Đây là ý kiến của ông Nguyễn Thanh Lâm, thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, chia sẻ tại tọa đàm Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng, do Cục An toàn thực phẩm và Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức sáng 29-5.
Thực phẩm chức năng không thể chữa bệnh
Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam vừa ban hành quyết định quy chế đạo đức quảng cáo thực phẩm chức năng. Tại đây, các hội viên của hiệp hội phải thực hiện những quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật.
PGS.TS Trần Đáng, chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, cho hay bên cạnh việc góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, thì thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng gây bức xúc cho cả người trong ngành lẫn người tiêu dùng.
Theo quy định đạo đức quảng cáo của hiệp hội, có 4 hiện tượng vi phạm đạo đức là quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm (người bệnh ung thư, hiểm nghèo).
“Có những thông điệp quảng cáo như những quả bom giội vào nhận thức công chúng: “Cam kết điều trị dứt điểm không hết không lấy tiền; Đánh bay tiểu đường type 1 type 2, dứt điểm hoàn toàn huyết áp cao”,…
Không sản phẩm khoa học nào có tác dụng như thế. Quảng cáo sai trong lĩnh vực thực phẩm chức năng gây ra những tác hại hết sức nguy hiểm cho xã hội”, ông Đáng khẳng định.
Ông Nguyễn Thanh Phong, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cũng cho rằng nguy hại về quảng cáo gian dối trong lĩnh vực y tế không chỉ về tài chính mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Người bệnh nan y phát hiện điều trị sớm có thể khỏi, chí ít kéo dài sự sống. Nhưng những quảng cáo “cam kết chữa khỏi” khiến người tiêu dùng tin tưởng, dẫn đến bỏ lỡ thời gian vàng điều trị.
“Thậm chí còn có các sản phẩm có chứa chất cấm, qua thanh tra, kiểm tra vẫn phát hiện và chuyển cơ quan công an xử lý hình sự. Để nâng cao hơn nữa hiểu biết của người dân, các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền mạnh mẽ thực phẩm chức năng không thể chữa bệnh”, ông Phong nhấn mạnh.
Nên đưa nhãn hàng vi phạm vào “danh sách đen”
Chia sẻ tại tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhận định vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật là vấn đề nhức nhối trong cộng đồng thời gian qua.
Ông Lâm cũng cho rằng việc quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay không chỉ nằm ở đơn vị phát hành quảng cáo, những nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook mà còn cả trí tuệ nhân tạo, các thuật toán. Đây là những khó khăn đặt ra trong việc quản lý, xử lý và cảnh báo người tiêu dùng.
Theo ông Lâm, để kiểm soát được những nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, cần chú ý đến không gian mạng. “Hiện nay, đã có nhiều biện pháp xử lý đối với những tên miền, doanh nghiệp vi phạm về quảng cáo như chặn tên miền quốc tế hoặc xử phạt trong nước.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể xếp hạng theo chuẩn mực đạo đức trong lĩnh vực quảng cáo. Song song với đó là thống kê, phát hiện xử phạt vi phạm, cần cho những nhãn hàng vi phạm vào “danh sách đen” để cảnh báo đến các đơn vị hợp tác và cả người tiêu dùng. Những doanh nghiệp nào nằm trong danh sách này sẽ dễ dẫn đến rủi ro, khủng hoảng nhãn hiệu”, ông Lâm nói.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, cũng cho hay hiệp hội đang đề xuất hình thức “đèn xanh – đèn đỏ”, với màu xanh là các sản phẩm không vi phạm các quy định, trong đó có quảng cáo, sẽ được hiệp hội khuyến nghị sử dụng. Còn sản phẩm “đỏ” là sản phẩm vi phạm, sẽ được khuyến cáo cần thận trọng khi sử dụng.
Ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho rằng về đề xuất “blacklist – danh sách đen” với những trang vi phạm quảng cáo có thể thực hiện được. Với những doanh nghiệp quảng cáo mà không có giấy tiếp nhận quảng cáo, kể cả nội dung không sai phạm vẫn là vi phạm.
Đối với những doanh nghiệp đã có giấy tiếp nhận quảng cáo, nhưng quảng cáo không đúng với nội dung xin cấp phép cũng là vi phạm. Những danh sách vi phạm này có thể công khai trên nhiều nền tảng để cảnh báo người dân.
Nguồn: https://tuoitre.vn/can-xep-hang-dao-duc-trong-quang-cao-dua-thuc-pham-chuc-nang-quang-cao-no-vao-danh-sach-den-20240529153219889.htm