SGGP
Hoạt động chuyển giao quyền (độc quyền sử dụng) và chuyển nhượng quyền (bán đứt tác phẩm) luôn là vấn đề nóng được nhiều nghệ sĩ, tác giả quan tâm. Đặc biệt, giữa vòng xoáy phát triển của internet, các nền tảng số, mạng xã hội, việc vi phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam đang trở nên ngày càng phức tạp.
Quang cảnh hội thảo Bản quyền âm nhạc VCPMC 2023 |
Hiểu rõ về “bán đứt” tác phẩm
Tại hội thảo Bản quyền âm nhạc VCPMC 2023 tổ chức tại TPHCM mới đây, ông Hoàng Văn Bình, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), cho biết, trong quá trình đồng hành với các tác giả, nhạc sĩ thành viên VCPMC, đặc biệt khi hỗ trợ tư vấn pháp lý, trung tâm nhận thấy vấn đề được đề cập nhiều nhất là bán đứt và chuyển giao quyền tác giả.
“Bản chất của bản quyền là quyền tác giả, quyền liên quan. Vấn đề độc quyền cần hết sức thận trọng, nếu không rành quy định pháp luật, các nghệ sĩ, nhạc sĩ cần liên hệ tổ chức liên quan tư vấn. Về việc bán đứt quyền tác giả, nếu tác phẩm mới sáng tạo chưa phổ biến thì việc chuyển nhượng là toàn bộ quyền tài sản, gồm quyền công bố tác phẩm, quyền nhân thân. Nhạc sĩ vẫn được đứng tên như bình thường nhưng mất hết các quyền với tài sản. Trường hợp khi tác phẩm đã định hình mới chuyển nhượng thì sẽ chặt chẽ hơn phần quyền công bố, nhạc sĩ vẫn giữ một số quyền bình thường, chỉ mất quyền đối với tài sản và hưởng lợi ích từ nó. Các nhạc sĩ, người sáng tạo cần lưu ý, nhận diện rõ hơn các hình thức chuyển giao quyền tác giả”, ông Bình phân tích.
Hoạt động chuyển giao quyền tác giả không chỉ nóng tại thị trường Việt Nam mà còn là vấn đề nhức nhối tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông Benjamin Ng, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương Liên minh quốc tế các tổ chức bảo vệ quyền tác giả và nhà soạn nhạc (CISAC), cho rằng, sự phổ biến của các điều khoản “bán đứt” ở Mỹ hay các quốc gia Đông Nam Á đã và đang đặt ra nhiều thách thức với người sáng tạo. Một số nước đã có các quy định chống “bán đứt”, đấu tranh với các công ty, cá nhân cố tình trục lợi để tìm giải pháp hợp lý, giải quyết vấn đề này.
Ông Benjamin nói: “Rất nhiều trường hợp, các nhạc sĩ do không am hiểu nên khi ký kết một số giấy tờ liên quan đã vô tình bán đứt tác phẩm và không được hưởng lợi từ chính tác phẩm mình sáng tác. Chúng tôi đang làm việc với nhiều quốc gia khác nhằm hỗ trợ các nhạc sĩ trẻ biết cách bảo vệ bản quyền tác phẩm, hiểu thêm về hậu quả tiềm ẩn của việc “bán đứt”.
Hiểu quyền để không mất quyền
Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, các nền tảng số, mạng xã hội, hiện tất cả mọi người đều có thể tham gia vào hoạt động âm nhạc trên không gian mạng, bao gồm từ việc sáng tạo, trình diễn đến công bố tác phẩm. Mạng xã hội giúp các nghệ sĩ, tác giả có những cách tiếp cận khán giả mới, đa dạng. Nền tảng TikTok, tính năng Reels của Facebook, Instagram… góp phần lan tỏa nhạc Việt là điều phải công nhận. Chính các nền tảng, tính năng này đã đưa các ca khúc như See tình (Hoàng Thùy Linh), Hai phút hơn (Pháo), Bước qua nhau (Thái Vũ)… và hàng loạt ca khúc Việt đến với khán giả trong nước và quốc tế. Thực tế, nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc cũng đã lên chiến lược lan tỏa ca khúc thông qua các nền tảng này.
Ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC, cho rằng, xu hướng phát triển công nghệ số tác động tích cực lẫn tiêu cực đến ngành công nghiệp âm nhạc. Quyền thụ hưởng của công chúng cũng đạt những hiệu quả nhất định do ưu thế tương tác và kết nối của mạng xã hội.
Ông đặt ra vấn đề về quyền và lợi ích chính đáng của nhạc sĩ, người sáng tạo, nghệ sĩ sẽ được “trả công” thế nào trong toàn bộ mối quan hệ cộng hưởng, kết nối này. Thực tế, tình trạng sử dụng “chùa” ca khúc trên mạng xã hội đang diễn ra phổ biến, nhiều người tận dụng kiếm lợi, kiếm quảng cáo mà “làm lơ” vấn đề bản quyền.
Ông Hoàng Văn Bình cho biết, phía VCPMC đã có thỏa thuận về sử dụng âm nhạc trên Meta, lý do lợi nhuận chưa phân bổ hợp lý do vấn đề dữ liệu. “Chưa có sự cập nhật mới nhất, do đó các tác giả cần làm việc cụ thể với VCPMC. Nhạc sĩ, người làm công việc sáng tạo cần quan tâm nhiều hơn đến xu hướng, các nền tảng, tìm hiểu rõ hơn quy định pháp luật về bản quyền. Vì không hiểu rõ nên nhiều trường hợp trong quá trình thỏa thuận ký kết đã xuất hiện hiểu lầm về chuyển giao quyền, chuyển nhượng quyền. Cần hiểu quyền để không bị mất quyền kiểm soát chính tác phẩm của mình”, ông Bình chia sẻ.
Công nghệ là yếu tố không thể chối bỏ. Tất cả mọi tiến bộ công nghệ đều mang đến những cơ hội lẫn thách thức mới. Việc bảo vệ bản quyền tác phẩm, hệ sinh thái của tác phẩm trên không gian mạng là điều cần quan tâm từ đầu. Vừa cởi mở với mạng xã hội, các nền tảng số cần thận trọng các vấn đề pháp lý… là bước đi quan trọng, hài hòa trong việc bảo vệ và khai thác sản phẩm âm nhạc – một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam.