Ông Thaksin hoãn hồi hương, Pakistan sẽ giải tán Quốc hội, Tổng thống Niger cảnh báo hệ quả từ đảo chính… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Cảng Novorossiysk của Nga và bán đảo Crimea trở thành mục tiêu mới nhất của Ukraine. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Cảng Novorossiysk, Crimea đồng loạt bị tấn công: Ngày 4/8, viết trên Telegram, Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Đêm (rạng sáng ngày 4/8), Các lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) đã tấn công căn cứ hải quân Novorossiysk bằng 2 xuồng không người lái. Trong quá trình tấn công, những chiếc thuyền này đã bị phát hiện và tiêu diệt bằng hỏa lực từ vũ khí tiêu chuẩn trên các tàu Nga, thực hiện bảo vệ bên ngoài căn cứ hải quân”.
Tuy nhiên, theo tình báo Ukraine, tàu Olenegorsky Gornyak của Hải quân Nga đã bị hư hỏng nghiêm trọng do cuộc tấn công trên và không thể thực hiện nhiệm vụ tác chiến. Hiện Moscow chưa bình luận về thông tin trên.
Cũng trong ngày 4/8, Nga tuyên bố đã ngăn chặn nỗ lực tấn công mới bằng UAV của Ukraine vào bán đảo Crimea. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định: “Đêm (rạng sáng 4/8), nỗ lực của Kiev nhằm thực hiện một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các mục tiêu trên bán đảo Crimea đã bị ngăn chặn”. Moscow khẳng định đã phá hủy và vô hiệu hóa 13 UAV và cho biết cuộc tấn công không gây thương vong hoặc thiệt hại. (TASS/Sputnik)
* Tổng thống Ukraine thừa nhận “tình hình khó khăn” ở phía Nam: Ngày 3/8, phát biểu trong video hằng đêm, ông Volodymyr Zelensky nêu rõ: “Đụng độ quyết liệt đang diễn ra. Họ đang cố gắng ngăn cản chúng ta bằng tất cả sức lực, với các đợt tấn công gay gắt (tại Bakhmut và phía Đông). Ở phía Nam, mọi thứ đều khó khăn. Song dù họ có làm gì, sức mạnh của Ukraine cũng sẽ chiến thắng”.
Nhà lãnh đạo này nhận định các đợt không kích bằng UAV Nga trong tuần, bao gồm cuộc tấn công cảng Danube ở Izmail, cho thấy nhu cầu cần tăng cường hệ thống phòng không. Ông nêu rõ: “Đối thủ đã triển khai ít nhất 1961 UAV Shahed. Chúng ta đã bắn hạ một lượng lớn, song chưa phải tất cả. Chúng ta đang nỗ lực tăng tỷ lệ này lên tối đa, thông qua việc có thêm các hệ thống phòng không”.
Về phần mình, viết trên Telegram sau buổi gặp gỡ sĩ quan ở khu vực miền Đông Ukraine, Tư lệnh lực lượng bộ binh Ukraine, Tướng Oleksandr Syrskyi cho biết ông đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ phản công: “Tại Bakhmut, tôi đã tập trung vào các vấn đề hiện tại như tăng tốc độ phản công, đẩy mạnh hoạt động và giải quyết vướng mắc còn tồn tại trong triển khai các nhiệm vụ hiện nay”. (Reuters)
* Động cơ Czech xuất hiện trong UAV Nga tại Ukraine? Ngày 3/8, tờ báo The Kiev Independent (Ukraine) đã đăng tải bức ảnh về UAV Nga có động cơ mang dòng chữ “Made in Czech Republic” (Sản xuất tại Czech). Bức ảnh do một binh sỹ Ukraine chụp khi phát hiện ra chiếc UAV này tại một vị trí gần Bakhmut.
Ngay sau đó, nhà sản xuất loại động cơ trên, công ty AXI Model Motors có trụ sở tại Hradec Kralove (Czech), khẳng định chưa bao giờ cung cấp động cơ cho Nga và đã không sản xuất động cơ này hơn một năm qua. Theo đó, động cơ trên thuộc số mặt hàng công ty đã bán cho Kyrgyzstan theo sự cho phép của chính phủ. Tuy nhiên, sau đó các động cơ này có thể đã được bán lại cho Nga. (TTXVN)
* Mỹ, Ukraine khởi động đàm phán về cam kết an ninh lâu dài: Ngày 3/8, đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã gặp gỡ những người đồng cấp Ukraine để để bắt đầu quá trình đàm phán.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ các cam kết an ninh song phương sẽ tập trung vào bảo đảm Ukraine có một lực lượng bền vững, đủ khả năng bảo vệ đất nước vào lúc này và ngăn chặn hoạt đông quân sự của Nga trong tương lai. Đồng thời, cam kết sẽ hỗ trợ và nâng cao hiệu quả cũng như tính minh bạch trong các tổ chức và công nghiệp quốc phòng của Ukraine, thúc đẩy chương trình cải cách hỗ trợ quản trị tốt, cần thiết để hướng tới khát vọng châu Âu-Đại Tây Dương.
Các cuộc thảo luận này giữa quan chức hai nước nằm trong khuôn khổ của Tuyên bố chung Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) về hỗ trợ Ukraine, qua đó góp phần chính thức hóa sự hỗ trợ lâu dài của Mỹ đối với Ukraine. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Nga-Ukraine: Kho đạn ở Crimea bị tấn công; Kho ngũ cốc ở Odessa bị không kích; Báo Mỹ nói gì về vấn đề của binh sĩ Kiev? |
* Nga không tin lời hứa về thỏa thuận ngũ cốc của Mỹ: Ngày 4/8, RIA (Nga) dẫn nguồn Điện Kremlin cho biết nước này không tin Washington sẽ giúp Moscow có thể tự do xuất khẩu lương thực nếu Nga trở lại thỏa thuận ngũ cốc. Trước đó, phát biểu ngày 3/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói: “Trong trường hợp (Nga) trở lại thỏa thuận (ngũ cốc Biển Đen), chúng tôi sẽ tiếp tục làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo đảm rằng các bên có thể xuất khẩu thực phẩm và sản phẩm của họ một cách tự do và an toàn, bao gồm cả Nga”. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ được thông báo Nga sẵn sàng đàm phán thỏa thuận ngũ cốc; Italy quan ngại vấn đề liên quan đến châu Phi |
Đông Nam Á
* Ông Thaksin hoãn kế hoạch hồi hương Thái Lan: Ngày 4/8, Bangkok Post (Thái Lan) dẫn một nguồn tin của đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) cho biết ông Thaksin đã quyết định hoãn việc hồi hương.
Động thái trên được ông đưa ra ít lâu sau khi cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng dự kiến diễn ra ngày 4/8 bị hoãn, chờ phán quyết của Tòa án Hiến pháp về việc liệu quyết định của Quốc hội. bác bỏ tái đề cử ông Pita Limjaroenrat vào vị trí thủ tướng hôm 19/7, có hợp hiến hay không.
Nguồn tin cho biết thêm ông Thaksin cũng tin rằng nên chờ đợi thêm vì đảng Pheu Thai vẫn đang thảo luận với các đảng khác để tham gia liên minh mới của mình. Trước đó, ông Thaksin, ban đầu dự định trở lại vào ngày 10/8 theo công bố trên Instagram của con gái ông, cô Paetongtarn Shinawatra, hồi tuần trước.
Hiện tại, 3 đảng có khả năng sẽ tham gia khối do Pheu Thai lãnh đạo, đó là các đảng Tự hào Thái Lan (Bhumjaithai), Chartthaipattana và Dân chủ. Các cuộc đàm phán vẫn đang được tiến hành với đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất (UTN) và đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (PPRP). Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, sự tham giả của một số đảng nhỏ có thể sẽ giúp thúc đẩy khối này. (Bangkok Post)
TIN LIÊN QUAN | |
Nổ pháo hoa thảm khốc tại Thái Lan, ít nhất 130 người thương vong |
Nam Á
* Lãnh đạo đảng Quốc đại được phép trở lại Quốc hội Ấn Độ: Ngày 4/8, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã đình chỉ bản án với lãnh đạo đảng Quốc đại đối lập Rahul Gandhi. Trước đó, hồi tháng 3, chính trị gia 53 tuổi này đã bị kết án trong vụ kiện của một nghị sĩ từ bang miền Tây Gujarat thuộc Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền, liên quan tới bình luận ông đưa ra năm 2019 bị coi là xúc phạm Thủ tướng Narendra Modi và những người mang họ Modi.
Trong vụ kiện, ông Rahul Gandhi đã bị kết án 2 năm tù nhưng thời hạn thi hành án được hoãn lại và ông được tại ngoại. Tuy nhiên, ông vẫn đánh mất ghế quốc hội vì các nhà lập pháp bị kết án tù từ 2 năm trở lên sẽ tự động bị miễn nhiệm. Các tòa án cấp dưới và tòa án cấp cao ở Gujarat đã bác bỏ kháng cáo của ông Rahul Gandhi về đình chỉ bản án, khiến ông phải kháng cáo lên Tòa án Tối cao.
Với quyết định nêu trên của Tòa án Tối cao, chính trị gia này đã có thể trở lại quốc hội và tham gia cuộc bầu cử quốc gia dự kiến diễn ra trong năm 2024. (CNN)
* Thủ tướng Pakistan đề xuất thời điểm giải tán quốc hội: Ngày 4/8, hai thành viên quốc hội tham dự bữa tối do ông Sharif Shehbaz tổ chức hôm 3/8 cho biết ông sẽ giải tán quốc hội ngày 9/8 và bàn giao cho chính phủ tạm quyền để bầu cử tháng 11 tới. Nhiệm kỳ 5 năm của Quốc hội Pakistan sẽ hết hạn vào ngày 12/8.
Hiện Bộ Thông tin nước này chưa phản hồi về đề nghị đưa ra bình luận liên quan tới thông tin trên. Trước đó, một số đồn đoán đã cho rằng hoạt động bầu cử có thể phải hoãn lại vì bất ổn chính trị và kinh tế. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Foxconn đầu tư 600 triệu USD cho sản xuất chip và điện thoại ở Ấn Độ |
Nam Thái Bình Dương
* Tàu ngầm hạt nhân Mỹ tới Australia: Ngày 4/8, các quan chức Australia thông báo cùng ngày, tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Hải quân Mỹ đã đến Căn cứ hải quân HMAS Stirling trong chuyến thăm cảng theo lịch trinh, như một phần cuộc tuần tra Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cảng này sẽ được mở rộng trong dự án trị giá 8 tỷ AUD (4 tỷ USD) để trở thành căn cứ phục vụ tàu ngầm hạt nhân Mỹ và Anh từ năm 2027, trong khuôn khổ hợp tác Hiệp ước AUKUS.
Australia có kế hoạch mua 3 tàu ngầm hạt nhân Mỹ được trang bị vũ khí thông thường trong thập kỷ tới, trước khi chế tạo lớp tàu ngầm hạt nhân mới của mình vào những năm 2040. Mỹ hiện chưa lập căn cứ ở Australia, song Lầu Năm Góc đang tăng cường loại hình và lực lượng luân phiên tới xứ sở chuột túi. (Reuters)
* New Zealand thúc đẩy cải tổ quân đội: Ngày 4/8, Thủ tướng Chris Hipkins và Bộ trưởng Quốc phòng Andrew Little đã trình bày bản đánh giá chính sách quốc phòng New Zealand.
Theo đó, lực lượng quốc phòng gồm khoảng 15.000 quân của New Zealand “không ở trong tình trạng phù hợp để đối phó với những thách thức trong tương lai”. Báo cáo cho rằng quân đội New Zealand được xây dựng đối với một “môi trường chiến lược tương đối lành tính” chứ không phải là những khó khăn hiện tại của khu vực, bao gồm các thách thức do khí hậu gây ra và cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa Trung Quốc và phương Tây.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Little cho biết New Zealand cần đầu tư vào một lực lượng “có khả năng chiến đấu” và không thể trông chờ được bảo vệ. Ông nhấn mạnh: “Những thay đổi trong môi trường an ninh trong nước và quốc tế có nghĩa là phản ứng và sự chuẩn bị của chúng tôi cũng phải thay đổi”.
Ông nhận định New Zealand cần phải chuẩn bị nhân sự, tài sản, vật chất, và các mối quan hệ quốc tế phù hợp để bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Chuẩn bị công bố Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên, New Zealand dự kiến tăng ngân sách quốc phòng |
Đông Bắc Á
* Trung Quốc giảm thuế với lúa mạch nhập khẩu Australia: Ngày 4/8, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo nước này sẽ dỡ bỏ thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với lúa mạch nhập khẩu từ Australia từ ngày 5/8 tới.
Trước đó, Bắc Kinh cáo buộc Canberra đã bán phá giá lúa mạch dưới giá thành sản xuất, bất chấp nỗ lực phủ nhận của xứ sở chuột túi. Tháng 5/2020, chính quyền Trung Quốc đã áp đặt thuế 80% với lúa mạch Australia trong 5 năm, làm tê liệt hoạt động thương mại trị giá 1,5 tỷ AUD (750 triệu USD)/ năm. (Reuters)
* Cựu Thủ tướng Nhật Bản sẽ thăm Đài Loan: Ngày 4/8, Mainichi (Nhật Bản) đưa tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Aso Taro, hiện là Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, sẽ thăm Đài Loan (Trung Quốc) từ ngày 7-9/8. Đây sẽ là chuyến thăm cấp cao nhất của quan chức đảng cầm quyền Nhật Bản kể từ khi Tokyo cắt quan hệ ngoại giao với nhà cầm quyền Đài Bắc năm 1972. (Reuters)
* Hàn Quốc sẵn sàng “mạnh tay” trước các vụ tấn công bằng dao: Ngày 4/8, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nêu rõ: “Vụ tấn công bằng dao tại ga Seohyeon là hành động khủng bố nhằm vào những công dân vô tội. Chính phủ phải huy động tất cả lực lượng cảnh sát để bảo đảm nhân dân không lo lắng”. Tuyên bố này cũng cảnh báo về các tin nhắn đe dọa liên quan trên mạng xã hội.
Trước đó, ngày 3/8, vụ đâm dao thứ hai trong hai tuần qua đã xảy ra ở Bundang, cách Seoul khoảng 20 km về phía Đông Nam. Thủ phạm đã lái ô tô vào lối đi dành cho người đi bộ trước khi tấn công nhiều người tại ,ppkt cửa hàng bách hóa. Các cơ quan chức năng xác nhận có ít nhất 2 người vẫn ở trong tình trạng nguy kịch. Đáng ngại hơn, một số lời lời đe dọa bắt chước đã được đăng tải trên mạng xã hội vài giờ sau vụ tấn công. Ngày 21/7, một vụ đâm dao khác ở thủ đô Seoul đã khiến 1 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương.
Trước “trường hợp khẩn cấp” trên, cảnh sát Hàn Quốc tuyên bố sẽ “không ngần ngại” sử dụng súng, đồng thời khởi động “sáng kiến an ninh đặc biệt” để đẩy lùi bạo lực liên quan đến dao và ngăn chặn hành vi bắt chước. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Vừa đạt đồng thuận liên quan đến lúa mạch, Australia đã muốn ‘bớt phụ thuộc vào Trung Quốc’ |
Châu Âu
* Đan Mạch siết chặt kiểm soát biên giới: Tối ngày 3/8, Bộ Tư pháp Đan Mạch cho biết cảnh sát nước này sẽ thắt chặt kiểm soát biên giới sau vụ đốt kinh Quran gần đây ảnh hưởng đến tình hình an ninh. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tư pháp Đan Mạch Peter Hummelgaard nói: “Như cảnh sát an ninh đã nói các vụ đốt kinh Quran gần đây đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh hiện nay”.
Ban đầu, các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn sẽ được thực hiện cho đến ngày 10/8.
Trong những tuần gần đây, các nhà hoạt động chống Hồi giáo đã phá hoại bản sao kinh Quran tại Đan Mạch và Thụy Điển. Cộng đồng Hồi giáo đã bày tỏ sự phẫn nộ và yêu cầu các nước Bắc Âu cấm các hành vi này. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Hàng loạt vụ đốt Kinh Quran: Làn sóng nguy hiểm |
Trung Đông-Châu Phi
* Tình hình Niger: Đức lo ngại làn sóng tuyên truyền, Nga nói gì? Ngày 3/8, trong một bài đăng trên The Washington Post (Mỹ), Tổng thống Niger Mohamed Bazoum, người đang bị giam giữ, cảnh báo nếu các nỗ lực đảo chính “sẽ gây ra hệ quả tàn khốc đối với đất nước, khu vực của chúng ta cũng như toàn thế giới”. Đồng thời, chính trị gia này cũng kêu gọi “chính phủ Mỹ và toàn thể cộng đồng quốc tế giúp chúng tôi khôi phục trật tự hiến pháp của mình”.
Về phần mình, trước khả năng can thiệp quân sự từ nước ngoài, lực lượng đảo chính khẳng định: “Bất cứ cuộc tấn công hay nỗ lực tấn công nào nhằm vào nhà nước Niger sẽ chứng kiến một sự đáp trả ngay lập tức và bất ngờ từ Các Lực lượng Quốc phòng và An ninh của Niger đối với một trong các thành viên của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), ngoại trừ các quốc gia thân thiện bị đình chỉ tư cách thành viên của khối”, ám chỉ 2 nước láng giềng Burkina Faso và Mali.
Trước đó, ECOWAS đã yêu cầu lực lượng đảo chính khôi phục chính quyền dân sự của ông Bazoum trước ngày 6/8, bằng không có thể xem xét các biện pháp cứng rắn hơn, bao gồm can thiệp quân sự.
Cũng trong ngày 4/8, Liên minh châu Âu (EU) ngày 4/8 ra tuyên bố lên án “mạnh mẽ” động thái chặn các phương tiện truyền thông của Pháp phát sóng ở Niger. Trên trang mạng xã hội X (tiền thân là Twitter), người phát ngôn EU Nabila Massrali nhấn mạnh: “Bước đi này đã vi phạm nghiêm trọng quyền thông tin và tự do ngôn luận. EU cực lực lên án hành động vi phạm các quyền tự do cơ bản này”.Trước đó, France 24 và RFI, hai hãng truyền thông lớn của Pháp, cho biết chương trình phát sóng của họ này đã bị chặn ở Niger từ chiều 3/8.
Về phần mình, nhận định về khả năng có can thiệp quân sự từ nước ngoài vào Niger, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nêu rõ: “Hành động can thiệp của các lực lượng ngoài khu vực không giúp thay đổi tình hình theo hướng tích cực hơn… Chúng tôi lo ngại về căng thẳng và đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Niger. Chúng tôi tiếp tục ủng hộ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường theo hiến pháp mà không gây nguy hiểm đến tính mạng con người”.
Trong khi đó, phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết nước này nhận thấy có một chiến dịch phát tán thông tin sai lệch tại Niger, với quốc kỳ Nga đã được phân phát tại quốc gia Tây Phi những ngày qua.
Nhận định về tình hình ở Niger, Điều phối viên chiến lược Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby nói: “Ngay bây giờ chúng tôi đang tập trung vào ngoại giao. Chúng tôi cho rằng vẫn còn thời gian, cơ hội cho việc đó”. Theo ông, Washington tin rằng “cơ hội vẫn mở và ngoại giao vẫn nên là công cụ đầu tiên”, tuy nhiên cơ hội ngoại giao sẽ không “mở ra mãi mãi”. (AFP/Reuters/Tân hoa xã/TTXVN)