Đây là gợi mở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra sáng 2.12 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội).
Vị thế của công đoàn được khẳng định, phát huy mạnh mẽ
Gửi tới toàn thể cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động cả nước lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và người lao động do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Trải qua hơn 94 năm xây dựng, hoạt động, trưởng thành và phát triển, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta có quyền tự hào và khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần quan trọng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.
Tổng Bí thư ghi nhận trong nhiệm kỳ qua, các hoạt động công đoàn đã hướng mạnh về cơ sở, mở rộng và đầu tư nhiều hơn cho khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước; tập trung vào hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động, nhất là trong thời điểm người lao động cả nước phải chống chọi với đại dịch Covid-19.
Trên khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, công nhân, viên chức, lao động đi đầu và thành công trong lao động, sản xuất, kinh doanh; khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam.
“Những thành tích đó không chỉ là kết quả sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân, lao động, của tổ chức công đoàn, mà còn là minh chứng khẳng định vị trí, vai trò và trách nhiệm to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”, Tổng Bí thư nói.
Bên cạnh thành tích đã đạt được, Tổng Bí thư cũng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần thẳng thắn nhìn nhận hoạt động công đoàn còn một số bất cập cần sớm khắc phục. Trong đó, có nhiều hạn chế tồn tại từ những nhiệm kỳ trước.
“Mô hình tổ chức nội dung, phương thức hoạt động công đoàn còn chậm đổi mới, chưa bắt kịp sự chuyển động của đời sống kinh tế – xã hội và đời sống lao động. Một bộ phận cán bộ công đoàn thiếu sâu sát, chưa tâm huyết, gần gũi với lao động, thiếu kỹ năng hoạt động công đoàn nên chưa nắm được tâm tư, nguyện vọng của lao động…”, Tổng Bí thư góp ý.
Kiên quyết chống bệnh hình thức, bệnh thành tích
Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để thực hiện được mục tiêu đó, theo Tổng Bí thư, hơn lúc nào hết, công nhân lao động và tổ chức công đoàn cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình, chung tay xây dựng Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh toàn diện, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Ngoài những giải pháp và nhiệm vụ trọng trong nhiệm kỳ tới được thảo luận tại đại hội, Tổng Bí thư gợi mở thêm một số vấn đề, đó là công đoàn cần tích cực phối hợp với Nhà nước, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động để chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.
Tiếp tục coi trọng và đổi mới hơn nữa nội dung, cách làm trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chính trị, giác ngộ giai cấp, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hiện đại.
Các cấp công đoàn phải khẳng định được vai trò đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn có những diễn biến phức tạp, gặp nhiều khó khăn, đe dọa sự ổn định về việc làm và cơ hội nâng cao thu nhập của người lao động, Tổng Bí thư đề nghị: “Tổng LĐLĐ Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn; tập trung chăm lo, hỗ trợ toàn diện cho đoàn viên, người lao động, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, ốm đau dài ngày”.
Trước sự xuất hiện những hình thức mới của việc làm, quan hệ việc làm, sự thay đổi về nhu cầu tập hợp, liên kết của người lao động và thiết chế cho phép hình thành tổ chức đại diện người lao động độc lập ngoài công đoàn trong doanh nghiệp, công đoàn các cấp phải căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng của người lao động để xác định mô hình tổ chức, nội dung, mục tiêu và phương thức hoạt động phù hợp. Xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, năng động; quan tâm thí điểm một số mô hình mới để thu hút, tập hợp đoàn viên, người lao động.
Bên cạnh đó, cần coi trọng cải cách hành chính; kiên quyết chống quan liêu, bệnh hình thức và bệnh thành tích trong hoạt động công đoàn. Triển khai sâu sắc, toàn diện, thực chất các hoạt động công đoàn, tập trung thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động; xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết giữa người lao động với tổ chức công đoàn để Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động.