Thu thuế giá trị gia tăng rất hiệu quả
Chiều 24/6, thảo luận tại phiên họp của Quốc hội về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi luật để phù hợp với những thay đổi trong tình hình mới.
Góp ý vào nội dung dự thảo, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi luật lần này không nên đặt mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước. Lý do theo đại biểu, thống kê cho thấy, việc thu thuế giá trị tăng (VAT) luôn chiếm tỷ trọng khá cao, trong khi tỷ lệ huy động từ thuế VAT của nước ta thuộc nhóm cao so với các nước trong khu vực.
“Chỉ số đánh giá mức độ huy động thuế là năng suất thu và hiệu suất thu thuế VAT ở Việt Nam đều cao, thể hiện việc thu thuế giá trị gia tăng rất hiệu quả”, đại biểu Cường nhấn mạnh.
Theo đại biểu, thuế VAT áp dụng đối với người tiêu dùng, không phải đối với người sản xuất. Tuy nhiên, khi giá hàng hoá tăng lên, mức tiêu thụ hàng hoá sẽ giảm, từ đó ảnh hưởng đến người sản xuất, dẫn đến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực sản xuất.
Đại biểu nêu rõ, để phục hồi kinh tế, trong 2 năm qua, chúng ta đã phải giảm thuế mới kích thích được sản xuất. Do đó, đại biểu đề nghị không nên tăng thu ngân sách bằng việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng. Thay vào đó, có thể nghiên cứu thuế tài sản và thuế bảo vệ môi trường để tăng thu ngân sách.
Theo đại biểu Cường, thuế tài sản là một sắc thuế có khả năng huy động rất lớn cho ngân sách, đồng thời có vai trò điều tiết rất lớn đến việc chiếm hữu các tài sản.
Đặc biệt là chúng ta vừa thông qua Luật Đất đai, giá đất được định giá thị trường, nếu chúng ta không có sớm thuế này có thể sẽ đẩy tình trạng đầu cơ về tài sản lên và sẽ là một vấn đề hậu quả.
Về thuế bảo vệ môi trường, đại biểu cho rằng đây cũng là một sắc thuế cần phải sớm ban hành để điều tiết những hành vi gây ô nhiễm và xâm hại môi trường, đồng thời khuyến khích xu hướng chuyển đổi xanh.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Đánh giá cao ban soạn thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định công phu, theo lộ trình cải cách thuế quốc gia, tuy nhiên, đại biểu Trần Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị cân nhắc bổ sung một số nhóm đối tượng chịu thuế như dự thảo luật.
Theo đại biểu Tuấn, hiện nay chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tức đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng theo hướng tiếp tục giảm thuế (giảm thuế 2% cho đến cuối năm 2024).
Theo đại biểu, trong thời gian tới, cần tiếp tục có những biện pháp để kích cầu tiêu dùng và sản xuất đến cuối năm 2025 để bảo đảm duy trì tốt tốc độ tăng trưởng.
Đại biểu phân tích, việc sửa đổi luật đưa mức chịu thuế từ 0% lên 5% như dự thảo luật đối với một số mặt hàng là đầu vào của sản xuất, như vậy các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này sẽ giảm sức cạnh tranh, gây áp lực lạm phát các mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Do đó, việc thiết kế 2 chính sách này rất dễ gây xung đột chính sách khi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng nhưng lại đưa đối tượng mới chịu thuế, từ đó sẽ làm giảm chính sách tài khóa mở rộng đang thực hiện.
Vì vậy, đại biểu Tuấn cho rằng, cần thiết kế chính sách theo lộ trình, nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp cần tính toán lại chính sách thuế hợp lý, có thể đưa vào mức chịu thuế 0% thay vì 5% như dự thảo luật để doanh nghiệp được khấu trừ thuế, nhưng sản phẩm lương thực thực phẩm đầu ra không bị áp lực tăng giá, mà vẫn thực thi chính sách tài khóa mở rộng tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, trong dự thảo luật chưa thiết kế lộ trình áp dụng như thế nào. Hơn nữa, từ nay đến cuối năm 2025 chúng ta cần tiếp tục thực hiện những chính sách tài khóa mở rộng, trong đó chính sách tài khóa còn dư địa rất nhiều.
Do đó, cần thiết kế theo hướng giao Chính phủ đưa vào đối tượng chịu thuế đúng với lộ trình cải cách thuế nhưng cần có thời gian thực hiện phù hợp với điều kiện tình hình thực tế.
Cần thiết rà soát, sửa đổi quy định về đối tượng không chịu thuế
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Cũng bày tỏ nhất trí về sự cần thiết sửa đổi luật để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cuộc sống và đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế thị trường đang phát triển, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, về đối tượng chịu thuế liệt kê như Điều 5 dự thảo luật gồm 26 mục là rất cụ thể, bảo đảm việc triển khai thực hiện. Trong đó, bổ sung quy định một số trường hợp hàng hoá nhập khẩu không phải chịu thuế.
Về vấn đề này, đại biểu đề nghị cân nhắc vì hiện nay ở một số cửa khẩu, hằng ngày có từ 4-5 triệu đơn hàng qua biên giới nước ta được miễn thuế do giá trị mỗi loại hàng hoá có giá trị nhỏ. Nếu tính thuế thì mỗi gói hàng không đáng bao nhiêu tiền mà lại phải tốn nhân sự quản lý thu, chậm trễ thời gian.
Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khác, đại biểu nêu thực tế hiện nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định miễn thuế hàng hoá nhập khẩu có giá trị nhỏ để tạo bình đẳng cho hàng hoá sản xuất trong nước. Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị cần có cân nhắc về vấn đề này cho phù hợp thực tế.
Liên quan đến điều kiện khấu trừ áp thuế suất 0%, đại biểu đồng ý việc bổ sung các quy định chặt chẽ hơn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của luật để trục lợi, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Do đó, đại biểu đề nghị xác định kỹ các trường hợp đặc thù để quy định vào luật, không nên giao Chính phủ quy định các vấn đề đã rõ.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Cũng bàn về đối tượng không chịu thuế, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho biết, Điều 5 dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến đối tượng không chịu thuế và nhiều nội dung sửa đổi nhằm bảo đảm nhất quán các thuật ngữ, khái niệm quy định tại các luật chuyên ngành như Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Luật Các tổ chức tín dụng,…
Theo đại biểu, việc rà soát, sửa đổi quy định về đối tượng không chịu thuế theo hướng loại bỏ hoặc bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ so với quy định hiện hành để phù hợp với thực tiễn là rất cần thiết.
Tuy nhiên, bên cạnh các trường hợp không phải nộp thuế VAT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế VAT đầu vào thì hiện còn một số trường hợp khác như trường hợp các tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hợp tác xã…
Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ hơn cơ sở pháp lý và đánh giá tác động đối với việc xác định các trường hợp đã được quy định tại Nghị định số 209/2013/NĐ-CP mà không được tiếp tục cho phép khấu trừ thuế VAT đầu vào và đầu ra không phải tính thuế VAT như dự thảo luật xác định.
Bảo đảm linh hoạt, hiệu quả trong quá trình điều hành công cụ thuế
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế VAT có phạm vi điều tiết rất rộng và đánh vào hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ nên sẽ liên quan đến lợi ích của nhiều nhà sản xuất, kinh doanh.
Vì vậy, quy định trong dự thảo cần làm thế nào để bảo đảm cho sản xuất, thương mại phát triển, từ đó quy định thống nhất theo đúng chiến lược cải cách hệ thống thuế, nên ban soạn thảo đã nghiên cứu hết sức chặt chẽ và đánh giá tác động của từng vấn đề liên quan đến chính sách thuế VAT, bao quát được các nguồn thu, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng cho biết, theo chiến lược đến năm 2030 phải huy động vào ngân sách 16-17% GDP, trong đó thuế và phí là 14-15% GDP, tỷ lệ thu nội địa phải đạt được 86- 87%.
Qua ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và đánh giá lại tác động của từng gói chính sách và những vấn đề đang còn tranh luận để đến kỳ họp sau bảo đảm thống nhất khi ban hành.
Về ý kiến đại biểu nêu liên quan quy định giao Chính phủ quy định hàng hóa, dịch vụ hộ gia đình, cá nhân không chịu thuế VAT, Bộ trưởng cho biết, quy định trong luật phải bảo đảm phù hợp với xu thế của thế giới và thuế thật sự là công cụ để bảo vệ nền kinh tế và phải thích ứng với quá trình lãnh đạo, điều hành và quản lý nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế vĩ mô. Do vậy, việc phân cấp cho Chính phủ là hết sức quan trọng và bảo đảm sự linh hoạt và hiệu quả trong quá trình điều hành.
Về thuế đối với cổ vật, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cổ vật do nhà nước nhập khẩu không chịu thuế, nhưng tổ chức, cá nhân nhập về để kinh doanh thì phải chịu thuế.
Đối với việc áp thuế suất 5% hay quy định không chịu thuế với mặt hàng phân bón, Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ đánh giá lại tác động để trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.
Theo Bộ trưởng, hiện nay sản lượng phân bón sản xuất trong nước là 73,3%, còn nhập khẩu là 26,7%, tức là khoảng 4 triệu tấn/năm. Do đó, quy định chịu thuế 5% như Chính phủ đề nghị trong dự thảo bảo đảm không mất bình đẳng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu.
Ngoài ra, áp thuế 5% với phân bón để doanh nghiệp được hoàn thuế sẽ tạo nguồn lực cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm và phát triển một cách bền vững. Như vậy, điều này cũng có thể có tác động đến cung-cầu nữa, bởi nếu nguồn cung tăng lên thì giá sẽ hạ, nguồn cung thấp thì giá sẽ cao.
Về chính sách tài khóa mở rộng, Bộ trưởng cho rằng, hết năm nay nên hoàn thành chính sách tài khóa mở rộng để tập trung vào thắt chặt, bởi xu thế của thế giới hiện nay là tập trung để nâng cao sức mạnh của tài chính công, bảo đảm trang trải cho xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, vấn đề an sinh xã hội và các vấn đề khác.
“Muốn thúc đẩy kinh tế phát triển thì thuế suất phải tăng lên”, Bộ trưởng Tài chính nêu rõ.
Nguồn: https://nhandan.vn/can-nhac-viec-tang-thu-ngan-sach-bang-dieu-chinh-thue-gia-tri-gia-tang-post815873.html