Thay vì quy định cứng một con số cố định đến 2030, các doanh nghiệp mong được nới “room” công suất lắp đặt điện mặt trời tự sản tự tiêu theo từng giai đoạn, phù hợp giữa nhu cầu lắp đặt của doanh nghiệp và khả năng cân đối nguồn điện, năng lực điều độ của ngành điện.
Xem xét nâng tỉ lệ mua điện mặt trời lên 15%
TS. Cao Anh Tuấn – chuyên gia về năng lượng tái tạo cho biết, hiện nay trong Quy hoạch điện VIII, có một số nhà máy nhiệt điện than đang có nguy cơ bị trượt tiến độ, không khả thi do chủ đầu tư tư nhân không thu xếp được vốn vì ngân hàng không hỗ trợ cho vay theo chính sách Netzero 2050, COP26.
Do đó, ông đề xuất có thể chuyển đổi sang quota (hạn ngạch) công suất các nhà máy điện than trượt tiến độ, không khả thi sang điện mặt trời (đơn cử như Sông Hậu 2, Nam Định…).
“Công suất điện gió tăng thêm cho giai đoạn 2023-2030 là 18.000 MW, trong khi công suất tăng thêm đối với điện mặt trời chỉ là 2.600 MW (tức là công suất tăng thêm của điện gió gấp tới 6.5-7 lần điện mặt trời). Mặt khác, hiện nay, hàng loạt các dự án điện gió đang chững lại do giá đền bù đất cao (do áp dụng Luật đất đai mới kể từ 1.8.2024 áp dụng theo cơ chế thị trường…).
Căn cứ những lập luận trên, đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét nâng tỉ lệ mua điện mặt trời lên 15% cho cả hai vùng miền Bắc – miền Nam, thay vì quy định như hiện nay”, TS. Cao Anh Tuấn đề nghị.
Cần tính pháp lý rõ ràng
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, các nhãn hàng hàng đầu thế giới hiện nay đều yêu cầu loại trừ tất cả nồi hơi bằng than đá – vật liệu thải khí không tốt ra môi trường, do đó các doanh nghiệp phải chuyển sang nồi hơi điện.
“Như vậy, chi phí sản xuất cho một sản phẩm nếu dùng điện thì tăng 10-17% so với đốt than. Mặt khác, so với điện mặt trời, việc dùng nồi hơi điện bằng điện của Nhà nước còn làm tăng chi phí thêm 15-20%”, ông Giang ước tính.
Theo ông Giang, những doanh nghiệp dệt may đã đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái ngay từ giai đoạn đầu hiệu quả. Doanh nghiệp được điểm cộng khi làm việc với nhãn hàng, có khả năng chủ động về điện năng, đồng thời các chỉ số liên quan tiết kiệm năng lượng, xử lý nguồn nước cũng được cải thiện, tác động đến quá trình đánh giá các chứng chỉ xanh.
Ông Trần Thiên Long – Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp đều mong muốn tính pháp lý cho lĩnh vực này phải rõ ràng, cụ thể và phải được thực hiện một cách đồng bộ.
Ông Long bày tỏ mong muốn Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước có quỹ hỗ trợ nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp để đầu tư điện mặt trời mái nhà. Ông cho biết hiện chỉ có vài ngân hàng có sản phẩm này, nhưng là sản phẩm riêng lẻ, trong khi các doanh nghiệp đang rất khó khăn về tài chính để chuyển đổi xanh.
“Một khu công nghiệp, một nhà máy rất khó chuyển đổi xanh nếu như không có sự chung tay của Nhà nước, địa phương thông qua những hỗ trợ đồng bộ và hiệu quả”, ông Long nhấn mạnh.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/can-xem-xet-nang-ti-le-mua-dien-mat-troi-1381840.ldo