Thảo luận tại nghị trường Quốc hội về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, ngày 24/6, đồng chí Nguyễn Văn Thuận, đại biểu quốc hội đơn vị tỉnh Ninh Thuận bày tỏ sự thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Công tác xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn lực lượng, tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách nhà nước, tăng cường công tác an ninh, trật tự an toàn ở cơ sở; cụ thể hoá quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân và nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội
Đây là dự án luật có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng, củng cố các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; tạo cơ sở pháp lý thống nhất, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phục vụ hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Đoàn đại biểu quốc hội đơn vị tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại nghị trường Quốc hội.
Đến nay, trên cơ sở ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, của các cơ quan, tổ chức, Chính phủ đã nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Văn Thuận cơ bản nhất trí với nội dung Tờ trình số 51/TTr-CP ngày 28/2/2023 của Chính phủ và thẩm tra của Ủy Ban Quốc phòng- An ninh về dự thảo dự án Luật này.
Để hồ sơ dự án luật được hoàn thiện, đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề nghị làm rõ thêm một số nội dung cụ thể sau: Trong tình hình an ninh, trật tự xã hội phức tạp, tội phạm ngày càng tinh vi như hiện nay, việc phối hợp lực lượng quần chúng tham gia với lực lượng chính quy trong bảo vệ an ninh, trật tự là điều cần thiết và cấp bách. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo quyền lợi cho lực lượng cơ sở, huy động sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết. Tuy nhiên, trong toàn bộ nội dung văn bản Luật cần xác định lực lượng này chỉ là lực lượng hỗ trợ cho Công an xã chính quy trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, không phải là lực lượng chính. Do đó, các quy định về chính sách hỗ trợ trong dự thảo Luật cần phù hợp với tính chất của lực lượng này.
Đối với Điều 4 Dự thảo quy định về việc tuyển chọn, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đề nghị nghiên cứu quy định độ tuổi tối đa của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhằm đảm bảo đủ sức khỏe để thực thi nhiệm vụ và đổi mới nhân sự những người tham gia lực lượng. Đề nghị quy định độ tuổi tối đa của lực lượng này là 65 tuổi.
Tại điểm d khoản 2 Điều 20 dự thảo Luật quy định bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Khi làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú, không có điều kiện; đi, về hàng ngày thì được bố trí nơi nghỉ, bảo đảm phương tiện, chi phí đi, lại hoặc thanh toán tiền tàu, xe một lần đi và về, được hỗ trợ tiền ăn theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định” Tuy nhiên: vấn đề trên tôi thấy: chưa phù hợp với lực lượng hoạt động tại cơ sở. Vì Lực lượng hoạt động ở cơ sở chủ yếu là tại Thôn, Ấp; Xã, Phường vv đang sinh sống và sinh hoạt tại nơi đó. Vì vậy tôi : Đề nghị nghiên cứu quy định lại nội dung này theo hướng phù hợp với thực tế và chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này, chủ yếu hỗ trợ giải quyết những vấn đề tại chỗ ở cơ sở, có cần điều động lực lượng này giải quyết những vấn đề phức tạp, cách xa nơi cư trú không?
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Thuận còn đề nghị rà soát nhiệm vụ chi của Bộ Công an (Điều 22 dự thảo Luật) và nhiệm vụ chi Ngân sách địa phương (Điều 23 dự thảo Luật) để tránh chồng chéo và tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng pháp luật. Đồng thời, cân nhắc việc chuyển nhiệm vụ chi tại điểm c khoản 1 Điều 23 dự thảo luật ( Mua sắm trang phục, phù hiệu, huy hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ) sang nhiệm vụ chi cho Bộ Công an để tạo sự thống nhất về lực lượng trong phạm vi cả nước và hạn chế những vụ mua bán trang phục, phù hiệu, huy hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng này ở ngoài thị trường.
Theo Báo cáo số 145/ BC-CP ngày 26/4/2023 tiếp thu, giải trình ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở của chính phủ khẳng định sẽ không làm tăng chi ngân sách, sau khi kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh thành một lực lượng. Những tính toán, giải trình chủ yếu dựa trên thực tế chi tiêu của các địa phương trong thời gian qua. Đại biểu nhận thấy trong dự thảo Luật quy định nhiều nội dung chi; do vậy, trong quá trình thực hiện Luật cần có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm sự công bằng tương đối giữa các địa phương và bảo đảm tổng mức chi hợp lý trong phạm vi cân đối của ngân sách Nhà nước và ngân sách các địa phương.
MH