Quay, chia sẻ các đoạn video ngắn nhảy, múa tại các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa đang trở thành một xu hướng của người trẻ trên các nền tảng mạng xã hội. Cũng từ đây, cuộc tranh luận về sáng tạo và tôn trọng di tích được mở ra.
Giới trẻ tỏ ra thích thú với trào lưu chụp ảnh, quay và chia sẻ (share) video ngắn về những bài nhảy, bài múa tại nhiều bối cảnh không gian khác nhau, trong đó có cả các địa điểm di tích văn hóa, lịch sử. Người trẻ hưởng ứng nhiệt tình càng khiến cho xu hướng này “nở rộ”.
Một hình ảnh không được đẹp của các bạn trẻ khi chụp hình bên cạnh di tích lịch sử. (Nguồn: suckhoedoisong) |
Đa dạng góc nhìn
Trường phái ủng hộ nêu quan điểm đây là một trong những cách thức hiệu quả nhằm thu hút sự chú ý của thế hệ trẻ đối với các di tích.
Việc kết hợp nhảy múa đương đại tại các địa điểm lịch sử, văn hóa không chỉ đem đến những trải nghiệm mới lạ cho những người thực hiện mà còn tạo cảm xúc cuốn hút, hấp dẫn đối với công chúng.
Từ đó, giúp lan tỏa văn hóa, lịch sử, thúc đẩy sự nhận thức và quan tâm di tích của cộng đồng xã hội.
Ở góc nhìn ngược lại, xem đây là hành động thiếu tôn trọng, tác động tiêu cực đến công tác bảo tồn, bảo quản di tích, gây ra trình trạng lệch chuẩn nhận thức đối với người trẻ về di tích.
Các hành động quay video nhảy múa (thậm chí tương lai có thể là những hành vi phức tạp hơn) có thể làm giảm sự trang nghiêm, giảm giá trị lịch sử, văn hóa hoặc làm hư hại các di tích.
Nhiều du khách cũng than phiền rằng chuyến tham quan của họ bị ảnh hưởng vì liên tục phải né vào khung hình của các máy quay. Không gian công cộng bị xâm chiếm, tính chất trang nghiêm bị xâm phạm.
Tổng hợp các góc nhìn cho thấy việc quay video ngắn nhảy, múa tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa hoặc các hành động khác tương tự là một vấn đề cần được cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo, để phát huy tính tính cực, hạn chế mặt tiêu cực.
Đâu là giải pháp?
Rộng hơn, đây là cơ hội để chúng ta nhìn lại công tác truyền thông di tích. Dường như chúng ta quên rằng truyền thông di tích (như sách báo, phim ảnh, chương trình truyền hình, sự kiện, video trực tuyến, mạng xã hội…) cũng là một phần không thể thiếu, đóng vai trò quan trọng trong chỉnh thể hoạt động bảo tồn và phát triển di tích lịch sử, văn hóa.
Về phía các đơn vị quản lý di tích, chúng ta cần thấy rằng mạng xã hội phát triển không ngừng đã tạo ra một cộng đồng trực tuyến kết nối con người với quá khứ, nơi mọi người có thể giao lưu, tăng cường nhận thức và sự tôn trọng đối với di tích.
Thế nên, chúng ta cần chủ động tạo ra các trào lưu truyền thông di tích hơn là chỉ ở thế bị động, băn khoăn nên ngăn chặn hay khuyến khích người trẻ quay video như hiện nay.
Cần tránh tư tưởng “quản không được thì cấm”, dẫn đến hệ lụy người trẻ càng thêm xa rời quá khứ, xa rời di tích văn hóa, lịch sử.
Thay vào đó, chúng ta nên có quy định, biển báo chỉ dẫn cụ thể khu vực nào được quay video nhảy, múa. Đồng thời, chủ động cung cấp các thông tin chính xác về di tích để tránh trường hợp các bạn trẻ tiếp cận với những thông tin không chính thống, thiếu kiểm chứng đang tràn lan trên Internet.
Về phía những nhà sáng tạo nội dung văn hóa, việc quay video nhảy múa, hay các hoạt động tương tự (chẳng hạn thiết kế trang phục, sản xuất đồ lưu niệm, quay phim ngắn, phim ca nhạc… có ý tưởng cảm hứng từ di tích văn hóa, lịch sử) thì việc hiểu biết và thái độ tôn trọng lịch sử, văn hóa là cực kỳ quan trọng.
Không thể viện lý do muốn lan tỏa văn hóa, lịch sử nhưng quá trình thực hiện lại làm méo mó, hư hại di tích. Mặt khác, chúng ta cần hợp tác với các cơ quan quản lý khi muốn thực hiện một sản phẩm truyền thông liên quan đến di tích.
Điều này thể hiện trách nhiệm cá nhân đối với những việc mình làm, đồng thời là trách nhiệm cộng đồng xã hội, đóng góp vào việc bảo tồn, phát triển di tích một cách tích cực và bền vững.
Nguồn: https://baoquocte.vn/can-trong-thuc-hien-san-pham-truyen-thong-lien-quan-den-di-tich-lich-su-271607.html