Ngày 19/6, chính phủ Canada ra tuyên bố cho biết, nước này đã liệt Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố “theo Bộ luật Hình sự, có hiệu lực ngay lập tức”.
Lực lượng IRGC của Iran hiện có khoảng 125,000 quân, bao gồm lục quân, hải quân, không quân. (Nguồn: IRGC) |
Theo thông báo đăng tải trên trang web chính thức của chính phủ Canada, Ottawa cáo buộc IRGC “đã cố tình, cố gắng thực hiện, tham gia hoặc tạo điều kiện cho một hoạt động khủng bố”.
Canada tuyên bố “sẽ sử dụng tất cả các công cụ có sẵn để chống lại hoạt động khủng bố của IRGC, được tiến hành cả đơn phương và có liên kết với các thực thể khủng bố đã được liệt kê như Hezbollah và Hamas”.
Với việc đưa IRGC vào danh sách trên, tất cả tài sản của lực lượng này ở quốc gia Bắc Mỹ sẽ bị phong tỏa và “bất kỳ ai ở Canada và người Canada ở nước ngoài cố ý xử lý tài sản này sẽ phạm tội hình sự”.
Năm 2019, Mỹ cũng đã thực hiện bước đi tương tự đối với IRGC – lực lượng bị các quốc gia phương Tây cáo buộc thực hiện chiến dịch khủng bố toàn cầu. Tuy nhiên, Tehran luôn kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định IRGC là cơ quan tối cao chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia.
Phản ứng trước động thái trên, ngày 20/6, hãng thông tấn bán chính thức Fars của Iran dẫn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Nasser Kanaani nói rằng, đây là “bước đi mang động cơ chính trị không khôn ngoan và trái với thông lệ”.
Ông Kanaani quả quyết: “Hành động của Canada sẽ không gây ra bất cứ ảnh hưởng nào đối với sức mạnh hợp pháp và mang tính răn đe của IRGC”, đồng thời tuyên bố, Tehran bảo lưu quyền đáp trả phù hợp đối với bước đi nêu trên của Ottawa.
Theo Wikipedia, Lực lượng IRGC được thành lập sau Cách mạng Hồi giáo Iran ngày 22/4/1979, là một nhánh của quân đội nước này. IRGC hiện có khoảng 125,000 quân bao gồm lục quân, hải quân, không quân.
Trong khi Quân đội Iran bảo vệ biên giới đất nước và duy trì trật tự nội bộ, theo Hiến pháp Iran, IRGC có nhiệm vụ bảo vệ hệ thống chính trị Cộng hòa Hồi giáo, với việc ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài cũng như các cuộc đảo chính của quân đội hoặc “các phong trào lệch lạc”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/canada-tuyen-bo-coi-luc-luong-irgc-cua-iran-la-khung-bo-tehran-noi-khong-khon-ngoan-275662.html