Như Thanh Niên đã đưa tin, hơn 30 hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp ven QL60 (thuộc ấp Thanh Sơn 3, xã Thanh Tân, H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) đang lo lắng trước việc đơn vị thi công dự án (DA) “Đường gom dân sinh từ cầu Hàm Luông đến vòng xoay Thanh Tân” gắn hộ lan ngăn cách tuyến chính QL60 với DA sẽ khiến việc kinh doanh, buôn bán gặp khó khăn. Vì lo lắng này, một số hộ dân thậm chí đã ngăn cản việc thi công hộ lan tại khu vực cầu Hàm Luông.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở GTVT Bến Tre khẳng định hộ lan. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Cao Minh Đức, Giám đốc Sở GTVT Bến Tre, khẳng định hạng mục gắn hộ lan ngăn cách đường gom dân sinh và QL60, đoạn từ cầu Hàm Luông đến vòng xoay Thanh Tân, là bắt buộc phải thi công. Đây là hạng mục quan trọng của dự án vì mục tiêu đảm bảo về an toàn giao thông giữa các dòng phương tiện di chuyển vào QL60.
Ông Cao Minh Đức giải thích thêm, sau 13 năm cầu Hàm Luông đi vào hoạt động, cư dân tập trung sinh sống, buôn bán dày đặc hai bên QL60. Việc buôn bán cho khách vãng lai dẫn đến dừng đỗ xe vô tội vạ, gây ra tình trạng giao thông phức tạp vào giờ tan tầm, ngày lễ, tết. Trong khi hiện nay, tuyến đường ĐA05 kết nối vào khu vực này sắp hoàn công; bến tàu du lịch tại bờ sông Hàm Luông có quy mô lớn cũng đang được đầu tư… Do đó, thời gian tới, lượng phương tiện di chuyển từ khu vực dạ cầu Hàm Luông vào QL60 sẽ rất lớn.
Vì lợi ích chung
Phản hồi thông tin về “câu chuyện hộ lan”, nhiều bạn đọc (BĐ) nhận xét việc tập trung buôn bán, sinh sống dọc theo các trục đường là một thói quen từ trước đến nay của nhiều cộng đồng dân cư. “Tuy nhiên, thói quen này đã đến lúc phải thay đổi cho phù hợp”, BĐ Minh Nghĩa nêu ý kiến.
Tán thành, BĐ Trường Lưu phân tích thêm: “Đặt tình huống các tuyến cao tốc đang phát triển sâu xuống các địa phương mà bỗng dưng người dân cũng muốn mở hộ lan để tiện kinh doanh, buôn bán thì phải làm sao ?”. Còn BĐ Thủy Nhân nhắc nhở: “Nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra khi việc buôn bán làm thu hẹp mặt đường, các xe khách dừng đỗ bất chợt”.
Liên quan câu chuyện “hộ lan khu vực cầu Hàm Luông”, trên thực tế, sau khi người dân có yêu cầu thì H.Mỏ Cày Bắc đã xin ý kiến Sở GTVT Bến Tre xem xét việc gỡ bỏ hộ lan, nhưng Sở GTVT Bến Tre khẳng định việc gắn hộ lan tại DA này là rất cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông và đúng quy định pháp luật. BĐ tinh nguyen nhận xét: “Vì sự an toàn là quan trọng, là cần thiết hơn. Đừng vì cái lợi nhỏ trước mắt mà quên đi lợi ích chung, lại phản ứng phi lý với cơ quan chức năng”.
Thuyết phục người dân
Đa số BĐ đều cho rằng giải pháp trước mắt là chính quyền địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, thuyết phục người dân, đồng thời cùng nhau tìm biện pháp để hài hòa lợi ích. BĐ Trang đề xuất phương án: “Ứng xử như cách tổ chức các trạm dừng chân trên cao tốc được không? Địa phương sẽ quy hoạch một khu vực riêng gần đó, có lối đi vào tách biệt, để bà con tiếp tục kinh doanh, buôn bán như từ trước đến nay”.
Cùng nhận định này, BĐ Quân lưu ý: “Tôi thấy nhiều nơi đã xuất hiện các trạm dừng chân, dừng nghỉ dọc các tuyến đường, vừa gom việc buôn bán sản vật địa phương về một chỗ, vừa không gây mất an toàn giao thông”.
BĐ Nguyễn Hoàng nêu: “Chính quyền nên tiếp tục giải thích về luật, quy định an toàn giao thông đường bộ, vận động, tuyên truyền cho người dân tuân thủ để bảo đảm lợi ích chung, không chỉ vì lợi ích của một vài cá nhân mà ảnh hưởng đến sự phát triển của một vùng. Chúng ta mong có những con đường, thêm hạ tầng giao thông hiện đại thì hãy cùng chung tay để phát triển địa phương, khu vực”.
An toàn giao thông phải đặt lên trên!
Thanh Tam
Vì lợi ích chung, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ sinh mạng cho nhiều người, nhưng cũng không quên mong muốn buôn bán, kinh doanh của người dân. Nếu được, nên tìm một giải pháp hài hòa đôi bên.
Phat Huynh