(Baonghean.vn) – Đối thoại với lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên cấp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, để đạt mục tiêu phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX cần sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp.
Sáng 11/5, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức hội nghị đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên trong khối các cơ quan tỉnh năm 2023 với chủ đề: “Khát vọng – Trách nhiệm – Đổi mới – Phát triển”.
Các đồng chí: Thái Thanh Quý – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy đồng chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các Ban, Văn phòng Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo các Đảng ủy trực thuộc và hơn 800 đại biểu là lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên tại điểm cầu cấp tỉnh cùng hơn 5.000 cán bộ, đảng viên khối các cơ quan tỉnh tham dự tại 33 điểm cầu trực tuyến.
Toàn cảnh hội nghị đối thoại. Ảnh: Thành Cường |
THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN, PHÁT TRIỂN CÓ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM
Mở đầu hội nghị đối thoại, nhắc lại mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX cùng với sự quan tâm của Trung ương khi ban hành một số Nghị quyết cho tỉnh, song đồng chí Đặng Văn Hải – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục cho rằng, sự phát triển của Nghệ An chưa đạt như kỳ vọng.
“Đề nghị Thường trực Tỉnh ủy trao đổi làm rõ các cơ sở cho sự phát triển của tỉnh, những lĩnh vực ưu tiên và giải pháp trong thời gian tới”, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục đặt vấn đề.
Đồng chí Đặng Văn Hải – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục trao đổi nội dung về mục tiêu phát triển của tỉnh. Ảnh: Thành Cường |
Nhấn mạnh câu hỏi trên là trăn trở không chỉ của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mà của cả hệ thống chính trị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, mục tiêu phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh được xác định là khó. Nguyên nhân, Nghệ An đang là tỉnh còn nhiều khó khăn.
Hiện tỉnh đang phát triển trên nền tảng, cơ cấu kinh tế tương đối đều trên 3 khu vực kinh tế: nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ. Cơ cấu này có tính ổn định, bền vững nhưng không có tính đột phá, nên tỉnh khó đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh.
Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổng kết Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, tỉnh đề xuất, xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 42-42,5%; dịch vụ chiếm 39 – 39,5%; nông nghiệp chiếm 13,5 – 14%.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị nâng cao trách nhiệm, ý thức, đạo đức cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Ảnh: Thành Cường |
Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, bên cạnh việc tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, hiện tỉnh đang hoàn thiện Quy hoạch tỉnh. Vì đây là những nội dung cốt lõi, cơ bản, tạo nền tảng cho sự phát triển tỉnh.
Tỉnh xác định quan điểm phát triển có trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên. Trong đó, phát triển 2 khu vực động lực tăng trưởng gồm thành phố Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An mở rộng. Đồng thời, phát triển bền vững khu vực miền Tây, phát huy lợi thế, tiềm năng khu vực này.
Tỉnh cũng sẽ ưu tiên tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng, đặc biệt là cảng nước sâu Cửa Lò và mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Vinh. Cùng đó, tháo gỡ điểm nghẽn về cải cách hành chính. Đây là quan điểm xuyên suốt của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Cải cách hành chính giúp tỉnh thay đổi điều kiện phục vụ cho người dân, doanh nghiệp, qua đó tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị đối thoại. Ảnh: Thành Cường |
Các ngành, lĩnh vực phát triển trong thời gian tới, gồm: Phát triển công nghiệp, trọng điểm là công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ. Phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ giáo dục và đào tạo, y tế. Phát triển du lịch dựa trên 3 loại hình: du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái gắn với cộng đồng. Phát triển nông nghiệp với sản phẩm chủ lực, ứng dụng công nghệ cao. Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh. Ngoài ra, xây dựng các khu công nghiệp, hình thành các đô thị để tạo động lực cho tỉnh.
TĂNG CƯỜNG ĐÀO TẠO ĐỂ ĐÁP ỨNG NHU CẦU NGUỒN NHÂN LỰC
Quan tâm đến nguồn nhân lực của tỉnh, đồng chí Hồ Văn Quỳnh – Trưởng phòng Công nghiệp, Văn phòng UBND tỉnh cho rằng, nguồn lao động Nghệ An dồi dào song chất lượng lao động phổ thông chưa cao, lao động có tay nghề còn hạn chế.
Dự báo thời gian tới sẽ thiếu nguồn lao động đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thường trực Tỉnh ủy có các giải pháp như thế nào để lãnh đạo hệ thống chính trị khắc phục tình trạng trên?.
Đồng chí Hồ Văn Quỳnh – Trưởng phòng Công nghiệp, Văn phòng UBND tỉnh đặt câu hỏi về giải pháp nâng cao nguồn nhân lực tỉnh. Ảnh: Thành Cường |
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, Nghệ An là tỉnh đông dân, nguồn lao động có khoảng 1,6 triệu người. Tuy nhiên, lao động phổ thông chiếm tỷ trọng lớn, tỷ lệ qua đào tạo chỉ có 60-70%, lao động qua đào tạo có chứng chỉ có 27%.
Hiện nay nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn là rất lớn, khoảng hơn 80.000 – 100.000 lao động. Tuy nhiên, hàng năm tỉnh chỉ cung cấp được khoảng 45.000 lao động, trong đó số lượng lao động có tay nghề cao chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị nâng cao trách nhiệm, ý thức, đạo đức cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Ảnh: Thành Cường |
Nhấn mạnh giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, phải tăng cường công tác đào tạo; phát huy các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu; tập trung phối hợp, kết hợp giữa nhà đầu tư và các cơ sở đào tạo để đào tạo theo nhu cầu; tổ chức các hoạt động kết nối cung – cầu lao động, hình thành các trung tâm phát triển thị trường lao động, đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư khi triển khai đầu tư dự án trên địa bàn trong thời gian tới.
THÁO GỠ NÚT THẮT TRONG KHÂU TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Quan tâm đến công tác cải cách hành chính, đồng chí Phan Nguyễn Quốc Khánh – Chánh Văn phòng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho rằng, những kết quả phát triển kinh tế – xã hội, những tồn tại, điểm nghẽn trong thời gian qua đều có liên quan đến công tác cải cách hành chính.
Quan điểm của Thường trực Tỉnh uỷ đối với nhận định trên như thế nào? Đâu là điểm nghẽn lớn nhất trong công tác này và quyết tâm chính trị của Thường trực Tỉnh ủy trong thời gian tới?.
Đồng chí Phan Nguyễn Quốc Khánh – Chánh Văn phòng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đặt câu hỏi về công tác cải cách hành chính. Ảnh: Thành Cường |
Trao đổi vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, Thường trực Tỉnh uỷ thống nhất đánh giá, trong thời gian qua công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Thể hiện qua việc các chỉ số: PCI, PAR INDEX, SIPAS đều có sự tăng bậc. Mặt khác, nỗ lực đó cũng thể hiện qua kết quả thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn FDI khi năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, Nghệ An lọt top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, kết quả tích cực này sẽ không được duy trì nếu chúng ta không tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trả lời các câu hỏi của đại biểu. Ảnh: Thành Cường |
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trong cải cách hành chính, điểm nghẽn hiện nay không phải là chủ trương, chỉ đạo mà chính là khâu tổ chức thực hiện. Thực tế, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ chưa hết trách nhiệm; thái độ, ý thức chưa cao, đặc biệt là những vị trí tiếp xúc nhiều với người dân, doanh nghiệp; trách nhiệm người đứng đầu, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt.
Các đại biểu tham dự hội nghị đối thoại. Ảnh: Thành Cường |
Giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, các thành viên trong Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh sẽ chỉ đạo đối với từng ngành, địa phương, địa bàn. Tuy nhiên, mong muốn của Thường trực Tỉnh uỷ là cải cách hành chính phải gắn liền với việc nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức của từng cán bộ, công chức, viên chức; cùng với lãnh đạo tỉnh gánh vác trách nhiệm chung.
Lãnh đạo tỉnh không muốn tạo ra sức ép, gây áp lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhưng yêu cầu trong cải cách hành chính phải đúng tinh thần: nhanh – đúng – hiệu quả; trong giải quyết thủ tục hành chính phải hạn chế giải thích, giải trình, tăng cường giải pháp, giải quyết.
Bên cạnh đó, quan điểm của tỉnh sẽ xử lý nghiêm những cán bộ có sai phạm, vi phạm, nhưng cũng sẽ có giải pháp động viên, quan tâm những cán bộ năng động, sáng tạo, trách nhiệm để công tác cải cách hành chính có chuyển biến tốt hơn, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.