Một đoạn bức tranh ở gian trưng bày "Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 tỉnh Cần Thơ" tại Bảo tàng TP Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI
Mùa khô 1974-1975, ở Cần Thơ, dù địch cố gắng bình định lấn chiếm nhưng quân số giảm sút nặng, tinh thần sa sút. Ðịch chủ trương rút đồn bót, co cụm nhằm giữ những vị trí quan trọng, phòng thủ chặt tuyến Vòng Cung để bảo vệ đầu não Vùng IV chiến thuật.
Với tình thế đó, Khu ủy quyết định huy động mọi lực lượng, đẩy mạnh 3 mũi giáp công, tiến công đều khắp, thực hiện phương châm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế và lực tiến lên giành thắng lợi mùa khô 1974-1975. Ðược Khu ủy chọn làm địa bàn trọng điểm, Tỉnh ủy Cần Thơ quyết giành chiến thắng trong mùa khô 1974-1975.
Ngày 5-12-1974, ta mở màn chiến dịch, chủ lực Khu kết hợp với địa phương quân Long Mỹ tấn công phân chi khu Mười Bốn Ngàn, diệt và bắt sống 50 tên. Ở Phụng Hiệp, ta diệt hậu cứ Tiểu đoàn 478 gần thị trấn. Ở Châu Thành, Tiểu đoàn Tây Ðô diệt đồn Tám Ngàn (xã Tân Hòa). Ở Ô Môn, ta diệt đồn Cả Thiện. Ðêm 8-12-1974, Tiểu đoàn Tây Ðô tiến công diệt Chi khu Một Ngàn, phá hủy 2 đại bác 105 ly, 1 kho đạn 50 tấn, loại khỏi vòng chiến đấu 144 tên. Quân dân Châu Thành A diệt đồn Mương Khai (Nhơn Nghĩa), đồn Kinh Thầy Cai (Thạnh Xuân)… Liên tiếp những ngày cuối năm 1974, đầu năm 1975, ta tiến công, giành chiến thắng ở nhiều địa bàn trong tỉnh. Nhiều đồn bót của địch bị tiêu diệt.
Song song đó, phong trào đấu tranh chính trị rất sôi nổi, với hàng vạn quần chúng xông ra phía trước cùng lực lượng vũ trang bao vây đồn bót, đi dân công phục vụ chiến trường... Ðiển hình là ở Thốt Nốt, phong trào quần chúng đấu tranh chống bắt lính diễn ra mạnh mẽ. Trong tháng 1-1975, ở Ô Môn, Châu Thành có hơn 10.000 lượt quần chúng trực diện đấu tranh chống địch càn quét cướp phá. Ở Long Mỹ, có hàng trăm quần chúng chống địch càn quét, cướp phá lúa, ngăn chặn xe bọc thép của địch càn vào lúa.
Mũi binh vận cũng phối hợp với mũi vũ trang, chính trị, nổi nhất là phong trào đào rã ngũ của binh sĩ địch mang súng về với cách mạng, phong trào khởi nghĩa chiếm đồn, diệt ác, phong trào gia đình binh sĩ đòi chồng con em không cho đi lính khá sôi nổi. Từ đó, đã gây ra tình trạng xáo động hoang mang trong hàng ngũ địch.
Lực lượng khởi nghĩa làm chủ sân bay Trà Nóc trưa 30-4-1975. Nguồn: "Địa chí Cần Thơ", Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cần Thơ, 2002
Trong 4 tháng đầu năm 1975, quân dân Cần Thơ loại khỏi vòng chiến đấu 3.096 tên địch, diệt 1 tiểu đoàn, 5 đại đội, 2 trung đội cảnh sát, 1 chi khu, 1 phân chi khu, bức hàng, bức rút 161 đồn, 12 lô cốt, phá hủy 12 xe, đánh chìm 13 tàu. Tính chung chiến dịch mùa khô 1974-1975, ta giải phóng hoàn toàn 5 xã, giải phóng cơ bản 7 xã, 25 ấp với 45.000 dân, đưa tổng số dân trong vùng giải phóng toàn tỉnh lên trên 170.000 dân.
Từ ngày 22 đến 24-4-1975, Thường vụ Tỉnh ủy họp tại Cảng Chủ Hàng, xã Vĩnh Tường, huyện Long Mỹ, triển khai Nghị quyết Trung ương, đồng thời đánh giá tình hình, rà soát kế hoạch, bố trí lực lượng vũ trang hạ quyết tâm giải phóng tỉnh Cần Thơ, góp phần giải phóng miền Nam.
Ngày 26-4-1975, Nguyễn Văn Thiệu từ chức làm cho tinh thần của địch càng hoang mang, hốt hoảng.
Thời cơ cách mạng đã đến, ngay trong ngày 26-4-1975, Thường vụ Khu ủy phổ biến mệnh lệnh tấn công. Cần Thơ là trọng điểm 1 của Khu, lực lượng ta chia làm 2 hướng: hướng thứ nhất áp sát lộ Vòng Cung chuẩn bị tiến vào TP Cần Thơ; hướng thứ hai tiến quân ra Xóm Chài chuẩn bị vượt sông Cần Thơ tiến vào thành phố.
Ngày 28-4-1975, tòa lãnh sự Mỹ ở Cần Thơ rút chạy, làm cho tướng tá cao cấp ngụy quân, ngụy quyền hoang mang cao độ.
Suốt ngày đêm 28 và 29-4-1975, bộ đội chủ lực của ta hành quân vượt qua các tuyến phòng thủ của địch. 10 giờ sáng ngày 30-4-1975, Tiểu đoàn Tây Ðô và chủ lực Khu tiếp cận lộ Vòng Cung, đập tan 2 trung đoàn chủ lực của địch và xe bọc thép án ngự lộ Vòng Cung.
Ðồng thời, ngày 28 và 29-4-1975, lực lượng quần chúng ở nội ô đã nổi dậy xông vào các căn cứ Mỹ ở đầu lộ 19 và 67 Hùng Vương. Công nhân hãng nước ngọt BGI đứng ra quản lý máy móc khi bọn chủ hãng chạy theo Mỹ và sẵn sàng chờ lực lượng cách mạng đến để giao. Quần chúng một số khu vực trong TP Cần Thơ như xã An Bình, phường Hưng Lợi nổi dậy làm chủ các cơ sở của bộ máy tề, ngụy ở phường, khóm, gom súng phòng vệ dân sự trang bị cho lực lượng tự vệ, treo cờ mặt trận, dẫn đường cho bộ đội tiến vào thành phố. Cơ sở ta khởi nghĩa ở ấp Thới Thuận, chiếm chợ Trà Nóc, chốt giữ cầu Trà Nóc. Lực lượng quần chúng khởi nghĩa tranh thủ binh lính ở sân bay Trà Nóc cướp súng uy hiếp tên Ðại tá chỉ huy sân bay Trà Nóc (Bà Ðồ), toàn bộ binh lính ở đây đầu hàng. Sau đó, Trung đoàn 20 chủ lực đến chiếm lĩnh sân bay vào lúc 18 giờ.
11 giờ ngày 30-4-1975, nội tuyến của ta thả 4.000 tân binh và lao công đào binh bị bắt giữ tại trại nhập ngũ số 4, đường Mạc Tử Sanh (nay là đường 30 tháng 4). Ðến 11 giờ 30 phút, đại đội cảnh sát dã chiến thuộc Tiểu đoàn 410 đóng ở Ðầu Sấu bỏ chạy, 3 cơ sở trong phòng vệ dân sự chiếm đồn, gom 60 súng giao cho lực lượng khởi nghĩa. 12 giờ, được sự hướng dẫn của Ban chỉ huy khởi nghĩa, bác sĩ Lê Văn Thuấn, Tổng thư ký Hội Hồng thập tự, đến 2 trại giam Khám Lớn và Cầu Bắc, mở cửa thả trên 6.000 tù chính trị và
thường phạm.
Số tù chính trị và thường phạm ở 2 trại giam và số tân binh ở trại nhập ngũ được thả bung ra đường phố hoan hô cách mạng. Tù quân sự ở trại tù binh được cơ sở ta hướng dẫn phá khám, chiếm kho vũ khí trang bị lập hai Tiểu đoàn Quyết thắng I và Quyết thắng II khoảng hơn 700 quân để tiếp quản và giữ gìn trật tự thành phố.
14 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lực lượng tự vệ vũ trang ta chiếm Ðài Phát thanh Cần Thơ. Tại Ðài Phát thanh có 1 đại đội lính bảo an và 4 xe, do đại úy Nguyễn Văn Hào chỉ huy là nội tuyến của ta, đã ra lệnh cho lính giải ngũ, gom súng vào kho, tạo điều kiện cho lực lượng ta chiếm Ðài Phát thanh. 15 giờ, đồng chí Nguyễn Văn Lưu (Năm Bình) thay mặt Ủy ban khởi nghĩa TP Cần Thơ đọc lời hiệu triệu đồng bào nổi dậy cùng với lực lượng vũ trang giải phóng thành phố.
Bản đồ - diễn biến Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 ở tỉnh Cần Thơ. Nguồn: "Địa chí Cần Thơ", Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cần Thơ, 2002
17 giờ ngày 30-4-1975, Tiểu đoàn Tây Ðô và Biệt động thành phố đập tan 1 đại đội biệt kích ngụy ở Rau Răm, mở đường vào Cái Răng phối hợp với lực lượng binh vận chiếm 1 chi đội xe bọc thép tiến quân từ Ðầu Sấu lên đại lộ Hòa Bình để chiếm Dinh Tỉnh
trưởng ngụy.
18 giờ 30 phút, lực lượng ta uy hiếp chiếm Dinh Tỉnh trưởng ngụy, áp đảo khống chế bọn chỉ huy sư đoàn 21, tạo thêm thế và sức mạnh cho Ban chỉ huy Mặt trận Tiền phương của tỉnh, buộc tướng Mạch Văn Trường, Tư lệnh sư đoàn 21 ngụy, ra lệnh cho cấp dưới hạ súng đầu hàng. Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh và Lê Văn Hưng, Phó Tư lệnh Vùng IV không còn lối thoát, phải tự sát tại tư dinh vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 30-4-1975.
Quân, dân tỉnh Cần Thơ được sự hỗ trợ của lực lượng Khu đã giải phóng hoàn toàn TP Cần Thơ vào lúc 18 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, xóa bỏ toàn bộ hệ thống ngụy quân, ngụy quyền tỉnh Phong Dinh và cơ quan đầu não của Vùng IV chiến thuật, dinh lũy cuối cùng của Mỹ - ngụy ở miền Tây.
Các huyện trong tỉnh cũng tấn công và nổi dậy, tự giải phóng.
Huyện Phụng Hiệp giải phóng vào lúc 7 giờ, huyện Kế Sách giải phóng lúc 16 giờ, huyện Châu Thành giải phóng lúc 17 giờ, huyện Ô Môn giải phóng lúc 21 giờ, ngày 30-4-1975. Huyện Long Mỹ giải phóng lúc 8 giờ hôm sau, ngày 1-5-1975. Huyện Thốt Nốt giải phóng lúc 15 giờ, ngày 30-4-1975; riêng 2 xã: Tân Lộc Ðông và Tân Lộc Tây đến ngày 4-5-1975 mới giải phóng.
Trọng điểm 2 của tỉnh là thị xã Vị Thanh - tỉnh lỵ Chương Thiện, Tỉnh trưởng Hồ Ngọc Cẩn ngoan cố phản kích quyết liệt để tử thủ. Lực lượng vũ trang thị xã phối hợp với lực lượng của tỉnh và quần chúng nổi dậy bao vây chiến đấu quyết liệt suốt ngày và đêm 30-4-1975, mới đánh bật được chúng. Tỉnh trưởng bị bắt, binh lính đầu hàng. Thị xã Vị Thanh giải phóng lúc 8 giờ sáng ngày 1-5-1975.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 của quân dân tỉnh Cần Thơ đã giành được thắng lợi hoàn toàn, quê hương Cần Thơ thân yêu được giải phóng, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ðó là những mốc son cách đây nửa thế kỷ của quân và dân Cần Thơ. Những sự kiện lịch sử đó càng làm dày thêm truyền thống lịch sử hào hùng, anh dũng của quê hương Cần Thơ.
PV
(Bài viết lược ghi từ quyển "Địa chí Cần Thơ", Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cần Thơ, 2002)
Nguồn: https://baocantho.com.vn/can-tho-nhung-ngay-thang-tu-lich-su-a185360.html
Bình luận (0)