Thủ tướng vừa có Quyết định 648/QĐ-TTg ngày 7.6.2023 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó sân bay Liên Khương là Cảng hàng không quốc tế đón 5 triệu khách/năm
Cụ thể, quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030 theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực thủ đô Hà Nội và khu vực TP.HCM hình thành 30 cảng hàng không, trong đó 14 cảng hàng không quốc tế gồm: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc.
Bên cạnh đó có 16 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa (sân bay Thành Sơn và sân bay Biên Hòa được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng).
Cảng hàng không quốc tế Liên Khương sẽ có quy mô sân bay cấp 4E, công suất thiết kế dự kiến khoảng 5 triệu hành khách/năm, diện tích đạt 340,84 ha, với chi phí đầu tư khoảng 4.591 tỉ đồng. Định hướng đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương có quy mô sân bay cấp 4E, công suất thiết kế dự kiến khoảng 7 triệu hành khách/năm, diện tích đạt 486,84 ha, với chi phí đầu tư tăng thêm khoảng 3.157 tỉ đồng.
Trong giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Quốc tế Liên Khương sẽ xây dựng nhà ga hành khách T2 công suất 3 triệu hành khách/năm ở phía Đông nhà ga hành khách T1 hiện hữu. Khai thác đồng thời cả nhà ga T1 và T2 với tổng công suất 5 triệu hành khách/năm. Đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương sẽ mở rộng nhà ga hành khách T2 lên công suất 5 triệu hành khách/năm; khai thác đồng thời cả nhà ga T1 và T2 với tổng công suất 7 triệu hành khách/năm.
Quyết định 648/QĐ-TTg nêu rõ, tập trung nguồn lực đầu tư một số cảng hàng không quan trọng, đóng vai trò đầu mối, có tính lan tỏa và tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Chủ động tiếp cận, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đặc biệt là trong quản lý đầu tư xây dựng, khai thác, tổ chức và cung ứng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo đảm hiệu quả đầu tư…