Luật Việc làm năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế. Trong đó, đáng quan tâm là một số quy định, chính sách của Luật Việc làm năm 2013 đã “lỗi nhịp”, không thống nhất với quy định của các văn bản hiện hành có liên quan…
Do đó, việc sửa đổi Luật Việc làm là yêu cầu cấp thiết, nhất là các quy định nhằm tạo điều kiện phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW; tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ việc làm, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các đối tượng yếu thế, đặc thù…
Trưởng phòng Chính sách việc làm (Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Vũ Phạm Dũng Hà cho biết: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Việc sửa luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Việc làm năm 2013, cũng như bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; phù hợp các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết quốc tế trong lĩnh vực việc làm; đồng thời, thực trạng và xu hướng thị trường lao động Việt Nam hiện nay cũng đòi hỏi những yêu cầu mới về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực việc làm.
Trong những năm qua, Quốc hội đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản luật làm thay đổi hoặc phát sinh những vấn đề liên quan tới việc làm, thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực, như: Bộ luật Lao động năm 2019 tiếp tục quy định các vấn đề cốt lõi về lĩnh vực việc làm, bao gồm chính sách lao động, việc làm và giải quyết việc làm; quyền có việc làm của người lao động, quyền tuyển dụng của người sử dụng lao động, tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tạo việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động, chính sách phát triển thị trường lao động, đa dạng các hình thức kết nối cung, cầu lao động; phát triển kỹ năng nghề.
Đồng thời, Bộ luật cũng mở rộng đối tượng cho cả người lao động không có quan hệ lao động, tạo cơ sở cho việc hoàn thiện Luật Việc làm liên quan các quy định về việc làm, nhất là đối với lao động phi chính thức, lao động là người cao tuổi, phát triển kỹ năng nghề. Bên cạnh đó, là các luật mới được sửa đổi, bổ sung như Luật Cư trú năm 2020, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020, Luật Thống kê (sửa đổi, bổ sung năm 2020)… trong đó có các quy định liên quan đến các chính sách hỗ trợ việc làm, các vấn đề điều tra, khảo sát, thu thập, thống kê, cải cách thủ tục hành chính,… cần được rà soát, sửa đổi để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội năm 2023-2024, với nhiều nội dung liên quan về chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm hiện nay đang được trích dẫn theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Mặt khác, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp sẽ bãi bỏ “mức lương cơ sở”.
Tuy nhiên, trong Luật Việc làm có một số nội dung liên quan gắn với “mức lương cơ sở” như: tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định; mức hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực ASEAN và duy trì tăng trưởng vốn FDI ổn định qua nhiều năm, nhưng điều này cũng kéo theo nhu cầu lớn về nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng nghề cao để ứng dụng công nghệ mới và nâng cao năng suất lao động. Trong quá trình hội nhập, để tuân thủ các “luật chơi” chung, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, việc làm đòi hỏi cần điều chỉnh các quy định pháp luật để một mặt phù hợp các công ước, cam kết và thông lệ quốc tế, mặt khác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, người sử dụng lao động Việt Nam.
Trên cơ sở đó, theo Trưởng phòng Vũ Phạm Dũng Hà, một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là nhóm chính sách về quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập. Nhóm chính sách này tập trung vào các nội dung chính: Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động đồng bộ, thống nhất; nâng cao năng lực thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm (công và tư); quản lý nguồn lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động đồng bộ, thống nhất, tập trung, chia sẻ và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia…
Theo thống kê, lực lượng lao động cả nước có khoảng 52,1 triệu người, lao động làm công hưởng lương khoảng 25 triệu người, tuy nhiên chỉ có 17,489 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Vẫn có khoảng 8 triệu lao động làm công hưởng lương không/chưa tham gia bảo hiểm xã hội và gần 35 triệu lao động (2/3 lực lượng cả nước) chưa được nắm thông tin; pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể, trực tiếp điều chỉnh đối với các nhóm lao động này, làm cơ sở hoạch định và triển khai các chính sách hỗ trợ…
Nguồn:https://nhandan.vn/can-sua-doi-dong-bo-thong-nhat-giua-luat-viec-lam-va-cac-luat-lien-quan-post753910.html