Giá bán lẻ thuốc lá ở Việt Nam rất rẻ
Báo chí đã có cuộc trao đổi với TS.Angela Pratt- Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam về các giải pháp phòng ngừa bệnh không lây nhiễm.
PV: Trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng việc tư vấn hỗ trợ của WHO trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, đặc biệt là những hỗ trợ quý báu của WHO trong việc giúp Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19.
Thực hiện khuyến nghị của WHO, Chính phủ Việt Nam đã banhành Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025. Bà đánh giá như thế nào về nỗ lực này của Việt Nam?
Bà Angela Pratt: Chính phủ Việt Nam đã đề ra các mục tiêu tham vọng nhằm giảm bớt gánh nặng do các bệnh không lây nhiễm cũng như các mục tiêu tham vọng để giảm mức tiêu thụ thuốc lá, cải thiện một số dịch vụ cho người mắc các bệnh không lây nhiễm.
Có thể thấy, việc thực hiện các mục tiêu giảm lượng tiêu thụ thuốc lá, dù có một số kết quả ban đầu nhưngvẫn chưa đạt tiến độ theo mục tiêu đề ra.
Hiện tại, chúng ta đã có các định hướng chiến lược và kế hoạch hành động rõ ràng. Do đó, đã đến lúc cần tập trung vào công tác triển khai thực hiện để có thể mang lại các thay đổi tích cực đối với sức khoẻ và đời sống của người dân.
PV: Theo WHO các bệnh không lây nhiễm thường có nguyên nhân sử dụng nhóm sản phẩm thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường. Để điều chỉnh hành vi tiêu dùng, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng công cụ thuế theo lộ trình đối với thuốc lá, rượu, bia. Bà nhìn nhận thế nào về điều này?
Bà Angela Pratt: Ghi nhận các thành quả đáng khích lệ mà Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tiêu thụ thuốc lá. Lượng tiêu thụ thuốc lá đã giảm nhẹ trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có các hành động quyết liệt hơn nữa để giảm tỉ lệ tiêu thụ thuốc lá.
Về vấn đề thuế, tôi cho rằng mức thuế áp dụng hiện nay chưa đủ cao để tác động đến hành vi tiêu dùng. Chúng ta đều biết rằng, tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm mức tiêu thụ nhanh và trong thời gian ngắn.
Do đó, chúng tôi đề xuất Chính phủ cân nhắc áp dụng mức thuế cao nhất có thể để đạt được hiệu quả giảm tiêu thụ thuốc lá trong thời gian tới.
Giá bán lẻ thuốc lá ở Việt Nam rất rẻ, rẻ hơn hầu hết các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta cần phải làm cho giá thuốc lá trở nên đắt đỏ để có thể gần như ngay lập tức tác động đến mức tiêu thụ sản phẩm này. Như vậy sẽ cần có mức tăng thuế thuốc lá đủ cao.
Tương tự đối với rượu bia, hiện đã áp dụng thuế đối với các sản phẩm rượu bia, song vẫn chưa đủ cao để tác động đến mức tiêu thụ các sản phẩm này.
Do đó, chúng tôi cũng khuyến nghị cân nhắc tiếp tục áp dụng mức thuế cao hơn để đảm bảo giá các sản phẩm này tăng lên đáng kể. Từ đó, giảm lượng tiêu thụ các sản phẩm này.
Cần làm cho giá các sản phẩm…đắt hơn
PV: Hiện, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trong đó đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm có hại cho sức khỏe: thuốc lá, rượu bia. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?
Bà Angela Pratt: Trước hết, tôi chúc mừng và đánh giá cao định hướng quan trọng này của Chính phủ. Khuyến nghị của WHO là áp dụng mức thuế, thuế tiêu thụ đặc biệt đủ cao để tác động đến mức tiêu thụ các sản phẩm có hại cho sức khoẻ này.
PV: Tại dự thảo này, Bộ Tài chính có đưa mặt hàng đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, bà đánh giá như thế nào về đề xuất này? Việt Nam cần học hỏi điều gì khi áp dụng, thưa bà?
Bà Angela Pratt: Tương tự như nguyên tắc đánh thuế thuốc lá và rượu bia, đồ uống có đường cũng là những sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Vì vậy, cần sử dụng tín hiệu giá để không khuyến khích tiêu thụ các sản phẩm này, hay nói cách khác, cần làm cho giá các sản phẩm đồ uống có đường đắt hơn.
Đã có nhiều bằng chứng từ nhiều quốc gia trên thế giới chứng minh biện pháp này thực sự hiệu quả. Trên thế giới, hiện có hơn 100 quốc gia đánh thuế đối với đồ uống có đường dưới nhiều hình thức.
Đồng thời, ngày càng có nhiều bằng chứng thuyết phục tương tự như đối với thuế áp trên các sản phẩm không tốt cho sức khỏe khác, khi đặt thuế ở mức đủ cao, sẽ tác động đến tiêu dùng.
Đồ uống có đường rất có hại cho sức khỏe, việc tiêu thụ đồ uống có đường không có mang lại bất kỳ lợi ích dinh dưỡng nào. Mức độ tiêu thụ sản phẩm đồ uống có đường có mối quan hệ trực tiếp với tỉlệ thừa cân béo phì ở trẻ em.
Vì vậy, chúng tôi thực sự vui mừng khi sản phẩm này cũng được đưa vào đề xuất đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và hy vọng đề xuất này được chấp thuận đưa vào Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Khuyến nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Trong khi đó, ông Mark Goodchild- chuyên gia kinh tế WHO tại Việt Nam cho biết, trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển, gánh nặng các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng. Một trong các nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Đây là lý do tại sao WHO khuyến nghị các biện pháp can thiệp nhằm hạn chế nguồn gốc của các yếu tố nguy cơ đó, đặc biệt là việc tiêu thụ quá nhiều đường.
“Đường tự do trong đồ uống có đường hầu như không có giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, các sản phẩm này lại được tích cực quảng bá và tiếp thị cho giới trẻ, một trong những nhóm có nguy cơ cao nhất mắc các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn trong tương lai. Vì vậy, trong số các gói giải pháp can thiệp nhằm hạn chế các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống, chúng tôi khuyến nghị áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường để thực sự giải quyết các yếu tố nguy cơ này”, ông Mark Goodchild nói.