Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cần phải có những giải pháp đẩy mạnh phòng, chống tác hại thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ người dân, nhất là thanh thiếu niên và giảm gánh nặng về kinh tế.
Các chuyên gia cho rằng, hút thuốc lá có những tác hại khôn lường đến sức khoẻ, tạo gánh nặng lên kinh tế cho gia đình và xã hội. (Ảnh: Thu Trang) |
Sáng nay (23/5), tại Hà Nội diễn ra Hội thảo Cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại thuốc lá. Sự kiện do Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với HealthBridge Việt Nam tổ chức. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (25-31/5).
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế; Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cho rằng, hút thuốc lá có những tác hại khôn lường đến sức khỏe, tạo gánh nặng lên kinh tế cho gia đình và xã hội.
Do đó, cần phải có những giải pháp đẩy mạnh phòng, chống tác hại thuốc lá để bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là thanh thiếu niên, thế hệ trẻ tương lai của đất nước và giảm gánh nặng về kinh tế.
Ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: “Một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Giá thuốc lá rẻ, làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo. Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…”.
Đồng thời, theo ông Khuê, thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng đều chứa chất nicotine gây nghiện, có thể gây nguy hại đến hệ hô hấp và tim mạch của chính người hút và cả những người xung quanh.
Theo báo cáo của Cục quản lý khám chữa bệnh, có tới 70-75% bệnh nhân đến các cơ sở khám và điều trị liên quan đến các căn bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, mỡ máu, cholesterol, đột quỵ, tim mạch. Các khoa, các phòng ung thư, bệnh viện tim mạch, hô hấp quá tải. Một trong những những nguyên nhân chính của các bệnh này chính là thuốc lá.
Vì thế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, chúng ta tiếp tục chiến đấu với những căn bệnh này, xem việc phòng chống tác hại thuốc lá là trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.
Theo nghiên cứu về sức khỏe thanh thiếu niên ở nhóm tuổi 13-17 của WHO năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử chiếm 2,6%. Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 với tỷ lệ 7,3% so với các nhóm tuổi 25-44 (3,2%), 45-64 (1,4%).
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu tăng thuế tiêu thụ thuốc lá nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc lá dễ dàng như hiện nay.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử có chứa nicotin là một chất gây nghiện cao. Trong khi đó, các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện.
Đáng lưu ý, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá thông thường, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái.
Để giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hương đề xuất, ủng hộ tăng thuế thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, truyền thông rộng rãi đến người dân qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong đó, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Quảng cáo, Luật Thương mại đã quy định rõ cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng với mọi hình thức.
Trao đổi tại Hội thảo, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm (chuyên gia của WHO tại Việt Nam) cho biết, giá thuốc lá ở Việt Nam đang ở mức rất rẻ (đứng thứ 157/161 quốc gia có số liệu báo cáo năm 2020), dễ tiếp cận với thanh thiếu niên và người có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, mẫu mã các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thường bắt mắt, hướng tới đối tượng khách hàng trẻ, được mua-bán dễ dàng nên rất khó kiểm soát.
Theo bác sĩ Lâm, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá có tác dụng làm giảm sức mua thuốc lá, hạn chế thanh niên tiếp cận với thuốc lá giá rẻ. Thuế và giá là giải pháp có chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao đối với việc giảm tiêu dùng thuốc lá và là giải pháp phòng bệnh hữu hiệu đã được WHO và Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo các quốc gia cần áp dụng.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Thị An, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Việt Nam cho rằng, cần tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm vi phạm trong đó tập trung xử lý vi phạm địa điểm cấm hút thuốc, vi phạm về quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, kinh doanh buôn bán các sản phẩm thuốc lá lậu.
Bên cạnh đó, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Ngoài ra, cần ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế và WHO.