Ngày 26/5, Bộ Nội vụ Ba Lan công bố dự thảo quy định đóng cửa biên giới miền Đông đất nước đối với các phương tiện chở hàng đăng ký tại Belarus và Nga với lý do nhằm “đảm bảo an toàn công cộng”.
Căng thẳng Ba Lan-Belarus bị đẩy lên, Warsaw muốn đóng biên giới đối với xe chở hàng Nga và Belarus. (Nguồn: Getty Images) |
Động thái của Ba Lan diễn ra sau khi một tòa án Belarus giữ nguyên phán quyết 8 năm tù đối với nhà báo gốc Ba Lan Andrzej Poczobut, làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước.
Ba Lan trước đó đã đóng cửa một số cửa khẩu biên giới với Belarus sau khi nhân vật Poczobut bị giam giữ và Minsk trục xuất các nhà ngoại giao Ba Lan.
Phía Belarus cho rằng, quyết định đóng cửa các cửa khẩu biên giới của Ba Lan là phi lý và nguy hiểm, cáo buộc Warsaw gây ra sự chậm trễ kéo dài và không thực hiện các thỏa thuận song phương.
Ba Lan được cho là nơi ẩn náu quan trọng của những người phản đối Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Bên cạnh đó, Ba Lan cũng là một trong những nước đi đầu ủng hộ Kiev kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022.
Warsaw từng cáo buộc Belarus gây ra một cuộc khủng hoảng người di cư một cách giả tạo bằng cách đưa những người từ Trung Đông và châu Phi đến và cố gắng đẩy họ qua biên giới.
Trong một diễn biến liên quan quan hệ với Nga, trước đó, cùng ngày 26/5, các nhà lập pháp Ba Lan đã thông qua dự luật thành lập một ủy ban điều tra ảnh hưởng của Nga ở nước này. Phe đối lập coi đây là nỗ lực của chính phủ Ba Lan nhằm phát động một “cuộc săn phù thủy” chống lại các đối thủ chính trị trước thềm cuộc bầu cử vào cuối năm nay.
Dự luật được thông qua với tỷ lệ ủng hộ 234/219 và một phiếu trắng. Theo kế hoạch, uỷ ban này sẽ điều tra giai đoạn 2007-2022 và có quyền cấm những người bị phát hiện chịu ảnh hưởng của Nga nắm giữ các chức vụ về an ninh và công quỹ trong 10 năm.
Trước đó, đảng Luật pháp và công lý (PiS) cầm quyền, cáo buộc đảng đối lập Cương lĩnh Công dân (PO) đã khiến Ba Lan phụ thuộc một cách nguy hiểm vào năng lượng hoá thạch của Nga trong giai đoạn cầm quyền từ 2007-2015. PiS cũng ám chỉ việc PO chịu sự chi phối của Moscow. PO đã bác bỏ những chỉ trích của PiS, cho rằng dự luật chỉ nhằm mục đích loại bỏ các lãnh đạo của PO và cựu Thủ tướng Donald Tusk trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới.