Thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza càng ngày càng khó đạt được bởi những tính toán lệch nhau của các bên. Nếu không thể sớm có được thỏa thuận này, tình hình xung đột Trung Đông sẽ càng leo thang và bên “đau đầu” nhất chính là Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Tổng thống Israel Isaac Herzog trong một cuộc họp báo về tình hình Gaza 19/8. (Nguồn: AP) |
Chưa thể đạt được dù phù hợp với Israel và Hamas
Các quan chức Mỹ và Israel cho biết thỏa thuận chấm dứt giao tranh ở Gaza đang trên bờ vực sụp đổ và không có thỏa thuận thay thế rõ ràng nào có thể được đưa ra.
Các quan chức cho biết, đề xuất hiện tại do Mỹ, Israel, Ai Cập và Qatar đưa ra vào tháng 7 vừa qua là hình thức thỏa thuận mạnh nhất cho đến nay, vì nó bao gồm các điều khoản phù hợp với yêu cầu của cả Hamas và Israel.
Israel đã ký kết, nhưng Hamas tuyên bố công khai rằng họ sẽ không chấp nhận. Điều đó khiến các quan chức Mỹ ngày càng lo ngại rằng đề xuất này sẽ thất bại giống như các đề xuất trước đó, khi Hamas và Israel bất đồng quan điểm và không có con đường rõ ràng để chấm dứt giao tranh hoặc đưa con tin về nhà.
Hôm 21/8, Tổng thống Joe Biden cho biết Hamas đã rút lui khỏi thỏa thuận mà Israel đã đồng ý. Các nhà đàm phán, bao gồm Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về Trung Đông Brett McGurk, sẽ quay trở lại Cairo vào tuần này để cố gắng giải quyết các chi tiết của thỏa thuận.
Nếu các trung gian hòa giải không thể đưa Hamas vào cuộc, họ có thể không còn lựa chọn nào khác và kết quả là làm tăng khả năng gia tăng bạo lực giữa Israel và Hezbollah cũng như đối đầu trực tiếp giữa Israel và Iran.
Mỹ từng ám chỉ rằng Israel và Hamas đã gần đạt được thỏa thuận, lần đầu tiên là vào mùa Xuân và sau đó là vào tháng 5 khi Tổng thống Joe Biden công bố một thỏa thuận nhiều giai đoạn cho phép thả hàng chục con tin và hàng trăm tù nhân Palestine.
Tuy nhiên, sau mỗi lần công bố thì các cuộc đàm phán đều đổ vỡ do Israel và Hamas đưa ra các điều kiện mới mà bên kia không muốn thảo luận hoặc chấp nhận.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 20/8 cho biết “thời gian là yếu tố cốt lõi” để đảm bảo lệnh ngừng bắn ở Gaza khi ông kết thúc chuyến công du Trung Đông bằng lời kêu gọi đạt được một thỏa thuận.
Tại Jerusalem vào ngày 19/8, Ngoại trưởng Antony Blinken gọi thỏa thuận hiện đang được đưa ra “có lẽ là cơ hội tốt nhất, có thể là cơ hội cuối cùng” để có được lệnh ngừng bắn và giải thoát con tin.
Ông Blinken cho biết Mỹ tiếp tục phản đối mọi sự chiếm đóng “lâu dài” của lực lượng Israel đối với Gaza và các cuộc đàm phán đã “rất rõ ràng về lịch trình và địa điểm” rút quân của Israel khỏi Gaza.
Ngoại trưởng Mỹ nói với các phóng viên tại sân bay Doha: “Điều này cần phải được thực hiện, và nó cần phải được thực hiện trong những ngày tới, và chúng tôi sẽ làm mọi cách có thể để đưa nó đến đích”.
Khó “nói chuyện” với Hamas
Tuy nhiên, đàm phán với Hamas là điều vô cùng khó khăn, vì ban lãnh đạo của tổ chức này tại Doha thường bất đồng quan điểm với các thành viên của mình trên thực địa ở Gaza hoặc gặp khó khăn trong việc trao đổi hiệu quả với họ.
Từ trước đến nay, Hamas thường công khai phản đối các thỏa thuận ngừng bắn và các quan chức Mỹ cho rằng điều đó có thể xảy ra với thỏa thuận này. Hamas và Israel vẫn bất đồng quan điểm về một số điều khoản của đề xuất mới lần này. Do vậy, để đạt được thỏa thuận cuối cùng sẽ “cần có thêm động thái từ cả Hamas và Israel”.
Một quan chức Israel cho biết đề xuất này chủ yếu tập trung vào việc Hamas thả những con tin còn lại và thi thể của những người đã thiệt mạng. Đề xuất này cũng giải quyết vấn đề về cách thức và liệu lực lượng Israel có rút khỏi Gaza hay không.
Tuy vậy, Israel và Hamas không đồng ý về số lượng con tin được thả khỏi vùng đất này. Thỏa thuận ban đầu do Tổng thống Biden đưa ra vào tháng 5 bao gồm câu chữ cho phép thả hàng chục người. Không rõ con số nào được đưa vào đề xuất lần này hoặc có bao nhiêu người vẫn còn sống.
Israel và Hamas cũng bất đồng về sự hiện diện của Tel Aviv ở cả Hành lang Philadelphia – một dải đất trên biên giới Ai Cập-Gaza, và trên một tuyến đường chính dẫn đến phía Bắc Gaza.
Israel đã tuyên bố muốn duy trì vị trí của mình ở cả 2 nơi để đảm bảo Hamas không thể buôn lậu hàng hóa qua Ai Cập và chiếm lại các thành trì của mình.
Về phần mình, Hamas nhấn mạnh rằng nhóm này rất muốn đạt được thỏa thuận nhưng các điều khoản mới lại mâu thuẫn với khuôn khổ trước đó.
Quỹ đạo giao tranh phức tạp
Hamas cho biết, bằng cách thay đổi các điều khoản, Mỹ đang thể hiện sự “thiên vị” đối với Israel. Các quan chức của Tổng thống Biden muốn đạt được một thỏa thuận giữa Israel và Hamas để ngăn chặn sự leo thang hơn nữa ở biên giới phía Bắc của Israel, nơi Hezbollah và Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang giao tranh ngày càng đẫm máu.
Mặc dù các cuộc xung đột liên quan đến hai nhóm riêng biệt được Iran hậu thuẫn và các chiến trường hoàn toàn khác nhau, nhưng chúng có mối liên hệ sâu sắc. Các sự kiện ở mỗi nhóm thường tác động đến quỹ đạo giao tranh ở nhóm còn lại.
Trong nhiều tháng, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cố gắng xử lý các cuộc đàm phán về Gaza và biên giới phía Bắc một cách riêng biệt bằng cách chỉ định các phái viên và nhà đàm phán khác nhau. Nhưng các quan chức Mỹ ngày càng tin rằng nếu họ có thể tìm ra một thỏa thuận ở Gaza, họ có thể đàm phán một lối thoát cho cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah.
Nếu cả hai cuộc xung đột tiếp diễn, khả năng cao Tehran sẽ thực hiện các lời đe dọa tấn công Israel, vốn đã đưa ra trong nhiều tuần qua.
Một cuộc tấn công lớn bên trong Israel sẽ khiến Jerusalem khó có thể bỏ qua, khiến quốc gia này rơi vào cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai nước.
Một quan chức Mỹ cho biết: “Rõ ràng đó là mối lo ngại lớn nhất ở đây và là điều chúng tôi đã cố gắng tránh kể từ ngày 7/10. Nhưng khả năng nguy cơ xảy ra điều đó sẽ tăng lên đáng kể nếu Hamas không đồng ý với đề xuất này”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/thoa-thuan-ve-gaza-cang-di-cang-khong-thay-anh-sang-cuoi-duong-ham-vi-hamas-kho-tinh-hay-my-thien-vi-283482.html