Bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ cho rằng, thời hiện đại, phụ nữ phải đối mặt với nhiều loại thông tin mang tính định kiến giới như nuôi dạy con cái, chăm lo gia đình, chăm sóc sắc đẹp hay xây dựng năng lực…
Bà Ngô Thị Thu Hà cho rằng, phụ nữ chịu nhiều áp lực trong vòng xoáy thông tin mang tính định kiến. (Ảnh: NVCC) |
Thế giới ngày càng mở, với sự lên ngôi của công nghệ, bà đánh giá như thế nào về vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại số?
Ở thời đại nào, dù trực tiếp hay gián tiếp, phụ nữ Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng gia đình và phát triển kinh tế – xã hội.
Trên bình diện quốc tế và tuy số lượng không nhiều nhưng phụ nữ Việt Nam đã và đang giữ những vị trí quan trọng, từ lĩnh vực kinh tế, chính trị, đối ngoại đến an ninh quốc phòng, bao gồm gìn giữ hoà bình và thúc đẩy ngoại giao nhân dân. Dù ở lĩnh vực nào, ngoại giao, kinh tế hay văn hóa, nước ta đều có những người phụ nữ xuất sắc.
Chúng ta cũng có các nữ sĩ quan quân đội và công an tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc. Ngoài ra, không thể không kể đến lãnh đạo các tổ chức xã hội đã, đang tham gia các diễn đàn quốc tế để lên tiếng cho các vấn đề an sinh xã hội, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, một lực lượng lớn nữ sinh viên đang học tập ở trong và ngoài nước hay lao động nữ trong các doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức cũng đang trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào tiến trình hội nhập này.
Phụ nữ Việt đang ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình trong thời kỳ hội nhập quốc tế?
Thế giới mở và yếu tố công nghệ giúp cho quá trình hội nhập diễn ra một cách sâu rộng. Việt Nam chủ trương hội nhập trên nhiều lĩnh vực, bao gồm bình đẳng giới và bảo vệ quyền phụ nữ. Do đó, phụ nữ có cơ hội để tham gia vào tiến trình này nhưng gặp rất nhiều thách thức từ cả khách quan và chủ quan.
Chúng tôi vẫn thường nói với nhau đây là khoảng thời gian bất định với toàn thế giới, từng quốc gia và mỗi cá nhân. Chúng ta vừa trải qua đại dịch Covid-19 thì lại chứng kiến xung đột quân sự giữa một số nước làm cho mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân đều phải tính toán lại kế hoạch của mình.
Theo quan sát của tôi, dù gặp một số khó khăn chung nhưng nam giới đang tận dụng tốt hơn những cơ hội về chính sách, vốn và công nghệ so với phụ nữ. Việt Nam vẫn cần một số chính sách có nhạy cảm giới và nguồn lực nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy hết tiềm năng, tận dụng các lợi thế và phòng tránh các rủi ro trong quá trình hội nhập.
Vì sao tôi nói như vậy? Việc tham gia hội nhập ít nhất cần những kiến thức và kỹ năng nhất định. Để người dân có được những kiến thức và kỹ năng này, Nhà nước phải ban hành chính sách có nhạy cảm giới và phân bổ một nguồn lực nhất định để thực hiện các chương trình đào tạo cho phụ nữ. Hơn nữa, cần những cơ chế đặc thù để phụ nữ có thể tiếp cận các nguồn vốn và công nghệ, tạo diễn đàn để phụ nữ có thể tham gia.
Trong khi Việt Nam có tỷ lệ cao phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động so với các nước trong khu vực, nhưng nhìn chung, phụ nữ lại có kỹ năng thấp dẫn đến năng suất lao động thấp, thu nhập thấp, dẫn tới tích luỹ vốn thấp. Bên cạnh đó, một tỷ lệ lớn phụ nữ vẫn phải gánh chịu bạo lực gia đình từ người bạn đời hay phải gánh vác công việc chăm sóc nuôi dưỡng người thân không được trả công mà ít có sự chia sẻ từ các thành viên gia đình. Do đó, phụ nữ khó có thể tận dụng hết các cơ hội trong quá trình hội nhập.
Nhưng cần khẳng định rằng, việc chưa tận dụng hết cơ hội không đến từ sự yếu kém mang tính nội tại của phụ nữ. Cần có các chính sách cụ thể để xây dựng năng lực, tăng cường các dịch vụ chăm sóc trẻ em và người cao tuổi hay thúc đẩy vai trò của nam giới trong chăm sóc, nuôi dưỡng các thành viên của gia đình.
Có tiêu chí nào dành cho phụ nữ hiện đại hay không, thưa bà?
Tôi nghĩ, thật khó để đưa ra những tiêu chí chung dành cho mọi phụ nữ vì mỗi người đều có xuất phát điểm, khả năng, mục tiêu và sự lựa chọn riêng của mình. Tuy nhiên, theo tôi, cần tạo ra các cơ hội bình đẳng để phụ nữ tham gia các chương trình đào tạo trong những lĩnh vực khác nhau, đặc biệt trong ngoại giao, quốc phòng, an ninh và ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao trong nền kinh tế. Đồng thời, cần giới thiệu, bổ nhiệm phụ nữ vào nhiều vị trí lãnh đạo thì sẽ có nhiều phụ nữ tham gia vào tiến trình hội nhập của quốc gia.
Ở góc độ cá nhân, một tinh thần cởi mở để chấp nhận những quan điểm và kiến thức mới, sự khoan dung với những điều khác biệt cùng với sự cầu thị, ham học hỏi luôn là những yếu tố cần thiết với bất kỳ ai có mong muốn tham gia vào tiến trình hội nhập. Chấp nhận thách thức và có các phương án dự phòng, xử lý rủi ro cũng là một trong những yêu cầu quan trọng đối với mỗi người, trong đó có phụ nữ thời công nghệ.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho phụ nữ nhiều thông tin để tìm kiếm các cơ hội. (Ảnh: Thu Hà) |
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cho phụ nữ nhiều cơ hội để phát triển toàn diện về cả trí tuệ, sức khỏe, năng lực. Hẳn là, để không bị cũ đi, phụ nữ thời công nghệ cũng phải “làm mới mình”?
Thực tế, Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho phụ nữ nhiều thông tin để tìm kiếm các cơ hội, xây dựng năng lực, củng cố mạng lưới, thậm chí điều phối công việc. Công nghệ thông tin hiện đại cho phép phụ nữ mở rộng phạm vi ảnh hưởng với chi phí thấp hơn. Công cuộc chuyển đổi số cũng mang lại cho phụ nữ những cơ hội nhất định nhằm quản trị công việc của mình tốt hơn.
Tuy nhiên, thời đại hội nhập, phát triển công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin cũng mang lại cho phụ nữ nhiều thách thức. Vẫn là công việc gia đình, chăm sóc con cái và lao động tìm kiếm thu nhập hay tham gia các hoạt động xã hội nhưng thời nay, những công việc này chiếm rất nhiều thời gian và trí lực của phụ nữ.
Thời đại bùng nổ thông tin, nếu không có cách xử lý tốt thì bản thân thông tin đa chiều và độc hại cũng ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tinh thần của phụ nữ. Bản thân phụ nữ phải đối mặt với nhiều loại thông tin mang tính định kiến giới như nuôi dạy con cái, chăm lo gia đình, chăm sóc sắc đẹp hay xây dựng năng lực, phát triển kinh doanh mà không dễ chọn những kênh thông tin phù hợp với mình.
Chưa kể, những thông tin ở tầm vĩ mô hay luật pháp, chính sách liên quan đời sống và công việc buộc phụ nữ phải tiếp cận và xử lý liên tục. Những tin tức, hình ảnh chứa đựng bạo lực hay bất ổn trên thế giới cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phụ nữ.
Do đó, nếu phụ nữ có thể làm chủ được thông tin có trong máy tính hay điện thoại của mình sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống và công việc. Ngược lại, nếu để cho thông tin làm chủ sẽ ảnh hưởng đến quỹ thời gian, sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến việc tận dụng các cơ hội đến với bản thân.
Bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế về việc thúc đẩy phụ nữ tham gia hội nhập toàn cầu?
Mỗi quốc gia đều đưa ra chương trình nghị sự của mình để bảo đảm phụ nữ có thể tham gia hội nhập một cách bình đẳng. Một số nước đã có những chính sách rất cụ thể để bảo đảm phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các diễn đàn quốc tế.
Ví dụ, cho đến năm 2022, một số quốc gia như Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Đức, Mexico, Luxembourg và Chile đã ban hành chính sách ngoại giao nữ quyền (feminist foreign policy). Libya, Mỹ, Hà Lan, Bỉ và Anh đang thảo luận để ban hành chính sách tương tự. Trong số những nước này, một số đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Việt Nam đã có một số cuộc thảo luận về xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Tôi hy vọng bản kế hoạch hành động sớm được thông qua nhằm thể hiện cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới và thúc đẩy quyền phụ nữ. Qua đó, phụ nữ có thêm cơ hội để tham gia vào các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Trong giai đoạn từ 2017 – 2022, 14 nước ở Trung Đông và Bắc Phi đã ban hành một số quy định pháp luật mang tính cải cách nhằm tăng số lượng phụ nữ tham gia thị trường lao động. Những cải cách này bao gồm xóa bỏ hạn chế tuyển dụng phụ nữ, quy định về trả lương công bằng, cấm phân biệt đối xử trên cơ sở giới trong tiếp cận tín dụng, bảo vệ phụ nữ khỏi quấy rối tình dục ở nơi làm việc.
Các sáng kiến chính sách trên gắn chặt với những thay đổi pháp luật về gia đình và hệ thống an sinh xã hội cũng như thách thức vai trò giới truyền thống. Từ đó, phụ nữ có thể tham gia nhiều hơn vào quá trình hội nhập.
Việt Nam đã có những chính sách tương tự từ nhiều năm nhưng chúng cần được đánh giá và điều chỉnh để phù hợp với một nền kinh tế ở quy mô trung bình trên toàn cầu và chủ trương hội nhập sâu rộng về kinh tế.
Xin cảm ơn bà!