50% đến từ nhà ở
Mới đây, ngày 3/9, Công an huyện Thanh Trì cho biết, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, tổ liên gia, dân phòng, PCCC cơ sở, Công an xã và người dân đã kịp thời phối hợp ngăn cháy lan, cứu hộ tài sản trong đám cháy nhà ở kết hợp kinh doanh tại địa bàn xã Ngũ Hiệp.
Vụ cháy xảy ra tại nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh do ông Nguyễn Văn Đ là chủ (ở thôn Lưu Phái, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì). Ngay sau khi người dân phát hiện xảy cháy đã báo cho lực lượng tổ liên gia, dân phòng, PCCC cơ sở, Công an xã. Nhanh chóng có mặt phối hợp lực lượng tại chỗ cùng người dân, Công an xã dùng bình chữa cháy xử lý nhưng do đám cháy có nhiều bìa carton nên không hiệu quả.
Ngay sau khi nhận được tin xin chi viện từ lực lượng cơ sở, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an huyện Thanh Trì) đã điều động phương tiện đến hỗ trợ, ngăn cháy lan và di chuyển tài sản. Vụ cháy không thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản không đáng kể, chủ yếu một số bìa vỏ hộp carton để đựng bánh, kẹo.
Được biết quy mô diện tích công trình là nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh diện tích khoảng 200m2 gồm 2 tầng chiều cao 7,5m. Khu vực cháy tại tầng 1 có diện tích khoảng 9m2 chứa đồ dụng cụ, nguyên liệu làm bánh. Chủ nhà đã trang bị đầy đủ phương tiện bình cứu hoả và được tập huấn, trang bị kỹ năng về PCCC.
Theo đại diện Viện Khoa học công nghệ xây dựng Việt Nam (IBST) nhìn nhận, thực tế thời gian qua, đã xảy ra rất nhiều vụ cháy nhà, để lại hậu quả thảm khốc như cháy nhà trọ số 1 ngõ 43/98/31 phố Trung Kính (quận Cầu Giấy) ngày 24/5, làm 14 người chết. Xa hơn nữa, năm 2023, rạng sáng ngày 13/9/2023, cháy chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân) làm chết 56 người và ngoài ra, còn rất nhiều vụ cháy nhỏ khác cũng gây chết người…
Các nhà hiện hữu rất đa dạng về loại hình và nguy hiểm về cháy, đặc biệt là những nhà hiện hữu vi phạm yếu tố căn bản về cháy như thoát nạn, ngăn cháy lan, trong đó nguy hiểm nhất là nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh.
Đại đa số người dân ở trong những khu nhà này sống chung với lửa. Có nghĩa là, nhà chỉ có một mặt tiền, không có lối thoát nạn thứ 2, cầu thang trong nhà hở và kết hợp kinh doanh ở tầng 1, các tầng trên bịt kín, nên khi có cháy, không có đường để chạy ra khỏi nhà. Đây là những điểm đặc biệt nguy hiểm của nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh.
Các tồn tại về PCCC thường rất khó khắc phục, vì nhà đã xây thang nằm bên trong, kinh doanh bên ngoài, không thể bịt được thang để chuyển từ thang hở thành thang kín, nhất là đối với nhà mặt tiền nhỏ; hay không thể dẹp kinh doanh vì ảnh hưởng đến cuộc sống; hay để ngăn chặn cháy lan, phải đóng tường để ngăn khu kinh doanh và khu ở, nhưng không phải nhà nào cũng làm được…
Thứ ba, thời gian vàng để thoát nạn chỉ có khoảng 5 phút đầu tiên, tối đa là 10 phút. Vì trong 5 phút đầu, đám cháy còn đang phát triển chậm, lúc này thoát nạn còn chưa nguy hiểm. Khi cháy đã cháy trên 5 – 10 phút, thì lượng khói ra rất lớn – là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Các vụ cháy gần đây, tuyệt đại đa số đều chết do khói, không phải do tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa.
Cần khoanh vùng từng đối tượng
TS Cao Duy Khôi – Phó Viện trưởng IBST nhìn nhận, từ khi ban hành Luật PCCC số 27/2001/QH10 cho đến thời điểm này, về cơ bản chưa xử lý được rốt ráo vấn đề công trình hiện nữu vi phạm quy định PCCC. Vì thực tế nhiều công trình rất khó hoặc không có khả năng khắc phục để bảo đảm yêu cầu về PCCC.
Ngoài ra, cũng có yếu tố khách quan, hạ tầng nhiều nơi không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Thực trạng của các đô thị ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là ở các đô thị lớn, nhất là các nhà trong ngõ, gần như không thể đáp ứng điều kiện về giao thông, cấp nước chữa cháy.
Nhưng nếu đình chỉ hoạt động công trình thì ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Người trong tất cả chung cư mini không có chỗ ở; người dân không còn kế sinh nhai, đây là vấn đề cực kỳ khó khăn đặt ra cho cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Bộ Xây dựng, Bộ Công an trong thời gian vừa qua.
Về giải pháp, theo lãnh đạo IBST, cần có quy định ứng xử riêng cho các đối tượng công trình hiện hữu nhà ở riêng lẻ; phải có quy định riêng trên cơ sở nguyên tắc giảm bớt yêu cầu an toàn cháy, chỉ giữ lại những nội dung cốt lõi và có thể kèm thêm điều kiện vận hành hạn chế, các vấn đề về cải tạo, sửa chữa.
Đồng thời, cần có chính sách thay đổi dần mô hình nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh, tách bạch nhà để ở, kinh doanh là kinh doanh; tách bạch các khu vực để ở, để kinh doanh. Nếu tiếp tục tình trạng nửa ở, nửa kinh doanh rất khó để PCCC. Về kỹ thuật, nguyên tắc cần đảm bảo ưu tiên thoát nạn cho người từ trong nhà ra ngoài; ngăn chặn cháy lan, khói lan; cảnh báo cháy sớm, nhằm đẩy nhanh thời gian con người biết cháy sớm để có di chuyển thoát nạn.
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) tán thành rất cao với nội dung về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh quy định “khu vực kinh doanh có nguy cơ cháy nổ phải được ngăn cách với khu vực để ở”. Bởi thực tế ở một số vụ cháy vừa qua, giữa khu vực kinh doanh và nhà ở không có sự ngăn cách nên khi xảy ra cháy gây hậu quả lớn.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị phải tính lộ trình như thế nào cho phù hợp, sớm hoàn thiện dự án luật để bảo đảm những điều luật khi vào thực tiễn dễ áp dụng, chặt chẽ, có tính răn đe với chủ kinh doanh các công trình.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/can-phan-loai-cong-trinh-hien-huu-de-co-yeu-cau-rieng-ve-pccc.html