Đến cuối tháng 6, Việt Nam có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh 650.300 tỷ đồng, tăng hơn 4,7% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, con số này còn rất khiêm tốn so với nhu cầu tín dụng xanh của doanh nghiệp ở TP.HCM hiện nay.
Nguồn tín dụng xanh hạn chế do ngân hàng còn gặp một số khó khăn vì chưa có quy định chung về Danh mục phân loại xanh để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định cho vay.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, hiện khung pháp lý đã có một số quy định, nhưng để doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng xanh, cần làm rõ tiêu chí xác định tín dụng xanh, thước đo môi trường. Đây là hạn chế, vướng mắc lớn hiện nay. Về nguồn vốn cho tín dụng xanh, không chỉ ngân hàng thương mại mà còn phải huy động được từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Đồng thời tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để tạo an toàn cho tổ chức tín dụng và cho người đi vay. Cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực và đề nghị các ngân hàng thương mại, xây dựng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp về tín dụng xanh để tiếp cận, tiếp cận tư vấn giảm rủi ro cho doanh nghiệp.
Còn ông Trần Hoài Phương – Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp của HDBank cho rằng, các ngân hàng cần xây dựng các sản phẩm tín dụng xanh phù hợp với nhu cầu và khả năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, quản lý rủi ro và giải quyết tranh chấp trong các dự án xanh.
Luật sư Châu Việt Bắc từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khuyến nghị, các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý khi tham gia các dự án xanh, đặc biệt là trong các hợp đồng mua bán hàng hóa liên quan đến tín dụng xanh.
Quản trị tốt sẽ giúp doanh nghiệp tự bảo vệ mình trước các rủi ro pháp lý và tạo dựng được niềm tin từ phía các tổ chức tín dụng.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/can-xay-dung-tin-dung-xanh-phu-hop-voi-doanh-nghiep-vua-va-nho-post1129370.vov