HOANG MANG VÌ ĐỀ SAI KIẾN THỨC, KHÔNG CÓ ĐÁP ÁN
Cho rằng các đề mẫu được phát trong trường sát với cấu trúc của Bộ GD-ĐT nhưng câu hỏi lặp đi lặp lại, không có sự đổi mới, Vũ Ngọc Huy, học sinh (HS) lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du, Thái Bình, tự tìm thêm các đề trên mạng để làm. Tuy nhiên theo Huy, đang giải đề mà gặp đề sai kiến thức là chuyện khá phổ biến.
Ngoài sai kiến thức, Ngọc Huy cho rằng hiện nay đề mẫu trên mạng đang mắc những lỗi như cách ra đề không hợp lý, trình bày ngôn ngữ câu hỏi không phù hợp với đáp án.
Tương tự, Đỗ Mai Hương (HS lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, Thái Bình) chia sẻ: “Em đang tập trung vào phần kiến thức của môn sử và địa theo khối C. Ngoài đề thi mẫu của Bộ, em có giải thêm các đề khác do giáo viên trong trường giao, đề em lấy trên Facebook, Google và mua sách luyện thi về tự giải. Có một số đề không có đáp án trùng khớp hoặc đáp án sai hoàn toàn khiến em bối rối vì nghĩ mình làm sai”.
Theo Hương, các đề mẫu trên mạng thường sai về kiến thức do người đăng hoặc lấy từ những nguồn khác nhau, sau đó chỉnh sửa lại nhưng không kiểm tra đáp án dẫn đến sai sót. “Chúng em làm đề để quen cấu trúc và củng cố kiến thức, nếu đề mẫu sai mà không được phát hiện thì khi học theo sẽ dễ bị mất điểm đáng tiếc”, nữ sinh chia sẻ.
Ngoài ra, Nguyễn Lê Toàn (HS lớp 12 Trường THCS – THPT Long Phú, Vĩnh Long) cho biết hiện nay một số người mở lớp luyện giải đề trực tuyến nhưng không có chuyên môn, không nắm chắc kiến thức. “Các đề mẫu này thường được họ lấy từ nhiều nguồn khác nhau, thay đổi một số dữ kiện nhưng không đổi đáp án nên không thể giải được. Em thường tham khảo đề mẫu từ nguồn chính thống của các trường khác, đề thi của các năm trước để tránh hiểu lầm dẫn đến mất điểm”, Toàn nhận định.
LUYỆN ĐỀ PHẢI BIẾT CÁCH CHỌN LỌC
Trong quá trình ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc luyện giải các đề mẫu hoặc đề thi các năm trước sẽ giúp cho HS đánh giá được khả năng của mình. Tuy nhiên, cô Dương Thị Huỳnh (giáo viên bộ môn sinh học, Trường THPT chuyên Nguyễn Thiện Thành, Trà Vinh) nhận định các đề tham khảo trên internet hiện nay quá tràn lan và nhiều đề không chính xác về mặt thông tin.
“Việc HS giải các đề mẫu tràn lan trên mạng có thể ảnh hưởng nhiều đến quá trình và kết quả ôn tập của HS. Từ đó HS có thể hiểu sai kiến thức, ôn sai cấu trúc đề hoặc học theo cách giải sai gây mất thời gian và ảnh hưởng đến kết quả thi thật”, cô Huỳnh chia sẻ.
“Các bạn nên tập trung giải các đề tham khảo của Bộ, những đề thi thật từ năm 2017 trở lại đây để biết được cấu trúc của đề cũng như cập nhật xu hướng ra đề mới của năm nay. Ngoài ra, có thể giải thêm các đề thi thử của trường khác, tỉnh khác để luyện tốc độ phản xạ, đồng thời củng cố kiến thức. Nếu tham khảo thêm đề trên mạng, nên kiểm tra chéo với giáo viên chuyên môn để đảm bảo chính xác về mặt kiến thức trong đề”, cô Huỳnh đưa lời khuyên.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Ngô Thị Lan Hương (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) cho biết: “Trong quá trình luyện đề, HS có xu hướng muốn tìm nhiều hơn các đề tham khảo trên mạng để giải. Thực tế, tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn “xin cứu trợ” của các bạn HS, vì các đề tham khảo đó dù dựa trên kiến thức cơ bản nhưng có nhiều câu hỏi “sạn”, có nhiều hơn 1 đáp án đúng hoặc không có đáp án đúng… Với môn lịch sử, khi không nắm vững kiến thức, cách giải đề mà các em tiếp cận trên những trang không tin cậy sẽ dẫn đến hiểu sai vấn đề lịch sử”.
Ở giai đoạn “nước rút”, theo tiến sĩ Hương, HS nên dành thời gian tập trung tổng rà soát lại kiến thức, vì quá trình ôn luyện cần nắm vững kiến thức rồi mới đến luyện đề chứ không nên làm ngược lại.
“Phải phân tích kỹ từng câu hỏi trong đề thi để chọn ra đáp án chính xác, nếu chỉ đọc lướt qua câu hỏi sẽ dễ nhầm lẫn đáp án. Ngoài ra, HS khi tham khảo đề mẫu trên mạng cần tránh những câu hỏi hay vấn đề gây tranh cãi trong các nhóm học tập để giữ cho mình tâm thế và đầu óc tỉnh táo, sáng suốt nhất”, cô Hương kết luận.
Cách ôn tập đề môn sử hiệu quả
Anh Huỳnh Lâm (sinh viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) nhận xét, việc luyện đề trước giúp HS củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài, không bị bỡ ngỡ trước khi bước vào phòng thi. Tuy nhiên HS nên lựa chọn, sàng lọc kỹ càng đề mẫu từ các nguồn uy tín để ôn tập hiệu quả, nên nhờ giáo viên có chuyên môn kiểm tra nếu không chắc về câu hỏi và đáp án.
Theo anh Lâm, cách ôn tập môn lịch sử hiệu quả nhất là biết khái quát, hệ thống các vấn đề lại với nhau. Sử dụng phương pháp “khoanh khoanh gạch gạch – KKGG” của tiến sĩ Ngô Thị Lan Hương khi làm bài.
“HS sẽ dùng bút khoanh vòng lại các mốc thời gian bằng số và bằng chữ xuất hiện trong câu hỏi lịch sử. Việc làm này sẽ giúp HS xác định được đúng mốc thời gian diễn ra sự kiện, tránh nhầm lẫn. Tiếp đến, HS sử dụng gạch chéo đối với những từ khóa sai ở câu trả lời, gạch chân đối với những từ khóa đúng trong đáp án của đề”, anh Lâm chia sẻ.