Liên quan tới việc ông Nguyễn Công Thắng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh Bắc Ninh dùng văn bằng trình độ thạc sĩ giả, không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp, chiều 30/10, bên hành lang Quốc hội, các ĐBQH đã chia sẻ quan điểm về vấn đề này.
Theo kết luận tại hội nghị ngày 26/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết, ông Thắng khi bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ đã dùng bằng thạc sĩ giả, sau đó dùng bằng tiến sĩ thi nâng ngạch.
Ông Thắng bị đánh giá vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc sử dụng văn bằng không hợp pháp, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Vi phạm này ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân ông Thắng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã biểu quyết xem xét kỷ luật ông Thắng và báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Liên quan tới sự việc này, đại biểu Phạm Văn Hòa – Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đoàn Đồng Tháp chỉ ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh là một cơ quan thường vụ của Tỉnh ủy và là cơ quan rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Cơ quan này chịu trách nhiệm xử lý kiểm tra, giám sát dấu hiệu sai phạm của cán bộ, đảng viên, trong đó có việc cán bộ, đảng viên sử dụng bằng giả để tạo điều kiện để được thăng chức.
“Tôi thắc mắc tại sao suốt thời gian qua không phát hiện được trường hợp dùng bằng giả để leo lên đến chức Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy mới phát hiện được?. Cán bộ phải là người gương mẫu, đầu tàu nhưng lại giấu nhẹm sai phạm cho tới giờ phút này”, ông Hoà băn khoăn.
Ông Hòa cho rằng, là người làm công tác quản lý cán bộ, đặc biệt các cơ quan chuyên chống tham nhũng phải có phẩm chất, đạo đức, phong cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ đó, mới làm gương xử lý được các sai phạm.
Nhưng cán bộ không tốt, giấu giếm để lên chức, quyền thì đây là cán bộ vụ lợi, “chui sâu leo cao”.
“Theo tôi, người này đương nhiên phải chịu sự xử lý của Đảng, nhưng cần phải có các biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn nữa để làm gương cho các quan chức khác không muốn, không dám thực hiện những hành vi tương tự”, đại biểu Hoà nhấn mạnh.
Chia sẻ về trách nhiệm, Ủy viên Uỷ ban Pháp luật Quốc hội cho rằng trách nhiệm thuộc về cơ quan tham mưu trong công tác cán bộ. Đó là Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Bắc Ninh và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, bởi đây là chức danh thuộc Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý nhưng lại để lọt sai phạm.
Do vậy, bên cạnh xử lý trách nhiệm của cán bộ gian dối, còn có trách nhiệm không nhỏ của thường vụ tỉnh uỷ, đặc biệt là người đứng đầu Ban Thường vụ.
Nhìn nhận về vụ việc này, theo ĐBQH Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) đây là thực tế rất đáng buồn.
Sự việc này không phải trường hợp cá biệt, trước đây đã có không ít trường hợp như vậy, ngay cả trong ngành giáo dục cũng có thầy, cô giáo dùng bằng giả.
“Theo tôi, Đảng và Nhà nước chắc chắn sẽ xử lý rất nghiêm những sai phạm như vậy”, ông Cừ nói và nhấn mạnh không thể dung túng, bao che với những cán bộ gian dối, giả dối.
“Chúng ta phải luôn luôn giáo dục, cảnh tỉnh, tiếp tục đấu tranh với những cán bộ có biểu hiện tiêu cực”, ông Cừ bày tỏ.
Ông Nguyễn Công Thắng 40 tuổi, quê tỉnh Bắc Ninh. Theo hồ sơ cán bộ, ông có trình độ cử nhân chuyên ngành tài chính ngân hàng; cử nhân luật; thạc sĩ kinh tế chuyên ngành quản trị kinh doanh; thạc sĩ luật chuyên ngành luật hình sự và tố tụng hình sự; tiến sĩ kinh tế chuyên ngành kinh tế – chính trị.
Ông từng làm Bí thư huyện ủy Tiên Du, rồi Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy trước khi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy từ tháng 6/2022.