Ngày 26/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trình bày tờ trình dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết: Công trình quốc phòng và khu quân sự là tài sản Nhà nước, giao cho Quân đội và chính quyền các cấp tổ chức xây dựng, quản lý, sử dụng, bảo vệ để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Việc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân, nòng cốt là lực lượng quân đội.
Tuy nhiên, sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, một số nội dung chưa theo kịp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đồng thời, một số nội dung quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân tại Pháp lệnh không phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Do đó, đặt ra yêu cầu cần thiết phải xây dựng một đạo luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Về cơ sở chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định, từ năm 1995 đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, quan điểm về bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân cần được tiếp tục thể chế hóa như: Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Ban chấp hành Trung ương (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang nêu rõ, các chủ trương, quan điểm trên của Đảng cần phải được tiếp tục cụ thể hóa đầy đủ để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức thực hiện. Trong đó, có việc hoàn thiện pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế – xã hội của Đất nước.
Về cơ sở pháp lý, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, việc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có các quy định hạn chế quyền đi lại, hoạt động của cá nhân, tổ chức trong một số trường hợp nhất định, hiện nay chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật. Vì vậy, cần xây dựng dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Luật Quốc phòng năm 2018 quy định về nền quốc phòng toàn dân, phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ: “Nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh quốc phòng của Đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường” (khoản 1 Điều 7)… Để xây dựng, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đồng bộ, thống nhất theo quy định tại Luật Quốc phòng, cần thiết phải ban hành đạo luật chuyên ngành để tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Về cơ sở thực tiễn, Bộ trưởng Phan Văn Giang nêu rõ, sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, như: Việc xác định phạm vi, ranh giới bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; còn xảy ra hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép vào phạm vi được giao quản lý, bảo vệ; công tác phối hợp giữa các địa phương với Bộ Quốc phòng và các đơn vị Quân đội trong xác định phạm vi, ranh giới để tổ chức quản lý, bảo vệ chưa được triển khai đồng bộ…
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định, việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.