Bài, ảnh: GIA BẢO
Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19; năng lực nội tại, khả năng chống chịu, thích ứng với các tác động bên ngoài còn hạn chế. Trong đó năng lực, sức chống chịu của doanh nghiệp (DN) trong các lĩnh vực chủ lực xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, bất động sản… đã đến mức tới hạn. Do đó, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn để gỡ khó cho nền kinh tế, tăng sức chống chịu cho DN.
Lực cản tăng trưởng kinh tế
Vốn tín dụng ngân hàng là nguồn lực quan trọng cho DN. Trong ảnh: Hoạt động của BIDV chi nhánh tại Cần Thơ.
Với độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới, nhất là xuất nhập khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, thu hút đầu tư… tiếp tục gặp nhiều khó khăn; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn hạn chế, DN tiếp tục đối mặt với thách thức lớn. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, có hơn 88.000 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 5 chỉ đạt 45,3 điểm tiếp tục phản ánh khó khăn về đơn hàng yếu đi, thị trường sụt giảm.
Thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, một số ý kiến cho rằng, nhiều DN đã “chết lâm sàng”. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, DN hiện đang gặp khó khăn về dòng tiền, khả năng tiếp cận vốn vay, nhất là vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh. Nhiều DN không đủ khả năng vay hoặc chưa muốn vay do sản xuất kinh doanh đình trệ, không có lãi. Mặt bằng lãi suất cho vay của ngân hàng tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao; thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng chậm. Nhiều nhóm hàng chủ lực như điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, đồ gỗ,… tiếp tục gặp khó về đầu ra; thị trường bất động sản khó khăn, tác động lớn đến hoạt động xây dựng, vật liệu xây dựng, đồ gỗ và lao động việc làm trong nước. Xuất khẩu hàng hóa giảm, nhưng thị trường trong nước còn nhiều dư địa lại chưa được khai thác hiệu quả.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 5 tháng đầu năm nay có gần 510.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm; trong đó gần 55% bị mất việc, thôi việc, còn lại bị giảm giờ làm, giảm lương,… Tình trạng cắt giảm lao động tập trung tại một số địa phương nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương,… Xu hướng cắt giảm lao động tiếp tục kéo dài, nếu sức cầu thị trường trong nước và xuất khẩu tiếp tục ảm đạm.
Theo báo cáo khảo sát gửi Chính phủ cuối tháng 5-2023 của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), trong tổng số 9.556 DN tham gia khảo sát trực tuyến có 84% DN đánh giá hiệu quả điều hành, hỗ trợ ở cấp cơ sở kém hiệu quả. Trên thực tế, hệ thống pháp luật Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện, còn một số điểm chồng chéo, mâu thuẫn. Một số bộ ngành, địa phương phản ứng chính sách còn chậm, chưa kịp thời phát hiện, tham mưu chính sách, chưa phối hợp chặt chẽ, chưa chủ động xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền. Một bộ phận cán bộ, công chức còn né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, thiếu trách nhiệm, gây ách tắc, chậm trễ trong giải quyết công việc. Khảo sát của Ban IV cũng đưa ra nhận định, DN đang trải qua giai đoạn đặc biệt khó khăn. Có đến 82,3% DN dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.
Tăng sức chống chịu cho DN
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả làm việc 25 Đoàn công tác Chính phủ với 60 địa phương đã ghi nhận nhiều tồn tại, hạn chế về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu. Trong đó, có tình trạng đơn hàng sụt giảm ở nhiều ngành xuất khẩu chủ lực; tỷ giá USD/VND và một số đồng ngoại tệ khác tăng giảm không ổn định làm tăng chi phí đầu vào của DN. Các đối tác, DN đầu chuỗi, nhà đầu tư nước ngoài và một số thị trường các nước phát triển đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao về tính tuân thủ các quy định pháp lý về phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh. DN khó khăn về dòng tiền, gồm cả vốn lưu động, vốn đầu tư trung và dài hạn… Gánh nặng về chi phí vốn, lãi suất, chi phí logistics tăng cao… đã làm cho DN rơi vào tình thế khó khăn hơn.
Có thể nói, trong các khó khăn hiện nay của DN, gỡ khó về vốn cho sản xuất kinh doanh đang là vấn đề cấp bách. Hiện nay, việc tiếp cận thông tin về các DN nhỏ và vừa còn hạn chế, do các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ yếu khai thác thông tin qua việc tìm hiểu trực tiếp DN và qua Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC), chưa khai thác thông tin tối đa từ các hiệp hội, ngành nghề, cơ quan thuế, hải quan… Bên cạnh đó, đa số các DN nhỏ và vừa mới thành lập, mới gia nhập các ngành, lĩnh vực kinh tế mới, nên TCTD không có dữ liệu để xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định hồ sơ vay vốn, cũng như đánh giá khả năng trả nợ của DN nhỏ và vừa.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tín dụng nền kinh tế đến cuối tháng 5-2023 đạt trên 12,3 triệu tỉ đồng, tăng 3,17% so với cuối năm 2022. Mục tiêu tăng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%; hiện các khoản cho vay mới của các ngân hàng thương mại lãi suất khoảng 9,07%/năm (giảm 0,9%/năm so với cuối năm 2022). Mặt bằng lãi suất huy động cũng đang giảm, đây là điều kiện để các TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay thời gian tới, tăng năng lực hấp thụ vốn cho DN.
Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Cần Thơ cho biết, thực tế hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đã có các chương trình ưu đãi dễ tiếp cận tín dụng, các DN hoạt động tốt, hiệu quả được vay theo đối tượng ưu tiên với lãi suất 4,5%/năm. Các gói vay lãi suất ưu đãi hoặc lãi suất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên vẫn được xem là hợp lý và không chênh lệch nhiều, nên DN ít có nhu cầu thực hiện thêm thủ tục vay hỗ trợ lãi suất 2%. Bởi khi tham gia chương trình hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, DN phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên DN ngại thủ tục… Mặt khác, các ngân hàng cũng tích cực tham gia Chương trình kết nối Ngân hàng – DN, nên cũng góp phần tích cực đưa dòng vốn ra thị trường; đến cuối tháng 5-2023, các TCTD đã cam kết cho vay mới 1.892 tỉ đồng, dư nợ cho vay khoảng 1.767 tỉ đồng, với 85 khách hàng DN. Chi nhánh cũng tích cực chỉ đạo, giám sát việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn của các TCTD. Tiếp tục đồng hành, lắng nghe để gỡ khó cho DN.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong vòng xoáy của các yếu tố rủi ro từ bên ngoài rất khó dự báo, Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình trong nước có một số yếu tố thuận lợi, hỗ trợ cho tăng trưởng của quý II và cả năm 2023. Đó là: những khó khăn, thách thức lớn hiện nay cơ bản đã được xác định; DN đã chủ động thích ứng, có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; lạm phát đang được kiểm soát; mặt bằng lãi suất cho vay giảm, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng sau khi được Quốc hội thông qua sẽ phát huy hiệu quả… là những trợ lực mới cho nền kinh tế.