Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh…
Thêm 137,45 triệu USD phát triển giao thông xanh tại TP.Hồ Chí Minh ADB thu xếp gói tín dụng biến đổi khí hậu trị giá 135 triệu USD phát triển giao thông xanh tại Việt Nam |
Nhận thức từ sớm
Trong báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp Quốc (UNEP) công bố cách đây không lâu cho biết, thế giới vẫn tiếp tục thải lượng khí nhà kính kỷ lục vào khí quyển. Mức tăng này chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động công nghiệp. Một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí là phát thải từ hoạt động của các loại phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nên giao thông xanh được xem là một trong những giải pháp bền vững với hiệu quả đột phá để cải thiện tình trạng này.
Đầu tư cho giao thông xanh đang là giải pháp cho tương lai gần |
Tại Việt Nam, theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, mục tiêu đến năm 2040, Việt Nam sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch sử dụng trong nước. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Nhận thức về giao thông xanh từ sớm, Tập đoàn Sơn Hà đã xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp xe điện EVGO tại khu công nghiệp Thuận Thành II, Bắc Ninh và đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2020. Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà đánh giá, xu hướng chuyển dịch xe máy xăng sang xe máy điện diễn ra rất mạnh mẽ tại Việt Nam. Dù mới tham gia vào thị trường nhưng tập đoàn cũng đặt mục tiêu trong vòng 5 – 10 năm tới sẽ trở thành một trong 3 nhà sản xuất, lắp ráp cung cấp xe điện lớn nhất Việt Nam, chiếm 10-20% thị phần xe hai bánh trong nước (khoảng 300.000 – 600.000 xe/năm), đưa sản phẩm xe điện trở nên thân thuộc với người dân.
Cũng như các phương tiện giao thông khác, việc khai thác cảng biển cũng tiềm ẩn các tác động đến môi trường nên việc đầu tư “xanh hóa” cảng biển theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế đang rất được hưởng ứng. Tại Việt Nam hiện đã có cảng Tân Cảng – Cát Lái tại TP. Hồ Chí Minh đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC. Theo đó, cảng đã thay thế thiết bị nâng hạ bằng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện (tiết kiệm 1,5-2 triệu USD phí nhiên liệu/năm); tăng cường vận tải thủy với sức chở cùng lúc được 3.000 Teus (thay thế được khoảng 2.000 ô tô chở container); áp dụng chứng từ điện tử giúp thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút còn 6 phút; triệt tiêu văn bản giấy tại cảng khoảng 30.000-50.000 tờ/ngày; trồng cây xanh dọc tuyến bến tàu và đường giao thông.
Bên cạnh đó, thời gian qua một số địa phương cũng đang nỗ lực “xanh hóa” giao thông bằng nhiều giải pháp. Đơn cử, TP. Hồ Chí Minh vừa công bố danh mục kêu gọi đầu tư 28 dự án trong chương trình tăng trưởng xanh, trong đó hơn 97.000 tỷ đồng được kêu gọi đầu tư cho các hạng mục giao thông. Sở Giao thông-Vận tải thành phố cho biết, mục tiêu của thành phố không chỉ dừng lại ở việc xây dựng hệ thống giao thông, mà còn hướng đến chuyển đổi sang các phương tiện chạy điện và sử dụng năng lượng xanh, nhằm đóng góp tích cực vào việc giảm khí thải carbon, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Giải pháp cho đầu tư xanh
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội cho rằng, riêng với phương tiện công cộng cũng đã có rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc “xanh hóa”. Về nhà cung cấp, hiện thị trường chưa tiếp cận được nhiều với những nguồn cung cấp khác để có sự cạnh tranh và có lựa chọn hấp dẫn hơn về giá để đơn vị lựa chọn nên chủng loại xe buýt điện chưa đa dạng; chưa có quy chuẩn quốc gia về xe buýt điện, đơn giá định mức, định hướng trong công tác quản lý sau này.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông cũng rất mong muốn đầu tư các sản phẩm xanh để đạt mục tiêu về môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên để tuân thủ hết các tiêu chí xanh là một thách thức khi triển khai. Hơn nữa Việt Nam hiện vẫn thiếu cơ chế, chính sách hoặc hỗ trợ tài chính cho việc chuyển đổi sang giao thông xanh và doanh nghiệp chưa thể ước tính được chi phí chuyển đổi.
Cùng với đó, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, để có một hệ thống giao thông xanh không chỉ có phương tiện, mà còn phải đồng bộ với cơ sở hạ tầng, như hệ thống sạc cần được bố trí phù hợp, đủ thuận tiện; đặc biệt là vấn đề bảo dưỡng, sữa chữa để phục vụ cho số lượng lớn phương tiện như hiện nay và sắp tới.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng, TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh đề xuất, các địa phương cần xây dựng cơ chế quản lý, tăng cường năng lực, huy động nguồn vốn tài chính và lộ trình cụ thể để triển khai giao thông xanh; cần có đề án thí điểm, nâng cấp, cải thiện chất lượng phương tiện giao thông sử dụng công nghệ nhiên liệu mới và bảo đảm đồng bộ, tích hợp với các giải pháp khuyến khích chuyển đổi sang các phương tiện giao thông bền vững. Các địa phương có thể thực hiện phân vùng kiểm soát khí thải phương tiện, vùng phát thải thấp, ưu tiên cho các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, hạn chế hoạt động các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch.