Ông đánh giá như thế nào về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trong Dự thảo?
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng:
Tôi cơ bản đồng tình với nguyên tắc này của Dự thảo Luật. Theo tôi, Dự thảo đã thấy được những lỗ hổng, kẽ hở, nhất là những tồn tại, hạn chế của vấn đề này trong thời gian qua và đã có những quy định tháo gỡ.
Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến giá, quy hoạch, các công trình, các dự án, do đó, Dự thảo Luật lần này phải thiết kế theo từng vùng, từng công trình, từng tính chất để thu hồi đất. Còn có những vấn đề khác thì phải để thị trường điều chỉnh và để cho các bên thỏa thuận. Nói chung là phải có một cơ chế vận hành thật tốt tránh khiếu nại, khiếu kiện như trước đây.
Bên cạnh đó, cơ chế thu hồi đất cũng phải mềm, nghĩa là những dự án đã nằm trong quy hoạch phát triển vì lợi ích quốc gia, dân tộc thì nên để Nhà nước thu hồi đất, chứ nếu để doanh nghiệp đứng ra thỏa thuận nhận chuyển nhượng sẽ rất khó, kéo dài thời gian thực hiện Dự án. Tuy nhiên, cũng những vùng chưa cần thiết đến mức Nhà nước phải đứng ra thu hồi thì nên để doanh nghiệp nhận chuyển, tự thỏa thuận. Nói chung là cơ chế này phải vừa phải linh hoạt, vừa tuân thủ đúng quy định pháp luật, đồng thời, phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân cũng như phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của vùng, đất nước.
Ngoài ra, cũng nội dung liên quan tới vấn đề này chưa đưa vào Dự thảo Luật được cũng phải thiết kế theo hướng để Chính phủ quy định bằng Nghị định, Thông tư hướng dân thi hành, cũng như có sự phân cấp, phân quyền cho địa phương để giải quyết hài hòa, bền vững để Luật có cái tính khả thi cao nhất.
Thưa ông, trong 12 triệu lượt đóng góp ý kiến của Nhân dân về Dự thảo Luật đất đai sửa đổi có tới hơn 10 % tập trung vào các nội dung như là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Và các ý kiến đóng góp đều mong muốn này thỏa đáng, minh bạch và công bằng. Vậy theo ông Dự thảo luật đã tiếp thu ý kiến của Nhân dân và xử lý được các bất cập về vấn đề này?
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng:
Tôi ghi nhận, đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu cơ bản các ý kiến. Qua theo dõi, tôi thấy rằng Ban soạn thảo đã cân nhắc, nghiên cứu tiếp thu thể chế trong dự thảo Luật. Đặc biệt, những vấn đề còn ý kiến thì cũng đã nghiên cứu, đề xuất đưa ra một, 2 – 3 phương án để làm sao lựa chọn cái phương án nào tối ưu nhất.
Tuy nhiên cũng có những nội dung không thể đưa vào Dự thảo luật được thì nên giao cho lại Chính phủ hoặc tiếp thu, giải trình hợp lý. Bởi Luật Đất đai là bộ luật hết sức quan trọng liên quan đến hàng trăm luật khác, cho nên không thể cầu toàn và hoàn hảo được. Do đó cần xem xét một cách vừa phải, hợp tình, hợp lý, phù hợp với điều kiện đất nước giai đoạn hiện nay cũng các luật để làm sao luật có tính khả thi và được Quốc hội bấm nút thông, sớm ban hành.