Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, khi chủ trì phiên họp thứ nhất của Hội đồng tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, sáng 12/8.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Cần thể hiện tư duy phát triển, khai thác hiệu quả, sử dụng bền vững nguồn lực của vùng |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc thành lập Hội đồng vùng là cơ sở pháp lý để các thành viên cùng nhau giải quyết những vấn đề liên ngành, địa phương và vùng. Đây là lần đầu tiên cả nước có Hội đồng điều phối vùng với cơ chế pháp lý cần thiết để thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng của đất nước. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, các thành viên trong Hội đồng tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp, quy hoạch để phát triển địa phương theo tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Tại phiên họp, lãnh đạo các bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đại diện các địa phương đã trình bày những định hướng lớn trong phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế trong vùng; nghiên cứu hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn; cơ cấu lại nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp với quốc phòng, an ninh; tái cơ cấu các ngành dịch vụ, du lịch, phát triển các trung tâm logistics gắn với các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu….
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần định hướng phát triển vùng theo hướng tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, đảm bảo phát triển năng lượng xanh, công nghiệp công nghệ cao, xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, phát triển vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước, phát triển trung tâm, logistics gắn với cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu. Đồng thời vùng cần mở rộng, xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu, năng lượng quốc gia; phát triển chính quyền số nhằm rút ngắn thời gian, thu hút đầu tư cho các địa phương và trong vùng. Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực cũng quan trọng, ưu tiên các chương trình giáo dục chất lượng cao, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy nêu lên những khó khăn, thách thức về nguồn lực trong quá trình quy hoạch phát triển vùng, qua đó đề xuất trong quá trình quy hoạch cần xác định theo tiềm năng của mỗi tỉnh, tránh sự triệt tiêu lẫn nhau. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương khi quy hoạch cảng biển, sân bay… Đối với hệ thống sân bay, trong vòng 100km sẽ quy hoạch một sân bay nội địa nhằm tận dụng tối đa nguồn khách liên kết vùng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, 14 tỉnh trong vùng đều có biển, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển, thủy sản. Để giảm áp lực khai thác thủy sản trong tự nhiên trong khi tài nguyên biển đang giảm, việc nuôi biển liên vùng cũng là một giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế biển, góp phần tháo gỡ thẻ vàng của EU với việc ngư dân đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Cảng cá liên vùng, khu neo đậu liên vùng cũng sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị để phát triển.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, nếu không có cơ chế phối hợp mà “mạnh ai nấy làm” thì những lợi thế riêng có của từng địa phương sẽ tự triệt tiêu. “Riêng Đà Nẵng có thể liên kết phát triển du lịch với Thừa Thiên Huế, Quảng Nam; nông nghiệp, công nghiệp với Quảng Nam”, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng bày tỏ và cho rằng phải phân định rõ chức năng, định hướng phát triển của từng thế mạnh của các địa phương, tiều vùng, mới có thể thúc đẩy phát triển.
Đồng tình quan điểm này, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Tấn Tuân cho biết, với điều kiện giao thông đường bộ, đường biển thuận lợi, tiểu vùng Duyên hải Nam Trung bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) có động lực phát triển thành trung tâm sản xuất phục vụ nhu cầu cho các đô thị lớn, hình hành lang xuất khẩu cho các tỉnh Tây Nguyên….
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ -Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao các ý kiến phát biểu với tư duy tổng thể, chiến lược, giá trị cao, thiết thực, đóng góp cho quốc gia.
Phó Thủ tướng cho rằng cần thể hiện tư duy phát triển, khai thác hiệu quả, sử dụng bền vững nguồn lực của vùng, phát huy tiềm năng, không để xảy ra cạnh tranh, triệt tiêu lợi thế của từng địa phương.
Cho ý kiến về định hướng quy hoạch vùng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xác định lợi thế, phát huy thế mạnh các địa phương, xem xét hình thành một số tiểu vùng dựa trên địa lý, tiềm năng, thế mạnh, thuận lợi, thách thức, khả năng tối ưu hoá kết nối giữa các tỉnh để liên thông, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát huy lợi thế, sản phẩm chiến lược, hướng đến mục tiêu phát triển đồng bộ, toàn diện cả vùng
Quy hoạch vùng phải thể hiện tư duy mới về phát triển đồng bộ các loại hình giao thông, có trung tâm năng lượng làm định hướng phát triển công nghiệp, đô thị; điều tiết hiệu quả các nguồn lực đầu tư để bảo đảm mục tiêu, chất lượng tăng trưởng của các địa phương và toàn vùng.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu tích hợp các nội dung về giáo dục, đào tạo nghề, y tế, năng lượng, nghiên cứu và triển khai… vào quy hoạch vùng theo hướng hình thành các trung tâm quốc gia; quy hoạch các trung tâm phát triển năng lượng, nuôi trồng thuỷ sản xa bờ, hậu cần nghề cả, điện gió… tại các tiểu vùng có lợi thế.
Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên trong Hội đồng vùng phải thực hiện ngay các phần việc được giao và sớm có kết quả báo cáo tại Hội nghị Quy hoạch vùng vào tháng 9 tới; cần xác định cơ chế làm việc, thể hiện trách nhiệm nhiệt huyết, xác định những công việc đã đặt ra phải làm ngay, việc trong kế hoạch thì phải thực hiện.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nhanh chóng thực hiện một ứng dụng (app) cơ sở dữ liệu để Hội đồng vùng trao đổi thông tin; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ngành, tỉnh trong Hội đồng vùng sẽ thiết lập nội hàm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựa trên ý kiến đóng góp của các thành viên, xây dựng Quy hoạch vùng dựa trên các tiềm năng lợi thế, tối ưu lợi thế của mỗi tỉnh, tiểu vùng, vùng. Bộ Công Thương xem xét đến vấn đề năng lượng xanh, Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch tư duy mới về phát triển cảng biển, hàng không. Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Bộ Y tế xem xét về thành lập trung tâm giáo dục, trung tâm y tế vùng. Bộ Tài chính hình thành quỹ của vùng, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy hoạch về tài nguyên biển…
“Thay mặt Hội đồng Vùng, Phó Thủ tướng cam kết sẽ làm tốt công việc, quyết tâm cam kết cao để thực hiện để các công việc trong thời gian sớm, có hiệu quả, tận dụng tối đa lợi thế của mỗi địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh, tiểu vùng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Dịp này, Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Chủ tịch đã ra mắt. Lãnh đạo của các bộ, ngành và 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận là Phó Chủ tịch và thành viên.
Trước đó, ngày 11/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Việc lập quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo sự thống nhất, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia. Đồng thời, quy hoạch sẽ bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và bền vững với trọng tâm là phát triển nhanh, bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế – xã hội – môi trường với nền tảng là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh liên kết nội vùng, giữa vùng với các vùng khác trong nước; coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng. Nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 462/QĐ-TTg ngày 14/4/2022; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng nội dung về quan điểm, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển của vùng, làm cơ sở việc xây dựng quy hoạch vùng…
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận), có diện tích tự nhiên 95,86 nghìn km2 (chiếm 28,9% diện tích cả nước). Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Vùng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển với gần 2.000 km bờ biển (chiếm 60% bờ biển cả nước), có 11 trong 18 khu Kinh tế ven biển của cả nước (chiếm 61,1%); là cửa ngõ ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối Hành lang Kinh tế Đông – Tây với tuyến đường hàng hải quốc tế. Hệ thống giao thông thuận lợi với đầy đủ loại hình (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không); có nhiều cảng biển lớn; 9 cảng hàng không (05 cảng quốc tế), điều kiện thuận lợi phát triển các loại dịch vụ, là điểm trung chuyển hàng hóa cho Tây Nguyên, Lào, Campuchia… Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn; tiềm năng lớn về năng lượng (thủy điện, điện gió, điện mặt trời)…; lợi thế phát triển nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng, mạo hiểm, văn hoá… Người dân thân thiện, hiền hòa, cần cù, năng động, sáng tạo; có nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa. Có thể nói, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có rất nhiều lợi thế để đón trước các xu thế phát triển của thời đại như: Chuyển đổi xanh, giảm phát thải dựa trên khai thác tài nguyên gió; phát triển kinh tế dựa vào hệ sinh thái và du lịch; xây dựng kinh tế hướng biển, xã hội hướng biển và thịnh vượng từ kinh tế biển; phát triển kinh tế tri thức dựa trên chất lượng nguồn nhân lực. |