Là một tỉnh nông nghiệp, theo số liệu của ngành chức năng, diện tích nhóm đất nông nghiệp toàn tỉnh Lâm Đồng trên 909 nghìn ha, chiếm đến trên 92% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Nhiều huyện của Lâm Đồng hiện nay có tỷ lệ nhóm đất nông nghiệp chiếm trên 90% diện tích tự nhiên, ngoại trừ Đạ Tẻh 27,7%, Đà Lạt chỉ trên 34,5%, Đức Trọng 53,7%, Bảo Lộc 79,5%.
Trong nhóm đất nông nghiệp này, chiếm nhiều nhất là đất lâm nghiệp có rừng với trên 539.570 ha; kế đến là đất rừng sản xuất 307 nghìn ha; đất canh tác cây lâu năm với trên 304.047 ha; đất rừng phòng hộ 148.900 ha; đất rừng đặc dụng 83.664 ha; đất lúa 20.996 ha; còn lại là các loại cây trồng sản xuất nông nghiệp khác và đất nuôi thủy sản.
Trong năm 2022, ngành chức năng tỉnh đã tiến hành quan trắc 10 vị trí đất sản xuất nông nghiệp trong tỉnh để kiểm tra, gồm đất trồng rau xã Lát, huyện Lạc Dương; đất cánh đồng thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương; đất trồng rau xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương; đất cánh đồng lúa xã Phú Hội, huỵên Đức Trọng; đất ruộng xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên; đất trồng cà phê thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà; đất khu nông nghiệp công nghệ cao xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương; đất trồng trà xã Đạmbri, TP Bảo Lộc; đất trồng trà xã Gung Ré, huyện Di Linh và đất trồng hoa màu xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai.
Điều đáng mừng là qua quan trắc kiểm tra 2 lần trong năm 2022, ngành chức năng tỉnh cho biết, các thông số kim loại (như As, Cu, Zn) trong đất nông nghiệp tại các điểm này đều dưới ngưỡng Quy chuẩn quốc gia QCVN 03-MT:2015/BTNMT – giới hạn cho phép của một số kim loại nặng trong đất quy định.
Kiểm tra dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) trong đất, khi so sánh với QCVN 15:2008/BTNMT – dư lượng hóa chất BVTV trong đất (2,4 D; Parathion ethyl; Parathion methyl trong đất), kết quả phân tích tại các vị trí quan trắc cũng đều có dư lượng hóa chất BVTV dưới ngưỡng QCVN quy định. Hay nói một cách khác, đất chịu tác động từ hoạt động nông nghiệp tại các vị trí trên chưa ô nhiễm bởi dư lượng hóa chất BVTV.
Tuy nhiên, qua kết quả quan trắc các vị trí đất cho thấy giá trị dinh dưỡng của đất thấp, hàm lượng chất hữu cơ trong đất vẫn ở mức nghèo. Chính vì vậy, ngành chức năng Lâm Đồng khuyến cáo nông dân nên tăng cường bón phân hữu cơ truyền thống và bổ sung than bùn tự nhiên hoặc đã qua chế biến thay cho phân bón hóa học để cải thiện đất.