Trong đơn gửi đến cơ quan báo chí, chị Hạnh chia sẻ: Năm 1994, chị và anh Trần Thế Thủy, cùng trú tại xóm Chùa, xã Mã Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), kết hôn với nhau. Do cả hai người cùng theo đạo Thiên chúa giáo và kết hôn ở nhà thờ, có ghi chép tại sổ hôn phối của nhà thờ, nên hai người không đăng ký kết hôn. Trong quá trình chung sống, hai người có với nhau 3 người con lần lượt là Trần Thị Hằng (SN 1996), Trần Thị Thúy (SN1998) và Trần Thế Tần (SN 2000).
Do Kinh tế gia đình khó khăn, nên năm 2002, vợ chồng chị vay mượn tiền để anh Thủy ra nước ngoài làm ăn. Chị ở nhà nuôi con và mẹ chồng. Năm 2003, xã Mã Thành, có tổ chức đấu giá đất ở. Chị đăng ký đấu giá và trúng đấu giá thửa đất. Tuy lúc này anh Thủy đang ở nước ngoài nhưng ghi danh đấu giá chị vẫn ghi tên anh Thủy. Chính vì thế khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉ ghi tên mỗi anh Thủy, do không có đăng ký kết hôn.
Sau nhiều năm làm ăn ở nước ngoài không thuận lợi. Hầu như không gửi được đồng tiền nào về cho vợ con. Thậm chí trước khi về chị Hạnh còn phải vay mượn tiền gửi qua thì anh Thuỷ mới về nước được. Năm 2008, anh Thủy trở về Việt Nam, năm 2010, hai anh chị vay mượn tiền xây một ngôi nhà cấp 4 để sinh sống. Năm 2011, chị nhận thấy anh Thủy có nhiều biểu hiện không chung thủy nên chị yêu cầu anh Thủy và chị lên UBND xã làm đăng ký kết hôn.
Năm 2019, anh Thủy có quan hệ tình cảm ngoài luồng, nên thường xuyên đánh đập, bạo hành chị, thậm chí đã đuổi chị ra khỏi nhà, đưa nhân tình về ở phần đất là ki ốt bán cà phê, bên cạnh ngôi nhà cấp 4 của anh chị. Chính những điều này khiến chị phải nộp đơn ra tòa để ly hôn.
Ngày 9/9/2022, Tòa án Nhân dân huyện Yên Thành đưa vụ án ra xét xử. Thẩm phán, chủ toạ phiên tòa là ông Phạm Thái Dương. Kết thúc phiên tòa là bản án số 102/2022/HNGD-ST. Không hiểu Tòa án nhân dân huyện Yên Thành căn cứ vào đâu mà Quyết định:
1.Về quan hệ hôn nhân: Không chấp nhận phần yêu cầu về giải quyết ly hôn của chị Phan Thị Hạnh; Chấp nhận đơn phản tố của bị đơn Trần Thế Thủy. Không công nhận quan hệ vợ chồng giữa chị Phan Thị Hạnh và anh Trần Thế Thủy.
2.Về con chung: Không giải quyết.
3.Về tài sản chung: Giao cho anh Thủy nhận phần tài sản bằng hiện vật là thửa đất số 10, tờ bản đồ số 12/QH 2023, diện tích 350m2 tại xóm Chùa Sơn, xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 381345 ngày 22/3/2006 mang tên Trần Thế Thủy và các tài sản có trên đất là nhà cấp 4, ki ốt các mái tôn che xung quanh, quán cà phê lợp tranh, tường bao quanh thửa đất, anh Thủy có trách nhiệm phải thanh toán cho bên chị Hạnh phần chênh lệch với số tiền 880.260.000 (Tám trăm tám mươi triệu, hai trăm sáu mươi nghìn đồng).
Với bản án này không chỉ chị Hạnh vô cùng đau khổ, mà nhân dân và xóm làng và bạn bè chị cũng hết sức bất bình. Bà H, một người hàng xóm của chị Hạnh, bức xúc: Hạnh nó sinh ba đứa con, ở nhà vất vả vay mượn, bươn chải nuôi con và mẹ chồng mà giừ không công nhận nó là vợ, vậy coi nó là gì. Trong khi năm 2011, chúng nó đã đăng ký kết hôn, có nhà nước công nhận đó.
Chị N, một người bạn của chị Hạnh cũng hết sức bức xúc: Đất ở mặt đường nhựa ở đây, giờ giá thị trường thửa đất này cũng phải gần 5 tỉ, vậy mà chia cho Hạnh được hơn tám trăm triệu, trong lúc chồng đi nước ngoài, lâu lâu mới gửi về được mấy triệu, nó ở nhà phải vay mượn lo toan, giờ nợ cũng do nó gánh cả. Chia thế này quá bất công.
Anh C. một hàng xóm khác của chị Hạnh cũng bức xúc: Xét và công sức, đáng ra phải chia cho Hạnh phần tài sản lớn hơn. Phải ngược lại quyết định của Tòa mới đúng. Phải cho hạnh lấy tài sản bằng hiện vật mới đúng. Lấy nhau xong, sinh 3 đứa con xong thì chồng đi nước ngoài, ở nhà mua đất là Hạnh mua. Tòa phải xem xét nguồn gốc đất mới đúng chứ. Nuôi dạy con ăn học nên người, lo cho gia đình nhà chồng chu toàn. Không hề có lỗi gì, mà giờ Tòa xử thế.
Chúng tôi, liên lạc với Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Yên Thành, thì được trả lời: Vụ án đã giải quyết xong, mọi quyết định là do Hội đồng xét xử. Nếu chưa thỏa mãn thì người dân có thể kháng cáo lên cấp cao hơn.
Được biết, tới đây, TAND cấp cao tại nghệ An sẽ đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Hy vọng rằng, phiên tòa phúc thẩm tới sẽ cân nhắc thật cẩn trọng để có phán quyết hợp lý, hợp tình.
Theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện ưu tiên dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp không tự thỏa thuận được với nhau và phát sinh tranh chấp thì mỗi bên có quyền yêu cầu cơ quan Tòa án giải quyết. Tỷ lệ phân chia theo nguyên tắc chia đôi, tuy nhiên có tính đến các yếu tố khác như công sức đóng góp, hoàn cảnh gia đình, lỗi dẫn đến việc ly hôn,…
ĐIỀU 219, BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015 QUY ĐỊNH VỀ CHIA TÀI SẢN THUỘC SỞ HỮU CHUNG
1. Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.