Ngày 15/9, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Tri thức (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Xây dựng tiêu chí và danh mục tủ sách Tinh hoa Tri thức thế giới”.
Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Ngọc Linh phát biểu tại Hội thảo “Xây dựng tiêu chí và danh mục tủ sách Tinh hoa Tri thức thế giới”. |
Hội thảo “Xây dựng tiêu chí và danh mục tủ sách Tinh hoa Tri thức thế giới” có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, các dịch giả và bạn đọc cộng tác với Nhà xuất bản Tri thức trong nhiều năm qua.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Ngọc Linh chia sẻ: Nhà xuất bản Tri thức là 1 trong 57 nhà xuất bản ở nước ta và trên thực tế, mảng sách về khoa học công nghệ đã được rất nhiều nhà xuất bản khai thác. Vì thế, nhà xuất bản Tri thức sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn, sách phải có đặc trưng riêng, phải tạo nên sự khác biệt.
Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới là sáng kiến của nhà xuất bản Tri thức và đây cũng là tủ sách tạo nên thương hiệu, uy tín và danh dự khoa học cho nhà xuất bản Tri thức, cho đội ngũ trí thức khoa học công nghệ. Với những đầu sách dịch chất lượng trong các lĩnh vực khoa học triết học, kinh tế, giáo dục, xã hội… nhiều cuốn sách của Nhà xuất bản Tri thức đã gây tiếng vang, được bạn đọc tìm kiếm, trở thành những cuốn sách tham khảo có giá trị trong nghiên cứu và nâng cao tri thức.
Các tác phẩm ấy đã mang kho tàng tri thức phong phú của nhân loại đến gần với công chúng Việt Nam, góp phần phổ biến kiến thức cho người dân trong quá trình hội nhập với thế giới đương đại.
Mục tiêu của Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới là từng bước tiến hành lựa chọn, dịch ra tiếng Việt và xuất bản khoảng 500 tác phẩm có giá trị khoa học, văn hóa và tri thức của thế giới. Các tác phẩm trong “Tủ sách tinh hoa” này đã và sẽ góp phần phổ biến tinh hoa tri thức (bằng tiếng Việt) cho giới học thuật và cho đông đảo độc giả quan tâm, nhất là cho thế hệ trẻ.
Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức Phạm Thị Bích Hồng cho biết: Hiện nay nhà xuất bản đang thực hiện và duy trì các tủ sách chính, bao gồm: Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới; Tủ sách Tri thức mới; Tủ sách Tâm lý giáo dục cánh buồm; Tủ sách tri thức phổ thông; Tủ sách Tiểu sử; Tủ sách Việt Nam đương đại. Ngoài ra còn có Tủ sách Phan Khôi, Tủ sách dẫn nhập, bộ sách thú vui tư duy và một số loại hình sách khác.
Tính đến hết quý II/2023, đã xuất bản được 2.000 đầu sách, trong đó có 72 đầu sách thuộc Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới; khoảng 500 đầu sách thuộc Tủ sách Tri thức mới và các tủ sách khác của nhà xuất bản, còn lại là các đầu sách hợp tác liên kết xuất bản.
Nhà xã hội học Phạm Bích San bày tỏ, lựa chọn loại sách mà nhà xuất bản định hướng tới là việc làm rất quan trọng bởi vì sách thì có nhiều, nhưng sách hay thì ít và sách hay để đời lại càng ít. Do vậy, trong vô vàn sách đó lựa chọn loại sách nào xã hội cần và những đầu sách nào thực sự bạn đọc cần là vô cùng khó.
Để làm việc này trên thực tế người đứng đầu nhà xuất bản phải có một định hướng rõ ràng về thị trường và trong trường hợp Nhà xuất bản Tri thức thì đó còn là định hướng về một giới thiệu và khai mở cho một nhu cầu rất thiết yếu nhưng chưa phổ biến. Để rồi tiếp đó cần có người đọc lựa chọn ra được những sách hay, cần thiết cho xã hội Việt Nam và có thể in được trong điều kiện của Việt Nam khác nhiều với thế giới…
Các chuyên gia tại Hội thảo. |
Bằng kinh nghiệm của mình, ông Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung ương Đoàn, Viện trưởng Viện nghiên cứu thanh niên chia sẻ, việc xây dựng Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới của nhà xuất bản Tri thức cần lấy tiêu chí khoa học làm nền tảng cơ bản để nghiên cứu, triển khai, thực hiện trong những năm tới. Nhà xuất bản Tri thức và Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới nhiều năm qua phần nào đã định danh được thương hiệu, bản sắc riêng, ghi nhiều dấu ấn với độc giả, công chúng, tuy nhiên với Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức, quy trình xuất bản để phục vụ độc giả tốt hơn.
Để thực hiện tốt việc chọn lọc, xác định tác phẩm xuất bản, cần có sự phối hợp phân tích hài hòa 3 chiều: Ý tưởng, định hướng lãnh đạo nhà xuất bản, cơ quan chủ quản; Ý kiến hội đồng khoa học, hội đồng tư vấn chuyên gia; Phân tích thị trường và nhu cầu độc giả.
Đưa ra giải pháp, ông Đặng Vũ Cảnh Linh cho hay, cần liên tục đổi mới nội dung, phương thức truyền thông về các tác phẩm trong Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới, hướng đến sự tương tác nhiều hơn giữa độc giả và nhà xuất bản. Tiếp tục nghiên cứu các hình thức xuất bản online để góp phần phổ biến tác phẩm, thương hiệu nhà xuất bản và phục vụ được lượng độc giả lớn hơn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0…
Trong khi đó, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế-xã hội đưa ra những tiêu chí để xây dựng danh mục sách tinh hoa, gồm: Các tác giả có những đóng góp quan trọng thuộc các dòng, trường phái kinh tế được khẳng định là thân thiện với thị trường; Các tác phẩm có tính đại luận hoặc nhập môn những đóng góp của chính những tác giả này hoặc những tác giả khác cùng chia sẻ tư tưởng, quan điểm… và có nhiều nội dung, ý tưởng có thể giúp Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập quốc tế.
Tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới đã đề xuất 5 kiến nghị về việc xây dựng và duy trì tủ sách tinh hoa tri thức thế giới của nhà xuất bản Tri thức: Tiêu chí để xây dựng Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới, cần nghiên cứu để chọn các tác phẩm của các thánh nhân/vĩ nhân, anh hùng xuất chúng, những người kiệt xuất, người lỗi lạc viết ra hoặc những người khác viết về họ (nhưng phải là những tác phẩm hay, khách quan, trung thực và phải rất đúng về họ).
Việc lựa chọn các tác phẩm để xuất bản trong Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới theo các tiêu chí trên, cần có một Hội đồng tuyển chọn, thẩm định phải gồm những nhà trí thức lớn, nhà khoa học và học giả có uy tín ở Việt Nam.