Theo kế hoạch, 2 năm nữa dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ khởi công. Để đào tạo 1 kỹ sư cần tới 7- 8 năm, do đó có ý kiến cho rằng cần tính đến nhập khẩu lao động chất lượng cao.
Sau gần 20 năm nghiên cứu, tại kỳ họp thứ 8 khóa 15, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam tiếp tục được trình Quốc hội về chủ trương đầu tư.
Trước đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Bộ Chính trị, Chính phủ đã thống nhất chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và yêu cầu huy động mọi nguồn lực để triển khai.
Với nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2030 đạt 430 tỷ USD, gần gấp 3 lần so với năm 2010, nợ công ở mức thấp khoảng 37% GDP, đây được xem là thời điểm chín muồi để tiến hành xây dựng.
Dự án dự kiến triển khai xây dựng vào năm 2027, hoàn thành vào năm 2035 với chiều dài 1.541km. Theo thiết kế, tốc độ tàu 350 km/h, giúp thời gian đi từ Hà Nội đến TPHCM hết 5,5 giờ, tiết kiệm thời gian 6 lần so với tàu hỏa thông thường.
Cần gần 14 nghìn nhân sự quản lý, vận hành, bảo trì
Với quy mô kỹ thuật, nguồn vốn lớn nhất từ trước đến nay, Bộ GTVT cho biết dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam cần khoảng 14 nghìn nhân sự quản lý, vận hành, bảo trì.
Để bảo đảm nguồn nhân lực triển khai dự án tuyến đường sắt tốc độ cao nói riêng, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực đường sắt.
Trong đó, đề xuất chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo 3 loại hình: Đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài, kết hợp đào tạo trong và ngoài nước.
Báo cáo đã tính toán chi phí cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoảng 486 triệu USD, bao gồm 340 triệu USD để đào tạo 13.880 nhân sự quản lý, vận hành, bảo trì và 8 triệu USD để đào tạo 700 nhân sự cho cơ quan quản lý dự án…
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu ý kiến, cần có cơ chế, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực và chuẩn bị mọi điều kiện để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia.
“Mong muốn là các doanh nghiệp và nguồn nhân lực trong nước sẽ làm chủ. Đây là chủ trương rất rõ. Vấn đề là chúng ta cần có chiến lược và cơ chế linh hoạt để thực hiện điều này”, ông Phan Đức Hiếu nói.
Liên quan đến nhân lực tham gia dự án, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, đơn vị đã chủ động hợp tác với các trung tâm đào đạo, cấp văn bằng, chứng chỉ cho kỹ sư đường sắt.
Còn đại diện tập đoàn Đèo Cả cũng đã sớm có những bước đi cụ thể, chuẩn bị cả nhân sự trong nước và nước ngoài. Theo đó, tập đoàn đã hợp tác với các đối tác quốc tế để tham quan, học hỏi, đào tạo đồng thời để thu hút các chuyên gia về đào tạo cho chính nhân sự của mình.
Với nhân sự trong nước, tập đoàn cũng đã phân tách rõ các bậc nhân sự. Với cấp bậc kỹ sư, tập đoàn đã thành lập Viện nghiên cứu của tập đoàn để chuẩn bị nguồn nhân sự. Đến nay đã khai giảng 2 khóa về đường sắt với 200 kỹ sư.
Đối với công nhân hiện trường, ngay tại các dự án trải dài trên cả nước, tập đoàn đã thành lập các trung tâm huấn luyện thực hành, với mục tiêu là đào tạo nhân công phổ thông thực chiến ngay tại công trường, gắn bó với các dự án đường bộ Bắc – Nam sau đó tiến tới đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Cần tính tới chuyện nhập khẩu lao động chất lượng cao
Dưới góc nhìn của một đơn vị có nhiều năm gắn bó với các công trình đường sắt, ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC) nhấn mạnh, nguồn lực và thiết bị là hai vấn đề cần chuẩn bị cho dự án đường sắt tốc độ cao.
Theo chủ trương, chúng ta định hướng doanh nghiệp Việt phải đứng đầu thực hiện dự án, nhưng ông Phương nêu thực trạng các doanh nghiệp chưa có kiến thức, chứng chỉ trong khi chỉ còn 2 năm nữa dự án bắt đầu khởi công.
“Để đào tạo kỹ sư đại học cần tới 4-5 năm, thêm 3 năm thực hành tại hiện trường, tức là cần tới 7-8 năm để đào tạo một kỹ sư, còn chưa đánh giá họ có được việc hay không.
Cần nhìn nhận thực tế, trong 2 năm tới để khởi động thi công được đường sắt, không thể lao vào đào tạo nhân lực mà cần tìm giải pháp thông qua nhập khẩu lao động, nhập khẩu kỹ sư. Việc đào tạo dành cho chiến lược dài hơi trong 5 năm tới”, ông Phương nhìn nhận.
Do đó, ông Phương cho rằng nếu không có sự chuẩn bị kỹ hơn thì 2 năm tới bắt tay vào khởi động dự án là “suy nghĩ viễn tưởng”.
“Chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật, cái gì chúng ta không có thì cần mua, hội nhập. Trong đó, muốn làm đường sắt tốc độ cao trong 5 năm đầu tiên, cần phải hội nhập trên chính lãnh thổ của mình về giải pháp kỹ thuật và hội nhập nhân sự”, ông Phương nói.
Lấy dẫn chứng từ Vinfast, doanh nghiệp sử dụng phần lớn nhân sự chuyên môn cao từ nước ngoài, ông Phương khẳng định “họ làm được, các doanh nghiệp giao thông cũng có thể làm được”. Theo đó, nếu không liên danh với doanh nghiệp ngoại thì có thể tìm con đường khác là nhập khẩu lao động chất lượng cao.
Ông Hoàng Năng Khang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đơn vị đang chuẩn bị mọi mặt để đáp ứng nhu cầu khai thác vận hành sau này với kế hoạch cần khoảng 13.800 nhân lực cho công tác này.
Hiện, tổ nhân lực có nhiệm vụ đi làm việc với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để sẵn sàng cho nhân lực khai thác vận hành.
Trên thực tế, riêng lực lượng khai thác vận hành như lái tàu, chúng ta không thể đợi xây dựng xong mới đào tạo. Để làm người lái tàu phải mất 5 năm đào tạo. Nếu các lái tàu đang làm việc mà đưa đi đào tạo cũng mất ít nhất 3 năm. Các chức danh nhân viên điều động chạy tàu cũng mất 3-5 năm đào tạo.
Do đó, trước mắt đơn vị đang giao trường cao đẳng đường sắt liên kết với các đối tác nước ngoài để đào tạo. Về lý thuyết, ta có thể mời chuyên gia nước ngoài về đào tạo, nhưng phần thực hành thì phải đưa nhân lực ra nước ngoài đào tạo.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/can-nhap-khau-lao-dong-chat-luong-cao-lam-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-2343564.html