Đây là nhận định được ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đưa ra tại tọa đàm “Thương mại hóa 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh”, do Câu lạc bộ nhà báo ICT (ICT Press Club) tổ chức sáng 26/12 tại Hà Nội.

Theo thông tin từ tọa đàm, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên băng thông rộng và IoT, khi các nhà mạng chính thức triển khai thương mại 5G trên toàn quốc.

Vì vậy, ứng dụng công nghệ 5G sẽ giúp Việt Nam có thể bắt kịp với thế giới trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, cảng biển, khai khoáng, giao thông thông minh…

W-Nguyen Phong Nha.jpg
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) gợi mở các hướng đi cho doanh nghiệp viễn thông khi thương mại hóa 5G tại Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Liên quan đến IoT trong công nghiệp, ông Nguyễn Phong Nhã thấy rằng, mỗi nhà mạng như MobiFone, VinaPhone, Viettel đều đang tìm thị trường riêng của mình, dựa vào hạ tầng đơn vị đã đầu tư để tìm cơ hội tiếp cận, triển khai dịch vụ, đồng thời nhắm đến thị trường ngách, học tập kinh nghiệm nước ngoài để đưa về Việt Nam.

Từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Cục Viễn thông đã có một số gợi mở cho các doanh nghiệp viễn thông.

Thứ nhất, ông Nguyễn Phong Nhã chỉ ra mạng 5G cá thể hóa cho từng đối tượng khách hàng, do đó, doanh nghiệp không chỉ cần đẩy mạnh mối quan hệ với các cơ quan quản lý viễn thông mà còn với tất cả các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực khác. Khi làm như vậy, nhà mạng sẽ biết được chính sách liên quan, nắm được nhu cầu thị trường để có giải pháp cho dịch vụ.

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông dẫn ví dụ, với khu công nghiệp của Việt Nam, khi đưa công nghệ 5G vào, cần thay đổi cách tiếp cận đối với việc mở rộng hay trang bị lại dây chuyền sản xuất.

Điều này đòi hỏi phối hợp giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối (nhà mạng) với doanh nghiệp giải pháp, doanh nghiệp phần mềm.

“Có thể thấy, chúng ta bắt buộc phải hợp tác mới phát triển và có thị trường ngách được. Thị trường ngách đang là nội dung rất mới với doanh nghiệp viễn thông hiện nay”, ông Nguyễn Phong Nhã nói.

Thứ hai, đại diện Cục Viễn thông mong muốn nhà mạng tăng cường tìm hiểu chính sách các ngành nghề, nhu cầu thực tế cũng như giải quyết tận cùng bài toán: đào tạo nghề mới cho những người lao động bị dư thừa khi áp dụng tự động hóa. Làm như vậy, mới có thể góp phần giải quyết bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam.

“Nếu chỉ cung cấp giải pháp tốt hơn mà không nhìn đến tận cùng vấn đề là lao động dư thừa, một số doanh nghiệp chắc chắn ngại ngùng giữa ứng dụng hay không ứng dụng công nghệ”, ông Nguyễn Phong Nhã nêu quan điểm.

Trước câu hỏi làm thế nào để giảm chi phí khi đầu tư mạng 5G, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông chỉ ra, nhà mạng có thể chia sẻ, dùng chung cơ sở hạ tầng đã đầu tư để giảm chi phí.

Ngoài ra, Việt Nam đang có lộ trình dừng công nghệ 3G vào năm 2029, nếu doanh nghiệp thấy 3G đã hoàn thành sứ mệnh thì có thể đẩy nhanh tiến trình. Khi đó, chi phí vận hành, đầu tư giảm xuống và nguồn lực để dành cho thế hệ mạng tiếp theo như 5G, 6G.

Phối hợp, hợp tác cũng là một chủ đề được đại diện nhiều doanh nghiệp đưa ra bàn thảo. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó ban Công nghệ Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT và MobiFone đã ký thỏa thuận chiến lược, chia sẻ hạ tầng. Hai bên đã tiến hành thử nghiệm liên quan đến 4G và tới đây là 5G.

Thỏa thuận giúp tăng khoảng 50% vùng phủ sóng của hai doanh nghiệp. Trong pha đầu tiên, VNPT sẽ triển khai ít nhất 3.000 vị trí và nhanh chóng mở rộng trong giai đoạn tiếp theo.

Ông nhấn mạnh, khi ứng dụng bất kỳ công nghệ mới nổi nào như 5G, IoT, AI, câu chuyện mở rộng hợp tác kết nối giữa các bên gồm nhà mạng, công ty công nghệ, công ty giám sát… là vô cùng quan trọng.

Ông nêu câu chuyện tại Trung Quốc, nhà mạng đóng vai trò như tổng thầu, các bên khác cùng tham gia để hoàn thiện hệ sinh thái.

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone, 5G phải xác định sử dụng cho Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp.

Nhận định công cuộc chuyển đổi số còn thiếu các chuyên gia ngành dọc, ông bày tỏ MobiFone mong muốn hợp tác với doanh nghiệp trong hệ sinh thái 5G, chuyển đổi số để tạo ra môi trường chung, cùng cung cấp giải pháp cho khách hàng B2B.

W-Le Nam Thang.jpg
Ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, chia sẻ tại Tọa đàm  “Thương mại hóa 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh”. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT gợi mở, khi triển khai 5G, các doanh nghiệp phải đưa ra các giải pháp trọn gói, không phải chỉ phủ sóng mạng lưới mà cả thiết bị mạng lưới, cung cấp ứng dụng, giải pháp, đào tạo nguồn lực.

“Khác với thời 3G, mình xây mạng, người dân tự mua thiết bị về dùng. Đây là cơ hội giúp các doanh nghiệp viễn thông truyền thống chuyển thành doanh nghiệp công nghệ”, ông Lê Nam Thắng chia sẻ.