Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, nhà báo Phạm Trung Tuyến cho rằng, vào thời điểm hiện tại, khi bão lũ đã đi qua thì nhu cầu tái thiết cuộc sống là quan trọng nhất. Nên thứ cần thiết lúc này là thuốc men, vật liệu xây dựng, công cụ sản xuất, cây, con giống và tiền mặt.
Nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc chịu thiệt hại do bão lũ gây ra. (Nguồn: VNE) |
Báo cáo ngày 15/9 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng.
Trong số đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp III trở lên; trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gẫy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gẫy đổ. Đến nay, đã có 353 người chết, mất tích, khoảng 1.900 người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương…
Sáu điểm tựa Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ 6 điểm tựa để góp phần khắc phục hậu quả siêu bão số 3. (Nguồn: VGP) |
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ về 6 điểm tựa tại chương trình “Điểm tựa Việt Nam”, góp phần khắc phục hậu quả siêu bão số 3, từ đó xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Thứ nhất, điểm tựa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Nhân dân, đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” như Bác Hồ đã nói.
Thứ hai, chúng ta có Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh lãnh đạo gần 95 năm qua. Đảng không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu mang lại độc lập, tự do cho dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Thứ ba, truyền thống lịch sử – văn hóa hào hùng, văn minh, văn hiến của dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn”, “bầu ơi thương lấy bí cùng…”.
Thứ tư là nhân dân. Nhân dân làm nên lịch sử, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Thứ năm là quân đội, công an. “Lúc cần, lúc khó có quân đội, công an”; “Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”; “Công an ta, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Thứ sáu là tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc ta, của mỗi người khi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, vượt qua giới hạn của bản thân, với tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể”.
Với sáu điểm tựa Việt Nam nói trên, Thủ tướng kêu gọi đồng bào, đồng chí “làm việc bằng hai”, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm” để góp phần khắc phục hậu quả siêu bão số 3 tại 26 tỉnh, thành phố phía Bắc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Cần chuyên nghiệp hóa cứu trợ xã hội
Chia sẻ quan điểm riêng về công tác tổ chức cứu trợ, nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó giám đốc kênh VOV giao thông, Đài tiếng nói Việt Nam cho rằng, cần tổ chức các hoạt động này một cách chuyên nghiệp hơn.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến. (Ảnh: NVCC) |
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ, gây thiệt hại lớn cho các tỉnh phía Bắc nước ta. Hưởng ứng lời phát động, kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên cả nước đã và đang tích cực quyên góp ủng hộ tiền, hiện vật giúp đỡ đồng bào.
Truyền thống đoàn kết, “nhường cơm, sẻ áo” của dân tộc ta đang tỏa sáng trên khắp cả nước. Đó là lời động viên, chia sẻ để người dân vùng thiên tai từng bước khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
Ngay từ trong bão lũ, nhiều cá nhân, tổ chức đã “vào cuộc”, đến vùng lũ để cứu trợ bà con thực sự gây xúc động mạnh, thật đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.
Tôi nghĩ, mỗi một thời điểm sẽ có những nhu cầu khác nhau. Vào thời điểm hiện tại, khi bão lũ đã đi qua thì nhu cầu tái thiết cuộc sống quan trọng nhất.
Các địa phương tái thiết hạ tầng, người dân tái thiết cuộc sống, khôi phục hoạt động sản xuất, phòng chữa bệnh tật. Thứ cần thiết lúc này là thuốc men, vật liệu xây dựng, công cụ sản xuất, cây, con giống và tiền mặt.
Tuy nhiên, thực tế, chúng ta vẫn thiếu các tổ chức xã hội hoạt động cứu trợ một cách chuyên nghiệp và đáng tin cậy, những tổ chức có khả năng san sẻ gánh nặng về nguồn lực cho Nhà nước. Việc các cá nhân đứng lên tổ chức hoạt động cứu trợ bởi sự thôi thúc từ tình cảm như hiện nay rất cảm động, nhưng hiệu quả không cao, dễ trùng lặp do thiếu thông tin, thiếu nguồn lực và cả kỹ năng. Hoạt động cứu trợ chỉ nên tập trung ở một số ít đầu mối có năng lực, uy tín và có khả năng kết nối, huy động tình nguyện viên.
“Việc các cá nhân đứng lên tổ chức hoạt động cứu trợ bởi sự thôi thúc từ tình cảm như hiện nay rất cảm động, nhưng hiệu quả không cao, dễ trùng lặp do thiếu thông tin, thiếu nguồn lực và cả kỹ năng”. |
Hoạt động cứu trợ nên được chuẩn hóa về điều kiện, nguyên tắc và điều phối bởi càng ít đầu mối càng tốt. Việc có quá nhiều đầu mối sẽ gây lãng phí về nguồn lực, chồng lấn, vì thế hiệu quả sẽ không thể đạt được mức độ tương ứng với nguồn lực xã hội.
Vai trò của cộng đồng trong hoạt động này, theo tôi, điều quan trọng nhất là sự đoàn kết. Đoàn kết để sẻ chia, để không so đo nghi ngại, để sẵn sàng tình nguyện phối hợp. Còn muốn hiệu quả thì vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở rất quan trọng. Đó là đội ngũ gần dân nhất, thấu hiểu hoàn cảnh, vấn đề của người dân, của cộng đồng nhất.
Nếu đội ngũ cán bộ cơ sở sâu sát, làm việc trên tinh thần vì dân, vì cộng đồng thì họ sẽ là những đầu mối tổ chức hoạt động cứu trợ tốt nhất. Tôi nghĩ, cần trao quyền tự chủ nhiều hơn cho họ, tiếng nói của đội ngũ này cần được lắng nghe nhiều hơn.
Tôi nghĩ, mọi câu chuyện về sinh kế bền vững đều phải bắt đầu từ tri thức. Tri thức để sinh sống an toàn, chủ động thích ứng với điều kiện thời tiết tự nhiên. Tri thức để duy trì sinh kế và phát triển bền vững. Tri thức để ứng phó và hỗ trợ nhau trong thảm họa. Khi hàm lượng tri thức trong cộng đồng tăng lên, cộng đồng đó có cơ hội để sống tốt hơn.
“Khi bão lũ đã đi qua thì nhu cầu tái thiết cuộc sống là quan trọng nhất. Các địa phương tái thiết hạ tầng, người dân tái thiết cuộc sống, khôi phục hoạt động sản xuất, phòng chữa bệnh tật. Thứ cần thiết lúc này là thuốc men, vật liệu xây dựng, công cụ sản xuất, cây, con giống và tiền mặt”. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/cuu-tro-sau-bao-lu-can-trao-quyen-tu-chu-nhieu-hon-cho-doi-ngu-can-bo-co-so-286489.html