Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) – Trần Thiện Trúc, tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương dài khoảng 40km được đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp được khởi công vào năm 2004 và hoàn thành vào năm 2010. Sau hơn 12 năm khai thác, tuyến cao tốc có lưu lượng phương tiện lưu thông ngày càng tăng cao với lượng xe ước tính trên 50.000 lượt xe/ngày đêm, thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn.
Cao tốc TP.HCM – Trung Lương có lưu lượng phương tiện tăng cao, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe và tai nạn
Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, cao tốc TP.HCM – Trung Lương dừng thu phí khiến lượng phương tiện lưu thông vào tuyến cao tốc ngày càng cao. Từ đó khiến tuyến đường này dần xuống cấp, năng lực thông hành không còn bảo đảm do nhu cầu vận tải lớn, tốc độ lưu thông hạn chế, chỉ khoảng 60-70km/h, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, không bảo đảm việc kết nối đồng bộ với hệ thống cao tốc trong khu vực. Bên cạnh đó, từ ngày 30/4/2022, tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với chiều dài trên 51km chính thức đưa vào khai thác đấu nối vào tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương khiến áp lực giao thông ngày càng lớn cho tuyến cao tốc này.
Trước thực trạng đó, ông Trần Thiện Trúc cho rằng, với quy mô hiện tại, tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương không đáp ứng nhu cầu vận tải. Do đó, việc nghiên cứu, đầu tư mở rộng tuyến cao tốc này rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông trên tuyến, phục vụ phát triển KT-XH không chỉ riêng tỉnh mà còn của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.
Mới đây nhất, Ban Quản lý Dự án (DA) 7, Bộ GTVT có cuộc làm việc với tỉnh để góp ý cho báo cáo tiền khả thi đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương Theo dự kiến, tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương sẽ đầu tư, mở rộng giai đoạn 2 thêm 4 làn xe để đạt quy mô 8 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 120km/h, với tổng mức đầu tư khoảng 9.765 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 của Bộ GTVT. Dự kiến, về thời gian thực hiện, chủ đầu tư sẽ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư hoàn thành trong năm 2023; tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định, quyết định đầu tư hoàn thành trong năm 2024; tổ chức lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, thẩm định, quyết định duyệt thiết kế hoàn thành và tiến tới khởi công trong năm 2025; tổ chức thi công, hoàn thành và đưa DA vào khai thác trong năm 2027.
“Để phục vụ hiệu quả trong phát triển KT-XH, tại cuộc làm việc mới đây, chúng tôi cũng góp ý, kiến nghị với Ban Quản lý DA 7, Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung vào báo cáo tiền khả thi bố trí kinh phí xây dựng đường song hành toàn tuyến; có dự kiến kinh phí để sửa chữa, hoàn trả mặt bằng các tuyến đường trong quá trình thi công DA. Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng kiến nghị với Ban Quản lý DA 7 bổ sung vào báo cáo tiền khả thi việc chỉnh trang, sửa chữa 2 nút giao cao tốc tại huyện Bến Lức (tỉnh Long An) và nút giao TP.Tân An hiện đã xuống cấp sau thời gian không thu phí, bảo đảm mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường. Ngoài ra, khi triển khai giai đoạn 2, tỉnh cũng đề nghị mở thêm đường kết nối tại vị trí qua địa bàn huyện Thủ Thừa nhằm tạo sự kết nối trong thu hút đầu tư” – ông Trần Thiện Trúc cho biết.
Trước đó, tháng 7/2022, UBND tỉnh cũng có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư giai đoạn 2 DA cao tốc TP.HCM – Trung Lương./.
Kiên Định