Sau hơn 1 năm ban hành, Quy hoạch Điện VIII đang được Bộ Công thương dự kiến đề nghị điều chỉnh bởi lo ngại rằng, nhiều nguồn điện được phê duyệt tại Quy hoạch không đáp ứng tiến độ theo kế hoạch đã duyệt, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt điện năng.
Quy hoạch Điện VIII được bắt đầu xây dựng từ ngày 1/10/2019 tại Quyết định số 1264/QĐ-TTg. Sau gần 4 năm kể từ lúc khởi thảo xây dựng, Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt vào ngày 15/5/2023 và sau đó, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch đã được ban hành vào ngày 1/4/2024.
Chắc hẳn, những người quan tâm tới ngành năng lượng vẫn chưa quên rằng, để Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt, Bộ Công thương đã có không dưới 8 tờ trình chính thức, kể từ tờ trình đầu tiên vào ngày 26/3/2021. Tiếp đó, trước khi được ban hành chính thức, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch cũng tốn không ít thời gian và công sức của những bên có liên quan.
Nhưng dù có đủ cả Quy hoạch Điện VIII lẫn Kế hoạch thực hiện, thì các dự án điện vẫn chưa thể triển khai nhanh như mong đợi.
Bộ Công thương, trong các đánh giá thời gian gần đây liên tục cảnh báo về mức độ kém khả thi của mục tiêu được đặt ra cho hai nguồn điện lớn được trông đợi nhiều là điện từ khí và điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Theo đó, có 23 dự án điện khí, với tổng công suất 30.424 MW được đưa vào vận hành đến năm 2030 được đặt ra trong Quy hoạch Điện VIII. Nhưng hiện tại, tình hình đầu tư xây dựng các dự án này còn nhiều thách thức.
Cụ thể, ngoại trừ Dự án Nhơn Trạch 3 và 4 dự kiến vận hành vào tháng 5/2025, khả năng hoàn thành trước năm 2030 với các dự án còn lại là rất khó nếu không có giải pháp căn cơ, tháo gỡ những nút thắt quan trọng cho phát triển điện khí LNG liên quan đến sản lượng huy động tối thiểu, tới chuyển ngang giá khí sang giá điện…
Với các dự án điện gió ngoài khơi, Việt Nam hiện chưa có dự án nào được cấp chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư thực hiện.
Những vấn đề như chưa có bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về khảo sát tốc độ gió, tiềm năng gió từng vùng, địa phương và toàn quốc; hiện trạng địa hình, độ sâu đáy biển, hay chuyện chưa đủ cơ sở xác định được cụ thể vị trí, công suất các dự án điện gió ngoài khơi cũng được đề cập. Bên cạnh đó, là thực tế suất đầu tư cho điện gió ngoài khơi hiện rất lớn (khoảng 2,5 tỷ USD/1.000 MW), thời gian thực hiện từ 6 đến 8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát.
Chính vì thế, mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch Điện VIII đạt 6.000 MW vào năm 2030 là khó khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Như vậy, khả năng thực hiện với riêng hai nguồn điện được trông chờ nhất là điện từ khí và điện gió ngoài khơi, có quy mô hơn 36.000 MW theo kế hoạch vào năm 2030 là không dễ.
Thực tế, các nguồn điện mặt trời hay điện gió trên bờ và gần bờ, dù được đánh giá có tiềm năng, tốc độ triển khai đầu tư nhanh, cũng chỉ diễn ra khi có giá mua điện cố định hấp dẫn. Trong khi đó, hơn 2 năm qua vẫn không có dự án nào kết thúc và ký được hợp đồng mua bán điện khi chuyển sang đàm phán để bán điện kèm theo mà không vượt khung giá trần do Bộ Công thương quy định.
Thực tế trên cho thấy, nếu không có cơ chế rõ ràng và hấp dẫn, thì việc gọi vốn phát triển nguồn điện sẽ không được nhà đầu tư quan tâm. Thậm chí sẽ không dễ nhập khẩu được điện.
Song ngay cả khi giá mua điện cho các nhà đầu tư có độ hấp dẫn, thì cũng phát sinh chuyện mua cao – bán thấp, gây thua lỗ lớn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – nơi đang chịu trách nhiệm chính về mua điện của nhà máy và bán cho hộ tiêu dùng trong nền kinh tế.
Do vậy, giá điện dù gần đây có được điều chỉnh, nhưng lại nhỏ giọt và chưa đủ bù đắp chi phí phát sinh do giá vật tư nhiên liệu thế giới biến động hay tỷ giá thay đổi. Cũng bởi vậy, nếu không có thay đổi mạnh về giá điện và cơ chế cụ thể trong quá trình triển khai dự án điện, thì những nỗ lực như cho phép khởi công nhà máy dù chưa ký Hợp đồng Mua bán điện (PPA) với đơn vị chịu trách nhiệm mua điện hiện nay (là EVN), thì cũng không có nhà đầu tư nào dám triển khai dự án (ngoại trừ Dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4 với sự hậu thuẫn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).
Một khi cả Quy hoạch Điện VIII lẫn Kế hoạch thực hiện còn chung chung về cơ chế, thì việc điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII hay sửa Luật Điện lực sắp tới cũng không đảm bảo chắc chắn rằng, các dự án nguồn điện mới sẽ nhanh được triển khai để hệ thống dư dả nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế với tiêu chí “điện đi trước một bước”.
Nguồn: https://baodautu.vn/co-che-voi-du-an-dien-can-ro-rang-hap-dan-d224527.html