Hiện nay, các cơ sở thẩm mỹ, spa làm đẹp xuất hiện ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu làm đẹp của phụ nữ. Tuy nhiên, vì sự “nhẹ dạ, cả tin”, lựa chọn các cơ sở không có uy tín dẫn tới một số chị em đã phải trả giá khá “đắt” cho việc làm đẹp, chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.
Nhân viên spa Ngân Anh Beauty ở thành phố Nam Định chăm sóc da mặt cho khách hàng. |
Thực tế, không phải tất cả các cơ sở đều có đầy đủ điều kiện kinh doanh. Có nhiều cơ sở hoạt động chui, “núp bóng” hiệu uốn tóc, gội đầu nhưng vẫn lấn “sân” sang phẫu thuật thẩm mỹ như: Phun xăm mắt, lông mày, phun môi, tẩy nốt ruồi, thậm chí là tiêm filler (tiêm chất làm đầy, xoá bỏ nếp nhăn), nhấn mí, cắt mí… Không những thế, lợi dụng tâm lý thích rẻ của khách hàng, không ít cơ sở thẩm mỹ, spa, nha khoa đã tung ra các chiêu quảng cáo với các gói dịch vụ giá rẻ đến khó tin dù rằng cơ sở không có đủ điều kiện và được cấp phép để thực hiện các dịch vụ đó. Có cơ sở nhân viên không có văn bằng chuyên môn về y tế, không được đào tạo, hoặc chỉ được đào tạo qua các khóa ngắn hạn để làm đẹp cho khách, khó lường trước được những nguy cơ, tai biến có thể xảy ra. Đặc biệt, không phải cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ nào cũng đủ điều kiện gây mê, hồi sức cấp cứu do vậy khi xảy ra trường hợp sốc phản vệ khi sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm, nhân viên không biết sơ cứu, cấp cứu dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng cho khách hàng.
Vào thời điểm mùa hè nắng nóng, nhiều chị em muốn có làn da trắng đẹp, mịn màng nên tìm đến các cơ sở làm đẹp, trong đó có những cơ sở in tờ rơi giới thiệu các liệu trình chăm sóc da, trị nám, tàn nhang, tắm trắng, xóa nếp nhăn… theo xu hướng Hàn Quốc; gói dịch vụ có giá từ 3-15 triệu đồng. Tuy nhiên, quá trình làm trắng da, trị nám, tàn nhang, triệt lông… chưa khoa học, không dựa trên cơ chế bài tiết sinh học của da mà chủ yếu dùng các loại mỹ phẩm tẩy, ăn mòn, làm khuôn mặt hay toàn thân luôn ở trạng thái da non, tạo cảm giác trắng hơn dẫn tới nhiều khách hàng bị kích ứng, ngứa, mọc mụn, viêm da… Chị Đinh Thị An, ở thành phố Nam Định đến một cơ sở làm đẹp trên địa bàn thành phố để làm trắng da mặt theo lộ trình sạch sâu. Sau 5 ngày, chị bị dị ứng sần da, sưng mặt. Lo lắng cho sức khỏe, chị đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, bác sĩ chẩn đoán bị dị ứng hóa chất, phải điều trị dài ngày.
Theo Điều 37, Nghị định số 109/2016/NĐ/CP ngày 1-7-2016 về Quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, quy định rõ: Người hành nghề phun xăm thẩm mỹ phải được tập huấn và có giấy chứng nhận phòng, chống lây nhiễm các bệnh qua đường máu, sinh học, nhằm bảo vệ an toàn cho bản thân và khách hàng. Cơ sở làm đẹp được phép phun xăm nếu đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân viên phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo hợp pháp, đồng thời phải có giấy phép hoạt động kinh doanh. Thực hiện quy định pháp luật trong hành nghề, nhiều spa trên địa bàn tỉnh được cấp đầy đủ giấy phép kinh doanh, chứng chỉ đào tạo nghề cho nhân viên. Chị Ngô Hải Yến, chủ của spa Yen Brown ở thành phố Nam Định thường xuyên đi học nâng cao tay nghề, cập nhật những kiến thức mới về phục vụ khách hàng. Ngoài spa ở thành phố Nam Định, chị Yến còn mở cơ sở spa tại Hà Nội và cũng là một trong những địa chỉ tin cậy được nhiều chị em tin tưởng chọn lựa. Tuy nhiên, với nhiều chị em, nhất là ở vùng nông thôn còn sử dụng dịch vụ phun lông mày, phun môi, cắt mí… của những “thợ” không có cửa hàng, chứng chỉ hành nghề. Họ chỉ nhận làm tại nhà của khách hàng, trực tiếp tiến hành tiêm thuốc tê vào môi, mắt trước khi dùng bút xăm, đầu gắn kim, cắm điện để làm cho khách hàng. Nhiều khách hàng không biết quá trình tiêm thuốc tê, tiến hành tiểu phẫu phun xăm nếu không có nghiệp vụ dễ bị sốc phản vệ, ảnh hưởng tính mạng. Hơn nữa, kim xăm được dùng nhiều lần chưa qua khử trùng đúng cách là nguy cơ lây truyền các bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS, viêm gan B, C… Chị Phạm Thị Tho ở huyện Nam Trực sử dụng dịch vụ cắt mí của một người hành nghề “lưu động” do một người quen giới thiệu. May mắn không bị ảnh hưởng gì về sức khoẻ nhưng sau khi làm xong mắt chị để lại những hệ lụy bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Chị đã liên hệ lại với người đã cắt mí cho mình nhưng không liên hệ được.
Làm đẹp an toàn, hiệu quả là “đích” đến và cũng là mong muốn của rất nhiều chị em. Tuy nhiên, trước những lời quảng cáo “có cánh” và các chiêu trò lừa đảo tinh vi, không ít phụ nữ đã bị “nhiễu” thông tin. Ngành Y tế đã khuyến cáo người dân có nhu cầu làm đẹp nên đến các cơ sở làm đẹp đã được cấp phép, đảm bảo uy tín hoặc các trung tâm y tế chuyên sâu để tư vấn, không lạm dụng việc làm đẹp và sử dụng tùy tiện các hóa mỹ phẩm có thể gây nên các bệnh ngoài da, ảnh hưởng đến sức khỏe./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa