Ngày 18/1/2024, Quốc hội thông qua Luật Đất đai, có hiệu lực vào ngày 1/1/2025, trong đó có những chính sách tác động đến lĩnh vực lâm nghiệp cần được triển khai thực hiện để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, giảm rủi do và phức tạp pháp lý đối với các hoạt động lâm nghiệp, cần thiết phải hệ thống hóa, sửa đổi các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp phù hợp, đồng bộ với những thay đổi của Luật Đất đai 2024.
Luật Đất đai sửa đổi tạo cơ sở để phát triển lâm nghiệp bền vững. |
Ông Trần Quang Bảo – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong định hướng trong thời gian tới, ngành lâm nghiệp tiếp tục sửa đổi các quy định về pháp luật để đồng bộ hóa với các quy định mới của Luật Đất đai 2024, đặc biệt là Điều 248 về sửa đổi một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó phân cấp, phân quyền, thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cho UBND cấp tỉnh.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng cần sớm hoàn thiện tiêu chí các dự án cấp thiết và cơ chế phân cấp cho chính quyền địa phương các cấp, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 15 “Kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của Ủy ban nhân dân cấp huyện được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”. Đồng thời, cần phân quyền mạnh mẽ cho cấp tỉnh theo Điều 20 của Luật, thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trừ trường hợp thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Dầu khí.
Hiện nay, việc theo dõi thống kê số liệu đất đai cũng có sự chênh lệch nhất định giữa ngành tài nguyên môi trường và ngành lâm nghiệp, để thực hiện việc này, ngành lâm nghiệp đang tham mưu trình chính phủ ban hành quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
Theo ông Trần Quang Bảo, ngành lâm nghiệp sẽ xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin ngành lâm nghiệp, ứng dụng chuyển đổi số nhằm hướng tới toàn bộ cơ sở dữ liệu với hơn 1 triệu chủ rừng được quản lý tới từng lô, từng khoảnh, cập nhật theo dõi diễn biến hàng năm.
Một trong những điểm mới của Luật Đất đai là mở rộng đối tượng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng, đất thuê, hạn mức cũng đã tăng lên 15 lần. Hai điều này sẽ tác động đến chiến lược lâm nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Quang Bảo cho biết, hiện nay, việc giao đất, giao rừng, về các đối tượng nhận đất, nhận rừng luật lâm nghiệp cũng đã đồng bộ hóa trong Luật Đất đai 2024. Ngành lâm nghiệp tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành các nghị định để sửa đổi, đồng bộ hóa đối tượng giao đất, giao rừng này và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp người dân có thể yên tâm sản xuất trên các mảnh đất được giao.
“Vấn đề này về nhận diện là đã rõ, tuy nhiên để đảm bảo thực thi trên thực tiễn thì cần có quá trình. Cụ thể, với ngành Lâm nghiệp, Chính phủ giao trong năm 2024 này và trong giai đoạn tới thực hiện tổng điều tra kiểm kê rừng, xác định các hiện trạng về chất lượng rừng, các lô rừng cụ thể và gắn với các chủ rừng”, ông Trần Quang Bảo chia sẻ.
Trên cơ sở đó, rà soát ranh giới rừng còn chồng lấn, chưa có chủ sẽ được phối hợp với ngành tài nguyên môi trường để tiến hành giao đất, giao rừng, để người dân có thể có được những mảnh đất của mình hợp pháp, tiến hành kinh doanh hợp pháp trên mảnh đất mà mình được giao.
Đối với 14,7 triệu ha rừng hiện nay, trong đó có khoảng 3 triệu ha chưa có chủ thực sự và đang được tạm giao cho cấp xã quản lý, theo ông Trần Quang Bảo, trên cơ sở luật đất đai được ban hành, Cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục rà soát cụ thể, diện tích rừng này sẽ tiếp tục giao, đặc biệt là cho các đối tượng người dân có thể nhận đất, nhận rừng, ổn định sinh kế tại vùng sâu vùng xa.
Các chủ trương này đã được nhận diện rõ ràng, hiện nay, các cấp từ trung ương đến địa phương sẽ ban hành các chính sách, các hướng dẫn, xây dựng các chương trình để triển khai việc giao đất, giao rừng, cắm mốc ranh giới để từng bước một, rừng sẽ có chủ sở hữu.
Ông Nguyễn Bá Ngãi – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chủ rừng Việt Nam kiến nghị, để ngành lâm nghiệp phát triển bền vững, thời gian tới, các cấp có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu bổ sung các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, trong đó thống nhất quy định về mã các loại đất lâm nghiệp và quy định cụ thể về đất sử dụng cho mục đích bảo vệ, phát triển rừng.