Tiếng nói là của cải vô cùng quý báu của mỗi dân tộc, là sự thể hiện cốt cách, bản lĩnh, tâm hồn và sức sống trường tồn của một dân tộc. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là công việc lâu dài, có nhiều khó khăn, phức tạp và phải làm thường xuyên, liên tục.
(Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet)
Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta rất coi trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi ban hành các chủ trương, chính sách, cùng với việc quan tâm đến nội dung, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng đến câu chữ làm sao để các chủ trương ấy đến với người dân dễ đọc, dễ hiểu và dễ thực hiện.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ IX Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã nêu: “Phát triển đi đôi với giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; khắc phục tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác đã hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”. Hay như trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946 và sau này, trong tất cả bài nói chuyện, bài viết của Bác đều rất ngắn gọn, giản dị, trong sáng, mọi thành phần, lứa tuổi ai nghe, ai đọc cũng hiểu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Tiếng nói là một thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phát triển ngày càng rộng khắp”.
Hiện nay, chúng ta đang hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện và sâu sắc. Ai cũng biết, muốn hội nhập tốt, cần rất nhiều các điều kiện cả chủ quan và khách quan. Trong đó, có điều kiện rất quan trọng là phải biết ngoại ngữ. Biết ngoại ngữ để làm việc, nghiên cứu về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội để tiếp cận tốt hơn với công nghệ hiện đại của các nước, từ đó mà hội nhập tốt hơn, góp phần làm cho đất nước phát triển.
Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, chúng ta đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp toàn diện, xuất sắc. Có nhiều nguyên nhân để có được kết quả tốt đẹp ấy, trong đó phải kể đến đóng góp quan trọng của việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Tuy nhiên, trong thời gian qua và hiện nay, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt có lúc, có nơi ở một số lĩnh vực chưa thật sự được quan tâm và coi trọng. Cách thức dùng các từ, ngữ; diễn đạt trong một câu, một đoạn văn hoặc một số nội dung hoạt động các chương trình còn tùy tiện cả trong nói và viết. Dù tiếng Việt của chúng ta rất phong phú và thừa sức biểu cảm, nhưng một số người vẫn sính dùng tiếng nước ngoài. Chẳng hạn như một số trường học mầm non của chúng ta vẫn đặt tên trường là: Vietkids, Happy Home… Hay như một số hàng hóa do người Việt Nam sản xuất, nguyên liệu của Việt Nam, công nghệ của Việt Nam, nhưng đều lấy tên, nhãn mác hàng hóa đọc rất khó hiểu. Hay một số tên thuốc trong các cửa hàng dược; một số mặt hàng nước ta sản xuất được bày bán trong các trong các siêu thị. Rồi tên một số các doanh nghiệp viết tắt không ra viết tắt, dùng tiếng nước ngoài không ra tiếng nước ngoài…
Những từ ngữ nêu trên, tiếng Việt và ngôn ngữ tiếng Việt của chúng ta có khả năng và thừa sức diễn tả được, giúp người nghe ai cũng dễ hiểu tại sao ta lại không dùng?
Đất nước ta hiện nay còn khoảng 75% người dân làm nông nghiệp và sống ở nông thôn, đời sống văn hóa, tinh thần có được nâng lên thật, nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện để tiếp nhận các thông tin như thế.
Để góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn, nên chăng: Cần có quy định chung trong khi nói và viết tất cả phải dùng tiếng Việt. Trường hợp đặc biệt, những nội dung mà ngôn ngữ Việt không diển tả được mới phải vay mượn tiếng nước ngoài. Phải có sự thống nhất chung khi dịch và dùng từ nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hàng hóa do nước ta sản xuất 100%, các cơ quan, trường học của ta thành lập cũng 100% thì khi quảng cáo hoặc dùng biển hiệu phải dùng tiếng Việt; hàng hóa sản xuất liên doanh, liên kết với nước ngoài được phép viết tắt nhưng cũng phải có giải thích sau từ viết tắt. Phải có quy định khen, chê, thưởng, phạt với cá nhân, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt và chưa tốt trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Tiếng Việt của chúng ta rất giàu và đẹp, là thứ của cải vô cùng phong phú do cha ông ta đấu tranh, gìn giữ hàng ngàn năm mới có được. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng chính là thể hiện lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, là việc làm thiết thực trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tào Khắc Thắng