Các đề xuất này được đưa ra bởi các chuyên gia Công ty DT Global Australia Pty Ltd – đơn vị triển khai (PMC) dự án “Những kinh nghiệm quốc tế tốt hỗ trợ Cục Đường sắt VN xây dựng dự thảo Luật Đường sắt 2017 sửa đổi” do Chính phủ Australia tài trợ.
Cụ thể, các chuyên gia này khuyến nghị về niên hạn phương tiện giao thông đường sắt (GTĐS), nên rà soát và sửa đổi Luật Đường sắt theo hướng: Luật không quy định về niên hạn phương tiện GTĐS, chỉ quy định về yêu cầu đánh giá trạng thái và sự phù hợp của phương tiện.
Giao cho chủ phương tiện, là người chịu trách nhiệm về an toàn của phương tiện GTĐS khi đưa ra sử dụng, có trách nhiệm xác định niên hạn sử dụng phương tiện của mình trên cơ sở trạng thái kỹ thuật, an toàn và sự phù hợp của phương tiện GTĐS.
Luật cũng xác định đơn vị đầu mối để thực hiện kiểm tra, đánh giá trạng thái và sự phù hợp của phương tiện GTĐS khi hết niên hạn.
Cùng đó, các chuyên gia PMC khuyến nghị rà soát, sửa đổi, xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết quy định về niên hạn của phương tiện GTĐS được sử dụng cho mục tiêu về lập kế hoạch quản lý an toàn; kế hoạch đầu tư nâng cấp và đánh giá định kỳ để đảm bảo an toàn phương tiện.
Lý giải về các đề xuất này, các chuyên gia PMC cho rằng, quy định tại Luật Đường sắt về niên hạn phương tiện GTĐS chưa phù hợp với thực tế vận hành và các kế hoạch chuyển đổi phương tiện theo kế hoạch hành động về giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông.
Vì thực tế khi áp dụng tại Việt Nam, số lượng phương tiện GTĐS hết niên hạn vẫn còn sử dụng tốt và đảm bảo an toàn. Trong quá trình khai thác, các doanh nghiệp luôn thay thế các vật tư phụ tùng và định kỳ kiểm tra.
Mặt khác, theo mục tiêu chuyển đổi xanh, đến năm 2050, ngành đường sắt sẽ chuyển đổi 100% đầu máy, toa xe đường sắt sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Để đáp ứng mục tiêu này, các phương tiện GTĐS trên hệ thống đường sắt quốc gia hiện tại sẽ phải thay thế hoàn toàn.
“Theo thống kê, số lượng đầu máy, toa xe hết niên hạn đến năm 2035 là 140 đầu máy, 275 toa xe khách và 2081 toa xe hàng. Việc quy định niên hạn như hiện tại có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong việc đầu tư thay thế phương tiện”, chuyên gia PMC nhận định và dẫn kinh nghiệm quốc tế về quản lý an toàn phương tiện GTĐS.
Điển hình như Hồng Kông, Hàn Quốc, Pháp và Nhật Bản đều sử dụng quy trình Hệ thống quản lý an toàn (SMS) để xác định tần suất kiểm tra và niên hạn của phương tiện.
Theo đó thay đổi phương pháp từ quản lý niên hạn tài sản cố định sang phương pháp quản lý dựa trên Hệ thống quản lý an toàn (Safety management system – SMS). Đây là hệ thống đánh giá rủi ro an toàn khi tiếp tục vận hành phương tiện, dựa trên việc đánh giá hiện trạng của phương tiện và khả năng sử dụng phương tiện trong tương lai.
SMS bao gồm các quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật được đơn vị vận hành đường sắt sử dụng làm tiêu chuẩn để xác định rủi ro. Bằng cách thu thập thông tin về những lỗi hư hỏng trước đó hoặc những dấu hiệu cho thấy có thể xảy ra lỗi trong tương lai ở các bộ phận của phương tiện như bánh xe, phanh, lò xo hoặc khớp nối.
Dữ liệu về tình trạng của phương tiện được thu thập từ hồ sơ lưu tại xưởng sửa chữa hoặc từ các cảm biến tự động đo mức độ hao mòn, được sử dụng để đánh giá mức độ tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện… Từ đó xác định phương tiện có thể vẫn còn phù hợp với mục đích sử dụng, ngoại trừ một số bộ phận có thể cần được thay mới. Hoặc từ việc giám sát liên tục tình trạng của phương tiện sẽ xác định được cần thay thế toàn bộ phương tiện thay vì tiếp tục sửa chữa.
SMS của nhà điều hành đường sắt được gửi tới Cơ quan quản lý an toàn độc lập để đánh giá, xem xét các dự định này đối với phương tiện GTĐS.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/can-nhac-quy-dinh-nien-han-phuong-tien-trong-luat-duong-sat-192240527211707011.htm