Sáng nay (17/6), Quốc hội khóa XV bước vào tuần làm việc đầu tiên của đợt 2. Mở đầu phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước). Bộ trưởng Bộ GTVT giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Cử tri mong sớm có cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ nhất trí với sự cần thiết của Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), cho rằng đây là đoạn đường có ý nghĩa quan trọng trong kết nối đường cao tốc, kết nối huyết mạch vùng Tây và Đông Nam Bộ. Về quy mô và dự án đầu tư, cơ quan hữu quan đã hết sức cầu thị, ngoài đầu tư từ ngân sách nhà nước, phải sử dụng từ phương thức đối tác công tư theo quy định và áp dụng cơ chế đặc thù cho đoạn đường này.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết, đoạn cao tốc Chơn Thành – Đức Hòa hiện chỉ quy hoạch xây dựng đường cấp 3 đồng bằng, cần nghiên cứu, xem xét nâng cấp đoạn đường này cùng tuyến 4 làn xe như đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành.
“Theo quy hoạch, đường sẽ có 6 làn xe, tuy nhiên theo kế hoạch trước mắt, chúng ta sẽ xây dựng 4 làn xe do điều kiện còn hạn chế về nguồn vốn đầu tư, 2 làn xe còn lại sẽ tiếp tục giải phóng mặt bằng, phân kỳ để đầu tư tiếp khi có điều kiện”, ông Hòa nói.
Về tác động của dự án tới đường giao thông BOT, ông Hòa cho rằng, theo báo cáo, hiện đã có 2 đường hiện hữu thực hiện BOT, giờ tiếp tục thực hiện theo phương thức BOT thì sẽ dẫn đến bất cập, gây ảnh hưởng đến 2 đường BOT đã hiện hữu. Do vậy, Chính phủ, Bộ GTVT cần nghiên cứu để đảm bảo công bằng, thuận lợi cho các đối tác đầu tư.
“Về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đây là dự án rất quan trọng. Theo báo cáo, số người dân cần bồi hoàn lên tới 1299 hộ, diện tích đất cần giải tỏa cũng rất lớn. Đề nghị cơ quan soạn thảo, chính quyền địa phương cần quan tâm nghiên cứu để đảm bảo thực hiện tốt việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư”, ông Hòa kiến nghị.
Cùng quan điểm, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nhấn mạnh việc giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) là nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh- tế xã hội, đã được định hướng đầu tư tại các Nghị quyết số 23, Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị. Theo đại biểu, khi hệ thống giao thông phát triển sẽ là tiền đề tạo đà phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế- xã hội và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao…
“Theo quy hoạch, dự án là trục giao thông có ý nghĩa rất quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh. Việc đầu tư dự án cao tốc sẽ giải quyết được điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ…”, đại biểu Sang đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông bày tỏ, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam đáp ứng sự mong mỏi của đồng bảo, cử tri khu vực này lâu nay.
“Cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ”, ông Giang nói.
Theo ông Giang, việc đầu tư Dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép – Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
“Để dự án đảm bảo tiến độ, tôi kiến nghị cho khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng dự án nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng. Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường…”, ông Giang nói.
Đại biểu mong rằng sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Chính phủ sớm triển khai dự án, đáp ứng mong mỏi của đồng bảo, cử tri, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Khởi công cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành ngay trong năm 2024
Giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề cập đến tính khả thi đầu tư dự án theo phương thức PPP.
Ông Thắng cho biết, theo phương án tài chính đã trình, cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành được quy hoạch 6 làn xe và sẽ thi công xây dựng hoàn chỉnh 4 làn với 50% phần vốn Nhà nước tham gia. Dự kiến, tới năm 2045 sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 làn xe.
“Dự án có thời gian hoàn vốn tương đối tốt so với các dự án trước đây, khoảng 18 năm. Đây là điểm mà các nhà đầu tư giao thông rất yêu thích và các ngân hàng cũng đồng tình”, ông Thắng nói.
Cũng theo Tư lệnh ngành giao thông, hiệu quả tài chính và thời gian thu hồi vốn của cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành tương đồng với 3 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông vừa hoàn thành và chuẩn bị đưa vào thu phí. Với việc đã có nhà đầu tư quan tâm và đề xuất thực hiện, ông Thắng nhận định dự án này có tính khả thi cao.
Ngoài ra, ông cũng nhắc đến một phương án khác là Nhà nước đầu tư toàn bộ dự án, sau đó nhượng quyền thu phí. Dù vậy, Bộ trưởng tin “không phải sử dụng tới giải pháp này”.
Về tác động của cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành với các dự án BOT song hành, một số đại biểu lo ngại khi hoàn thành toàn tuyến, không chỉ có 2 dự án BOT song hành bị ảnh hưởng mà sẽ có thêm một số dự án khác bị tác động. Bộ trưởng Thắng cho hay, Chính phủ đã lường trước vấn đề này và yêu cầu Bộ GTVT trình phương án xử lý, tháo gỡ các dự án BOT bị ảnh hưởng, đặc biệt do quá trình Nhà nước đầu tư các dự án BOT cao tốc Bắc – Nam phía Đông và các trục ngang trong đó có dự án này.
Bộ GTVT cũng đã trình, trong đó đề xuất một số phương án tuỳ theo mức độ ảnh hưởng thực tế.
Trước hết, ông Thắng nhắc tới phương án có thể kéo dài thời gian thu phí nếu hai dự án BOT bị ảnh hưởng, nhưng vẫn đảm bảo lưu lượng xe và khả năng tài chính.
Trong trường hợp doanh thu quá dài, ông Thắng cho biết sẽ cân đối xem xét để bổ sung hỗ trợ một phần ngân sách Nhà nước cho hai dự án và tiếp tục thu phí.
Về tiến độ dự án, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về tính khả thi khi hoàn thành dự án vào 2026, Tư lệnh ngành giao thông khẳng định, dự án này được thực hiện vào thời điểm thuận lợi khi chúng ta đã có kinh nghiệm làm nhiều dự án cao tốc.
Thời gian thực hiện dự án này được tính toán dựa trên kinh nghiệm thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2, thông thường chỉ khoảng 1,5 năm, còn 2 năm là quá dài, theo ông Thắng.
Dẫn chứng, ông Thắng cho biết đường cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2 khởi công ngày 1/1/2023, các dự án này gặp rất nhiều khó khăn về nguyên vật liệu và giải phóng mặt bằng nhưng giải quyết được các nút thắt này, thời gian thực hiện rất nhanh, tối đa không quá 24 tháng, nhiều dự án rút ngắn thời gian khoảng 8 tháng.
Với dự án cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), theo Bộ trưởng, không phải đấu thầu tìm đơn vị xây lắp nên rất thuận lợi. Ngoài ra, về giải phóng mặt bằng, các địa phương rất quyết tâm.
“Sau khi Quốc hội phê duyệt, Chính phủ sẽ chỉ đạo và hai địa phương sẽ tích cực giải phóng mặt bằng và dự kiến khởi công ngay trong 2024”, Bộ trưởng GTVT khẳng định.
Một thuận lợi khác là về nguyên vật liệu, theo đánh giá hiện nay hai địa phương đã bố trí đầy đủ các vị trí mỏ và trữ lượng.
Bên cạnh đó, các cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng, chỉ định thầu để xây dựng khu tái định cư hay bố trí mỏ nguyên vật liệu, vốn… ở dự án này đều rất thuận lợi.
“Với các hộ dân bị ảnh hưởng, Chính phủ sẽ chỉ đạo hai địa phương giải quyết tốt nhất chế độ để khi chuyển về nơi mới phải có điều kiện tốt hơn hoặc chí ít phải bằng nơi cũ”, Bộ trưởng khẳng định.
Một số đại biểu băn khoăn địa phương không đủ nguồn vốn ngân sách để tham gia dự án, Tư lệnh ngành giao thông khẳng định các địa phương rất quyết tâm và cho biết có thể bố trí nguồn vốn tham gia dự án.
Bộ trưởng dẫn chứng, khi xây dựng sân bay Điện Biên, địa phương phải bỏ ra 1.200 tỷ đồng trong khi ngân sách của tỉnh một năm chỉ thu được 800-1200 tỷ/năm, nhưng vẫn hoàn thành. “Do đó với hai địa phương Đắk Nông, Bình Phước, có thể hoàn toàn tin tưởng”, ông Thắng nói.
Về cơ chế khai thác mỏ khoáng sản vật liệu và quá trình triển khai thi công mà dự án có thể vướng mắc về khoáng sản mà Nhà nước phải thu hồi theo quy định, Bộ trưởng đồng tình với quan điểm của các đại biểu và mong Quốc hội có nghiên cứu, xem xét đưa vào nghị quyết để quá trình thực hiện thuận lợi hơn.
Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/can-nhac-tinh-kha-thi-phuong-an-ppp-cao-toc-gia-nghia-chon-thanh-post1102007.vov