Phân biệt điểm sàn xét tuyển và điểm chuẩn trúng tuyển được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Chọn ngành học cho tương lai: Những thông tin mới về xét tuyển 2024” do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 19.4.
Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, Fanpage facebook, kênh YouTube, Tik Tok Báo Thanh Niên.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing, cho biết năm nay trường có 6 phương thức xét tuyển. Hiện nay trường vừa có thông báo về việc nhận hồ sơ cho 5 phương thức xét tuyển sớm từ ngày 22.4 (trừ phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT), trong đó có ngưỡng điểm sàn xét tuyển.
Cụ thể, phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM trường nhận hồ sơ từ 700/1.200 điểm. Với phương thức 3 xét học bạ, điểm nhận hồ sơ từ mức 18. Riêng phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi V-SAT và kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường sẽ công bố trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thạc sĩ Phụng lưu ý: “Thí sinh cần lưu ý phân biệt giữa điểm sàn xét tuyển và điểm chuẩn trúng tuyển. Trong đó, điểm sàn là mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ, từ thực tế thí sinh đăng ký hội đồng tuyển sinh các trường mới xác định điểm chuẩn trúng tuyển từng ngành. Có trường hợp trường công bố điểm chuẩn bằng mức điểm sàn nhưng nhiều ngành ở nhiều trường điểm chuẩn cao hơn điểm sàn. Thí sinh cần theo dõi thông tin cụ thể từng trường, tránh tình trạng bị nhầm lẫn giữa 2 ngưỡng điểm này”.
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho biết những năm trước đây điểm chuẩn các ngành của trường thường bằng hoặc cao hơn 1-2 điểm so với sàn, có những ngành điểm chuẩn 18 nhưng có ngành 19-21 điểm. Riêng với khối ngành khoa học sức khỏe, thí sinh cần lưu ý ngưỡng điểm sàn theo quy định chung của Bộ GD-ĐT.
Nhiều ngành học mới
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm nay sử dụng 4 phương thức xét tuyển. Trong đó, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng thực hiện theo quy định chung của Bộ GD-ĐT. Xét học bạ và xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội là các phương thức xét tuyển sớm. Năm nay, trường có 5 ngành học mới.
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cũng có một số ngành và chuyên ngành mới: quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, công nghệ giáo dục, chuyên ngành thiết kế đồ họa…
Trong số 63 ngành tuyển sinh năm nay của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, có 7 ngành mới. Theo ông Võ Ngọc Nhơn, các ngành mới được mở ra đáp ứng nhu cầu thiết yếu về chuyển đổi số, công nghệ số; những ngành có sự giao thoa giữa các ngành khác với công nghệ thông tin.
Tương tự, ông Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết trong đợt 1 xét tuyển bằng học bạ trường đã công bố ngưỡng điểm đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) các ngành từ 18-24 điểm. Trong đó, các ngành khoa học sức khỏe trường đang đào tạo gồm: dược học, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học… Hiện nay trường đang trong giai đoạn nhận hồ sơ xét tuyển thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, với mức điểm sàn từ 670-750 điểm tùy ngành.
Thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cũng cho biết sau đợt đầu tiên kết thúc nhận hồ sơ vào ngày 31.1, trường đã đưa ra mức điểm đủ điều kiện trúng tuyển (điểm chuẩn) có ngành cao hơn điểm sàn từ 1-1,5 điểm. “Năm nay khung điểm chuẩn của trường sẽ cao hơn các năm trước”, thạc sĩ Trắng dự báo.