Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm sầu riêng, tiếp đến là công nghệ chế biến, bảo quản. Sản phẩm chế biến đông lạnh sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm sầu riêng khác.
6 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đạt 1,32 tỷ USD. |
Đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng đông lạnh
Số liệu Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho thấy, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng đạt 1,32 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Sầu riêng hiện chiếm 65% tỷ trọng trong nhóm quả xuất khẩu.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự kiến vụ mùa ở Tây Nguyên từ tháng 7 đến tháng 10 sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu loại quả này bứt phá hơn trong năm nay. Xuất khẩu sầu riêng đến cuối năm có thể đạt khoảng 3 tỷ USD, mang lại nguồn thu lớn cho Việt Nam và cải thiện đời sống nông dân.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu sầu riêng Việt Nam dẫn đầu với kim ngạch 1,22 tỷ USD, chiếm 92,4%. Tiếp đó, Thái Lan đã chi đến 47 triệu USD để nhập sầu riêng Việt Nam, tăng đến 90,5% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, người Nhật Bản và Campuchia cũng tăng cường mua sầu riêng Việt.
Tuy nhiên gần đây, việc sản xuất, xuất khẩu sầu riêng còn nhỏ lẻ, rời rạc. Sản xuất nhỏ lẻ sầu riêng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các vùng trồng. Nhiều lô sầu riêng của Việt Nam bị cảnh báo nhiễm chất cấm.
Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, khi xuất khẩu sang Trung Quốc, quả sầu riêng tươi của Việt Nam phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.
Các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm, đảm bảo chất lượng. Các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được giám sát theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần tập trung vào chất lượng sầu riêng, nâng cao nhận thức của người dân, trong đó, quản lý hiệu quả chất lượng mã số được cấp ra.
Các địa phương cũng phải nghĩ tới câu chuyện giám sát các vùng trồng. Việc này xuất phát từ doanh nghiệp và địa phương, cần sự phối hợp của các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương.
Ông Nguyễn Quang Hiếu cho rằng, cần nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ bền vững hơn so với việc phát triển diện tích vùng trồng sầu riêng ồ ạt nhưng chưa đạt chất lượng.
“Về việc đàm phán xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc sẽ giúp cho Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm sầu riêng, tiếp đến là công nghệ chế biến, bảo quản. Sản phẩm chế biến đông lạnh sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm sầu riêng khác. Các nhà vườn sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu sang nước ngoài”, ông Nguyễn Quang Hiếu chia sẻ.
Xây dựng quy định pháp luật liên quan đến mã số vùng trồng
Bà Phan Thị Mến – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Khoa học và Công nghệ Sutech cho biết, các cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến mã số vùng trồng – mã số cơ sở đóng gói để việc cấp và quản lý mã số vùng trồng – mã số cơ sở đóng thuận lợi, rõ ràng, minh bạch tạo điều kiện tối đa cho hoạt động xuất khẩu và có căn cứ pháp lý để xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động này.
Một số địa phương vẫn còn lúng túng khi thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc giải quyết hồ sơ xin cấp mã số. Bà Mến cho rằng, địa phương phải có hướng dẫn tạm thời, quy định thời gian nhận – trả kết quả như một thủ tục hành chính để đẩy nhanh công tác xác minh tại địa phương, trên cơ sở đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể thúc đẩy nhanh tiến độ làm việc với nước bạn, đánh giá trước mỗi vụ thu hoạch.
Cục Bảo vệ thực vật cần thiết lập một đường dây nóng để doanh nghiệp có thể phản ánh kịp thời khi phát hiện dấu hiệu gian lận mã số. Song song với đó, cần tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn cho nông dân, doanh nghiệp, có thể phối hợp, xã hội hóa các doanh nghiệp tư vấn độc lập.
Ông Nguyễn Thế Tùng – Trang trại sầu riêng Queenfarm (Bình Phước) cho rằng, bà con nông dân cần phải quan tâm đến giống và chúng ta cần có những văn bản cụ thể cho người làm giống.
Người trồng sầu riêng cần tuân thủ trên mã số vùng trồng, cần tuân thủ quy định, tuân thủ các tiêu chuẩn ISO. Làm sao cần phải đồng bộ, truy xuất minh bạch rõ nguồn gốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, để sản xuất sầu riêng bền vững, đầu tiên phải chú ý tới giống, nguồn nước. Muốn quản lý được sầu riêng phải có tiêu chuẩn cụ thể, phải nhanh chóng xây dựng áp dụng cụ thể đối với từng loại sầu riêng, hàng sầu riêng đông lạnh ra sao, hàng sầu riêng tươi như nào, hàng sầu riêng sấy sẽ như thế nào.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, các địa phương khi cấp mã số vùng trồng thì cần phải có nguồn lực để duy trì mã số đó. Việc này cũng đã có phân cấp phân quyền thì địa phương có thể chủ động xử lý trong thẩm quyền để có tính răn đe, cũng như việc ảnh hưởng tới việc phát triển bền vững của ngành sầu riêng.
Các nhà vườn cần tập thói quen ghi chép, sau đó đến ứng dụng công nghệ. Bởi càng ngày việc truy xuất nguồn gốc càng quan trọng. Việc ghi chép, truy xuất nguồn gốc sẽ là cơ sở cho việc phát triển nghành sầu riêng bền vững.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/can-tap-trung-nang-cao-chat-luong-sau-rieng-hon-la-phat-trien-o-at-153882.html