khiến các em bị rối loạn lo âu, trầm cảm…
Theo nữ chuyên gia tâm lý, để giảm tải áp lực mùa thi, các sĩ tử nên phân bổ thời gian học tập hợp lý, không nên thức ôn bài quá khuya, ngủ không đủ giấc khiến đầu óc thiếu tập trung, học tập kém hiệu quả. Đồng thời, nên duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng để có sức khỏe tốt, sẵn sàng “vượt vũ môn”.
Theo chuyên gia Nguyễn Thị Lanh, cha mẹ cần phải là một người quan sát tốt, chú ý tới những hành vi của con để phát hiện ngay các dấu hiệu bất thường. |
Đặc biệt, sự quan tâm và đồng hành của gia đình trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng, góp phần giúp các sĩ tử giải tỏa áp lực. Trước tiên, cha mẹ cần phải là một người quan sát tốt, chú ý tới những hành vi của con để phát hiện ngay các dấu hiệu bất thường. Tiếp đó, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện để thấu hiểu con suy nghĩ gì, cảm xúc ra sao, đang gặp khó khăn gì trong việc học tập… rồi cùng con tháo gỡ hoặc khuyến khích con tự tìm ra giải pháp cho chính mình.
Cô Lanh nhớ một học sinh tên Tùng học rất giỏi, bố mẹ kỳ vọng cậu sẽ đỗ trường chuyên hoặc ít nhất thì cũng phải vào lớp chọn Toán của một trường THPT có tiếng. Vì thế, cha mẹ Tùng giám sát rất kỹ việc học của con trai, hễ thấy con dùng điện thoại là mắng mỏ. Điều này đã gây ra tâm lý ức chế khiến lần đầu tiên trong đời Tùng hét lên với cha mẹ: “Sau này con sẽ không bao giờ bắt con của con phải học như vậy”. Tuy nhiên, bố mẹ Tùng vẫn chưa nhận ra điều gì bất thường, tiếp tục bắt con phải học và học. Đến kỳ thi, Tùng đã chống đối lại cha mẹ mình bằng cách… để giấy trắng.
Một trường hợp khác là cậu học sinh tên Hải, có học lực bình thường, đuối nhất môn Toán. Muốn con đỗ cấp 3 nên bố mẹ Hải đã không tiếc tiền mời tới 3 thầy dạy Toán có tiếng luân phiên đến dạy Hải, thuê thêm 1 gia sư sinh viên để kèm cặp, hỗ trợ con học buổi tối. Lịch học chồng chéo khiến Hải mệt mỏi, áp lực, không muốn học nữa. Vì thế, bố mẹ Hải đã đến tìm chuyên gia tâm lý để xin tư vấn.
“Sau khi nói chuyện với Hải, tôi được biết cậu không thích phương pháp dạy của các thầy kia, họ còn thường nhận xét cậu học chưa tốt khiến cậu thêm áp lực, chán nản. Mong muốn của Hải là được học online nên tôi đã thuyết phục ba mẹ cậu đồng ý. Kết quả năm đó, Hải vẫn đỗ vào lớp 10. Thế mới thấy, đối với bố mẹ có thể thầy cô này tốt, phương pháp kia tốt nhưng với con thì lại không như vậy. Do đó, cha mẹ hãy tin tưởng con để con tự tìm ra hình thức học phù hợp nhất với mình thì con sẽ không bị áp lực”, cô Lanh nói.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/cang-thang-cuoc-dua-vao-lop-10-cach-giam-ap-luc-cho-si-tu-727508